Ông Huệ (Năm Hưng), theo cách mạng từ năm 14 tuổi, gặp vợ - bà Trần Ngọc Lệ - trong rừng U Minh Hạ những năm chiến đấu. Hòa bình, cả hai ở lại vùng rừng kháng chiến, đến cả khi về hưu, cả hai vẫn là những người “U Minh rặt”. Bà Lệ vẫn nhớ hồi năm 69, địch đốt rừng tìm cán bộ, gốc tràm cháy đỏ rực. “Bưng gốc tràm cháy cũng trần thân”. Chuyện đời ông bà từ chiến đấu đến hòa bình, gian nan trăm bề. Mấy năm trong rừng, có lần đi làm về bà bàng hoàng thấy một rắn hổ từ đâu quấn ngang người cậu con trai chưa đầy tuổi đang khóc ngằn ngặt. Bà chết lặng. May rồi rắn cũng bò đi.
Giữa khói lửa và sinh tồn, ông bà vẫn nhớ những điều ngọt ngào. Năm còn đối mặt với sống chết giữa rừng U Minh, ông tặng bà chiếc lá U Minh. Bà cài lá lên nón, trời mưa ôm nón vào lòng, thà ướt đầu chứ không để ướt nón. Mấy cô gái U Minh trong cứ đều trân trọng lá như thế. Lá U Minh là một lời ước hẹn. Khi làm ngôi nhà lá đầu tiên trong rừng, ông Huệ mang một cây U Minh về trồng cạnh nhà.
Có nhiều loài cây ở đất nước này như thế, chẳng ai biết tên có tự khi nào, nhưng dần đi vào tiềm thức mỗi người. Cây không chỉ là cây, mà là tinh thần, sức sống con người. Gọi tên cây lá, cũng là gửi gắm lòng mình.
Lại nhớ cây phong ba, cây bão táp - cái tên nghe đã thấy sóng gió. Giống cây ưa gió biển, thích cát ấy vốn không chỉ có ở Trường Sa. Nhưng từ rất lâu, phong ba và bão táp, cùng bàng vuông, đã thành biểu tượng của vùng đảo “ngoài khơi nhiều kẻ nhận”. Thượng tá Đào Mạnh Hồng, người tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14/4/1975, kể rằng đêm lên giành đảo, ông chẳng kịp nhìn rõ cái gì, bóng cây cũng mờ mờ. Nhưng nhiều năm sau, trở lại Song Tử Tây, ông vẫn nhận ra bóng mấy cây phong ba - loài cây ông chưa biết tên năm đó. Chúng vẫn ở đấy, bền bỉ, như thể muốn cùng những người lính bảo vệ đất quê hương.
Kỳ lạ là, ở các đảo huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), cây phong ba và bão táp hay đứng cạnh nhau, đều có hoa trắng bé xíu. Hoa phong ba nở chùm như hoa sữa, hoa bão táp cánh rẻ quạt nhỏ bé, dựa vào nhau vượt qua giông gió, “không cho phép mình gãy” - như tinh thần người lính đảo.
Tại Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Cục R - Tân Biên, Tây Ninh), ai đến cũng biết chuyện lá trung quân. Tên lá như đời lá: “Trùng trùng như giáo như tên/Xoay xoay lá xếp nghiêng nghiêng cánh rừng/Bao phen giặc kiếm giặc lùng/Xanh xanh áo lá ta cùng ngụy trang” (Thơ Đoàn Việt Bắc). Lá trung quân xếp tấm, ép phẳng, phơi 1-2 ngày rồi lợp nhà. Mươi mười lăm hôm sau lá chuyển mầu nâu, khó bén lửa. Nhiều năm, Cục R dùng lá này làm lán trại, khu làm việc, ngụy trang rất tốt. Những đồng chí như Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… từng ngồi dưới mái lá trung quân ra quyết sách lịch sử, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước.
Giống như nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng/Đến em thơ cũng hóa thành những anh hùng/Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/Và hoa trái cũng biến thành vũ khí”, những chiếc lá vốn là cỏ cây, đã thành biểu tượng tinh thần của nhiều vùng đất, hình ảnh của nhiều con người.
“Nghìn năm đất nước anh hùng/Xây nên từ cả một rừng lá xanh” (thơ Đoàn Việt Bắc) là vậy!