Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cùng các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp hạ mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, gần đây, một số ngân hàng thương mại vẫn điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tạo áp lực đẩy lãi suất cho vay đi lên.
Biến động lãi suất dù không có áp lực thanh khoản
Trước diễn biến này, Thủ tướng yêu cầu NHNN nhanh chóng thanh tra, kiểm tra các ngân hàng thương mại có động thái tăng lãi suất huy động, đồng thời bảo đảm việc công bố và thực hiện lãi suất đúng quy định. Những trường hợp vi phạm, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và NHNN sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, Thống đốc NHNN cần xem xét sử dụng các công cụ quản lý như hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc thu hồi giấy phép theo quy định, đồng thời báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 28/2.
Bên cạnh đó, NHNN được giao nhiệm vụ theo dõi sát sao diễn biến lãi suất, triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý. Đồng thời, cơ quan này cần tăng cường thanh tra, kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là việc công bố lãi suất và cấp tín dụng. Những hành vi cạnh tranh lãi suất không lành mạnh hoặc vi phạm quy định sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng vào ngày 25/2 để đánh giá tình hình lãi suất. Theo NHNN, tính đến ngày 24/2, mặt bằng lãi suất nhìn chung ổn định, dù một số ngân hàng có điều chỉnh nhẹ. Cụ thể, 8 ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,4%/năm so với cuối năm 2024, trong khi 4 ngân hàng khác có động thái tăng rồi giảm trong biên độ 0,1 - 0,3%/năm. Ngược lại, 3 ngân hàng đã giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,5%/năm.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất huy động xuống mức cao nhất chỉ còn khoảng 5-6%/năm. Trước đó, một số ngân hàng niêm yết lãi suất lên tới 6,45 - 6,5%/năm, như BVBank và Eximbank. Ngay cả nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vốn duy trì lãi suất thấp cũng tiếp tục giảm thêm 0,1%, hiện dao động trong khoảng 4,7 - 4,8%/năm. Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, lãi suất thậm chí thấp hơn, như ACB chỉ niêm yết mức cao nhất 4,5%/năm. Với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 13 tháng, lãi suất mới đạt 6%/năm.
Thông thường, những tháng đầu năm là giai đoạn thấp điểm của hoạt động cho vay, thanh khoản dồi dào. Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã gây không ít thắc mắc.
Cần mở rộng thêm nguồn vốn
Đánh giá về tốc độ tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định mức tăng hiện vẫn chưa cao. Trong bối cảnh NHNN thường xuyên cung cấp thanh khoản cho hệ thống, không có áp lực đáng kể nào khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất huy động lên. Theo ông, duy trì huy động và cho vay ở mức thấp sẽ an toàn hơn so với tình trạng tín dụng tăng trưởng nóng.
Thực tế, tính đến ngày 25/1/2024, tăng trưởng huy động của các tổ chức tín dụng đạt 9,06%, thấp hơn so với mức 11,19% cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng tín dụng lên tới 13,82%. Tổng số tiền gửi từ tổ chức và cá nhân đạt gần 14,7 triệu tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ cho vay lên tới 15,4 triệu tỷ đồng. Chênh lệch này tạo áp lực đáng kể lên lãi suất huy động.
Theo NHNN, tín dụng tháng 1/2025 tăng 0,19% so với cuối năm 2024, đưa tổng dư nợ toàn hệ thống lên 15,65 triệu tỷ đồng. Trong một tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm khoảng 50.000 tỷ đồng vào nền kinh tế. Trong khi đó, lượng tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế đến tháng 11/2024 (thời điểm công bố số liệu gần nhất) chỉ ở mức 14,269 triệu tỷ đồng, cho thấy tốc độ huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng cuối năm 2024 có dấu hiệu chậm lại.
Giải thích nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, có nhiều yếu tố đang gây sức ép lên lãi suất. Trong năm 2024, lãi suất huy động đã chạm mức thấp kỷ lục, nhưng nếu tiếp tục duy trì ở mức này, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn.
Ngoài ra, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đặt ra ở mức 8%, đồng nghĩa nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ gia tăng, buộc ngân hàng phải chuẩn bị nguồn lực cho vay. Bên cạnh đó, kỳ vọng lạm phát gia tăng cũng đòi hỏi lãi suất huy động phải tăng để bảo đảm mức lợi suất thực dương. Yếu tố tỷ giá biến động mạnh cũng tác động đến lãi suất, khiến mặt bằng lãi suất huy động khó giữ nguyên.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc lãi suất huy động tăng tất yếu sẽ kéo theo lãi suất cho vay đi lên, trở thành thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng trong năm nay. Bài toán đặt ra là làm sao vừa duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, vừa bảo đảm huy động đủ vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% mà NHNN đã đề ra.
Đồng quan điểm, GS, TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta cần có chiến lược dài hạn để phát triển thị trường vốn, tạo ra các kênh tài trợ bổ sung nhằm giảm sự phụ thuộc vào ngân hàng. Khi thị trường vốn mở rộng, sự mất cân đối trong cung - cầu vốn sẽ được cải thiện, thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất huy động và cho vay.
Ông Huân cũng đề xuất xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính (FinTech), qua đó cắt giảm chi phí trung gian, góp phần giảm chênh lệch lãi suất và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.