Theo Nghị định số 168, người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô-tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 800.000-1 triệu đồng). Với lỗi vi phạm vượt đèn đỏ, người điều khiển xe ô-tô sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng. Một tài xế xe hai bánh của hãng xe công nghệ chia sẻ: “Phạt nặng thế này, tôi không dám bất chấp leo lên vỉa hè đi tắt cho nhanh nữa. Lúc trước, có khi vội quá còn vượt đèn đỏ. Nay phải lưu thông đàng hoàng, chú ý tín hiệu đèn, nếu không phải trả tiền phạt thì căng lắm”.
Một bạn trẻ chia sẻ, theo quy định mới, nếu ai không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, đây chính là cách chấn chỉnh hành vi “nóng vội” khi tham gia giao thông mà rất nhiều người gặp phải. Chia sẻ này rất thực tế, khi tại các giao lộ, các ngã tư, chỉ cần một người điều khiển phương tiện tranh thủ đèn vàng để nhích lên hay chiều đối diện có người vượt đèn đỏ thì sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Vì vậy, chỉ cần người lưu thông “nhường nhịn”, tuân thủ tín hiệu đèn thì sẽ không xảy ra những câu chuyện “xung đột” vốn được xem là chuyện thường ngày.
Trong Nghị định số 168 còn quy định, phạt tiền lên đến 1 triệu đồng nếu người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ; sử dụng còi, rú ga liên tục; sử dụng còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa khi gặp người đi bộ qua đường. Đây là mức phạt thích đáng có sức răn đe mạnh mẽ những vi phạm gây nguy hiểm tại các giao lộ đông người, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tham gia giao thông. Cùng với đó, nhiều mức phạt mới, nhằm tăng tính giáo dục, răn đe cũng áp dụng xử phạt kể cả với người đi bộ nếu vi phạm khi tham gia giao thông như phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng nếu người đi bộ không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định…
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được xem là “đường đi” ngắn nhất để luật định đưa vào khuôn khổ. Chế tài, xử phạt có tính răn đe, giáo dục để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Từ đó, thay đổi suy nghĩ, hành vi, tạo ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông. Để xử phạt hành chính một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, không chỉ trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà cần chú trọng tới tận cộng đồng dân cư, hệ thống trường học các cấp để người dân nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức, từ đó tác động đến hành vi, bỏ thói quen xấu.
Hệ thống hạ tầng giao thông, biển báo, vạch kẻ đường, đèn giao thông cần được đầu tư, nâng cấp để hỗ trợ người dân chấp hành quy định. Cần ưu tiên đầu tư thêm hệ thống camera giao thông, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông để ghi hình với mục đích tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý người tham gia giao thông có hành vi vi phạm một cách minh bạch, khoa học và chặt chẽ…