Ngược thượng nguồn

Một mảnh hồn quê Cái Tàu

Tôi đã từng đi qua nhiều dòng sông đẹp trên khắp đất nước. Một chiều mưa qua con sông Bến Hải (Quảng Trị)-vĩ tuyến 17, nơi chia cách đất nước những 20 năm trời; một sớm mùa xuân tôi đứng trên cầu Trường Tiền nhìn dòng Hương (Huế) lững lờ trôi; hay một đêm tháng 3 những năm trước tôi đi du thuyền trên sông Hàn (Đà Nẵng) để cảm nhận hết nét đẹp từ sông nhìn lên của một thành phố được mệnh danh là “đáng sống nhất Việt Nam”… Tuy nhiên, dù đi đến dòng sông nào thì lòng tôi cũng đau đáu về một dòng sông chảy ngang qua mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn lên, dòng sông của cội nguồn, dòng sông của thời ấu thơ không thể nào phai lạt: sông Cái Tàu ở xứ “muỗi mòng, đỉa vắt”-U Minh (Cà Mau).

Trên dòng Cái Tàu.
Trên dòng Cái Tàu.

Sông Cái Tàu thuộc địa phận huyện U Minh (Cà Mau). Dòng sông này bắt nguồn từ sông Trẹm (chặng Tắc Thủ) và chảy dài đến tận ngã tư rạch Tiểu Dừa, tiếp giáp với huyện An Minh (Kiên Giang) rồi đổ ra Vịnh Thailand. Sông Cái Tàu có chiều dài 42 km, chảy qua các xã: Khánh An, Nguyễn Phích, thị trấn U Minh, Khánh Thuận và Khánh Tiến. Mặc dù dòng sông này chảy ngang qua nhiều xã, song người xứ khác có lẽ không nhớ hết tên các xã cụ thể, chỉ nhớ mỗi tên sông Cái Tàu. Bởi vậy, họ gọi người dân sống ở hai bên bờ sông Cái Tàu là dân Cái Tàu, người Cái Tàu; cả những loại trái cây, đồ thủ công mỹ nghệ phổ biến có xuất xứ từ U Minh cũng được gán ghép bằng cái tên Cái Tàu, dần trở thành thương hiệu như: dâu Cái Tàu, thúng rổ Cái Tàu,… Thậm chí, những cô gái hiền lành, chân chất xứ này trở thành gái Cái Tàu trong cách gọi của người xứ khác.

Nỗi nhớ thương ký ức

Ngồi trên chiếc đò dọc xuất phát từ bến tàu A (cũ) ở phường 1 (TP Cà Mau) xuôi dòng về sông Cái Tàu, đi được một đoạn, đò đến Vàm Cái Tàu, nơi có một cái chợ nhỏ xíu trên bờ. Ngày trước, mỗi lần đi ngang qua đây người ta đều thấy ghe xuồng tấp nập, tàu bè dập dìu không ngớt. Trên sông, hàng chục chiếc xuồng chèo bán mấy loại bánh trái, những món đồ đặc trưng của xứ Cái Tàu cho khách qua đường (thường là khách du lịch). Đây là lần hiếm hoi tôi đi đò dọc về U Minh sau bao nhiêu năm quê mình thay da đổi thịt. Từ hồi có đường nhựa (tuyến Cà Mau-U Minh) chạy dài từ TP Cà Mau đến tận xã Khánh Hội (U Minh), tôi không có dịp đi tàu nữa. Trong chuyến trở về cùng vài anh/chị nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ… lần này, tôi chọn thuê hẳn một chiếc đò dọc để mọi người có thể ngắm cảnh U Minh từ phía sông, ngắm trọn vẹn dòng sông huyền thoại đã từng đi vào câu thơ khắc cốt ghi tâm của người dân xứ này: “Rừng U Minh muôn đời ghi nghĩa lớn-Sông Cái Tàu vạn thuở nhớ ơn sâu”. Ngang qua vàm Cái Tàu, tôi bàng hoàng khi nhận ra cảnh tượng tấp nập ngày trước giờ đã không còn nữa. Những chiếc xuồng chèo bán bánh ú lá tre nếp ngâm nước tro trong vắt, bánh mì nóng hổi, thúng tre, rổ tre khéo léo của người Cái Tàu,… đã vắng biệt, chỉ còn lại nơi này vài chiếc xà-lan cát nằm tư lự ven bờ. Một nỗi nhớ thương ký ức và niềm tiếc nuối len lỏi trong tôi.

Càng đi sâu vào hướng thị trấn U Minh, phong cảnh càng trù phú, tốt tươi. Hai bên bờ sông Cái Tàu là những rặng dừa nước ngả nghiêng soi bóng. Tôi không biết ai, đôi bàn tay bao dung nào đã gieo mầm để trăm năm dừa nước vẫn sinh sôi phát triển ở vùng sông nước này, lớp dừa nước này gục xuống thì chồi non khác mọc lên, khỏe khoắn che kín đôi bờ sông, điểm tô một mầu xanh mướt. Ngày tôi về, bầu trời trong xanh, nước sông cũng trong vắt một mầu. Vườn dâu da thấp thoáng bên sông, tôi chỉ bạn tôi, bạn tôi thu ống kính lại gần để quan sát được rõ. Đó là một trong những vườn dâu còn sót lại sau một thời gian nước mặn tràn về, dâu không có trái, hoặc có trái nhưng không có ruột  (xứ này gọi là dâu đẹt, dâu lép), người dân bấm bụng đốn đi để trồng cây khác hoặc phá đất làm vuông tôm. Vài vườn dâu bên bờ sông còn sót lại còng lưng gánh thương hiệu dâu Cái Tàu để người ta không quên lãng.

Đi qua những bến sông, đò dọc lướt trôi giữa mầu xanh dừa nước và cây trái, đò chúng tôi về đến thị trấn U Minh. Từ điểm nhìn trên đò dọc, tôi thấy trung tâm thị trấn U Minh chia làm hai nửa, một bên là khu hành chính, một bên là chợ dân sinh. Chợ giờ cũng khang trang, cao ráo và sạch sẽ hơn xưa. Dường như chợ U Minh, cầu U Minh,… hay bất kỳ hình ảnh nào của đất U Minh cũng trở thành mảnh hồn quê, để nhớ để thương trong tâm khảm của những người con xa xứ. Đò chạy chầm chậm, rẽ sóng vào sâu trong rừng để chúng tôi ngắm nhìn. Những nhánh lẻ mang nước sông Cái Tàu đi sâu vào từng ngóc ngách, nuôi lớn những cánh rừng tràm để bầy ong mật bay về làm tổ, hình thành nên thương hiệu Mật ong rừng tràm U Minh nức tiếng từ bao đời nay. 

Những chuyến tàu xuôi ngược

Hơn mười năm về trước, sông Cái Tàu chính là tuyến giao thông huyết mạch nối liền huyện U Minh với thành phố Cà Mau. Khi đó đường nhựa còn hẹp và chưa được nâng cấp, muốn ra thành phố Cà Mau phải đi bằng tàu, đò dọc. Những cái tên tàu như Minh Tân, Phú Hưng, Bưu điện,… đã trở thành kỷ niệm của người U Minh, trong đó có tôi. Ngày nhỏ, thoảng vài tháng tôi lại theo bà ra chợ tỉnh bán mấy loại đồ đan lát như thúng, rổ, nia-nghề truyền thống của xứ Cái Tàu. Mỗi lần đi chợ bà cháu tôi phải thức dậy thật sớm để đón tàu từ huyện U Minh chạy ra chợ tỉnh. Trong khoang tàu gỗ chia làm hai dãy, những người lạ ngồi đâu mặt lại với nhau, ngồi kề bên nhau, chuyện trò đôi ba câu mà thành người quen của nhau, để rồi khi lên tàu lại thấy luyến lưu bịn rịn. 

Những chuyến tàu cứ xuôi ngược trên dòng sông. Những chuyến tàu chở người đi xa, đón người trở lại. Tôi nhớ cái không khí của những buổi chiều quê trên bến sông, người ở quê rộn rã đứng trên bến tàu đón người phương xa về trong niềm nhớ mong da diết. Tôi nhớ những sớm mai đầy nắng, trên dòng Cái Tàu, những chiếc ghe câu tư lự, vài bóng người ngồi trên mũi ghe thả dây câu, quăng chài, giăng lưới trên sông,… Đó là những hình ảnh, những mảng màu góp phần làm cho bức tranh sông quê thêm đẹp.

Hiện nay, đã có nhiều cây cầu khang trang, vững chãi bắc qua sông Cái Tàu như cầu Khánh An (xã Khánh An), cầu Khai hoang (xã Nguyễn Phích), cầu thị trấn U Minh,… Dòng Cái Tàu năm xưa mỗi lần muốn qua sông phải đón đò, bởi xuồng tròng trành hiểm trở giờ đã có những chiếc cầu nối bờ vui, nối “bên này” - “bên ấy”. Tuy vậy, những bến phà trên sông với những cái tên lạ lùng mộc mạc như phà Nàng Chăng, phà Phố Nguyên, phà Ổ Ó,… vẫn còn hoạt động vì cầu được bố trí xa nhau. Mấy lần về quê, qua phà, tôi tự hỏi đã bao lần phà đưa mình qua lại trên sông, những chiếc phà gỗ mầu nâu trầm ngấm nước, những người chạy phà khuôn mặt hiền lành, dù nắng hay mưa vẫn cần mẫn qua lại trên sông. Tôi thầm cảm ơn họ vì đã đưa tôi trên dòng sông để tôi được trở về với xóm nhỏ êm đềm nép mình bên dòng Cái Tàu xanh mướt.

“Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ…”

Đứng trên cầu thị trấn U Minh trong một chiều lộng gió, vài ba đứa trẻ đứng trên cầu thả diều (dưới sự giám sát của ba má chúng) cười tíu tít vui tai. Tôi nhìn dòng Cái Tàu uốn lượn, lặng lờ trôi, những chiếc xuồng, chiếc vỏ lãi chỉ bé bằng bàn tay luồn qua chân cầu rồi xé sóng chạy về phía chợ U Minh tấp nập, sôi động. Tôi thấy sông quê mình đẹp quá, dẫu có đi đâu, có ngắm nhìn những dòng sông đẹp nào khác trên đất nước mình thì dòng Cái Tàu vẫn chiếm một vị trí không đổi trong trái tim tôi.

Sông Cái Tàu-mảnh hồn của đất U Minh, dòng sông oằn mình trong lịch sử đấu tranh của người U Minh, dòng sông đã cưu mang, nuôi dưỡng con người xứ “muỗi mòng, đỉa vắt”. Và, dòng sông Cái Tàu đã nuôi lớn tâm hồn tôi để từ đó tôi thấy lòng mình gắn chặt với vùng sông nước mênh mang, gắn chặt với nơi này, dù có đi đâu cũng đau đáu hướng về U Minh bốn mùa tràm thơm, sông chảy. Tôi không hiểu rõ ngọn nguồn của cái tên Cái Tàu, cái tên dung dị, mộc mạc, chân chất; nhưng tôi lại tự hào mỗi khi đi xa và giới thiệu với bạn bè rằng: Tôi là người Cái Tàu, người con của mảnh đất anh hùng, của những cánh rừng tràm bạt ngàn và bầy ong làm nên thương hiệu của quê hương xứ sở…