KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)

Nguồn năng lượng đang được tiếp nối

Hoàng Kiên, chủ nhà hàng Fratelli Vietnam- Anh em Việt Nam ở Bologna (Ý) nhớ mãi một kỷ niệm đặc biệt hơn 10 năm trước. Khi ấy anh làm thuê cho một quán ăn ở thành phố Milan, đang đi Kiên chợt khựng lại, ngạc nhiên, dụi mắt đọc tấm biển tên đường Via Ho Chi Minh hiện trước mặt - “Tôi cứ đi tới đi lui để xem mình có đọc đúng không. Khi xác định mắt mình không nhầm thì cảm giác vui sướng và tự hào trào lên trong lòng”.
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Trần Lê Hưng bên ảnh Bác trong Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV, năm 2024.
PGS, TS Trần Lê Hưng bên ảnh Bác trong Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV, năm 2024.

Những nẻo đường có Bác

Suốt 15 năm làm nghề đầu bếp và bây giờ là chủ nhà hàng Việt ở Ý, Hoàng Kiên dần tích trữ được một kho dữ liệu Việt đặc biệt khiến anh tự hào khi chia sẻ “Hóa ra rất nhiều người lớn tuổi ở Ý biết về Bác Hồ. Đến nhà hàng của tôi họ đều khoe từng tham gia biểu tình phản đối chiến tranh tại Việt Nam, rồi kể cho tôi nghe nhiều chuyện về thời thanh niên sôi nổi đó. Ở Ý, chỉ cần nói tôi là người Việt Nam là họ nhắc ngay: Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Cảm xúc của Hoàng Kiên cũng là cảm nhận chung về một căn cước Việt, một giá trị Việt dễ được nhận diện ở nước ngoài nhất: Ấy là khi nói đến người Việt, nước Việt thì thường xuyên được liên hệ ngay, nhắc ngay đến Bác Hồ. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước vừa qua, biết tôi là nhà báo Việt kiều về dự sự kiện, phóng viên Srinivasan Ramani (tờ The Hindu, Ấn Độ) hào hứng kể rằng giai đoạn 2004-2010 khi còn trong Hội sinh viên tại Đại học Jawaharlal Nehru, anh thường xuyên cùng bạn bè hát “Ho-Ho-Ho Chi Minh/We shall fight, we shall win/Marx, Lenin, Bhagat Singh/We shall fight, we shall win”.

Trong đoàn phóng viên từ nước ngoài về dự sự kiện còn có nhà báo Nguyễn Huy Thắng đang định cư tại Berlin (Đức). Anh kể những con số và ngày tháng đã nằm lòng về khu vườn tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Moritzburg. Đây là nơi ghi dấu ấn ngày 29/7/1957, trong chuyến thăm chính thức CHDC Đức lúc đó, Bác Hồ đã tới gặp và nói chuyện với các em thiếu nhi Việt Nam đang học tập tại Trường Kaethe-Kollwitz-Heim. Cũng nhà báo Nguyễn Huy Thắng chia sẻ thêm rằng, trong báo cáo của Tập đoàn Thăng Long tại CHLB Đức mới gửi về nước gần đây, có sự tự hào khi nhắc tới việc tập đoàn này được đồng hành, tham gia khôi phục trụ cột bằng đá, tường đá quanh vườn, làm đường ra vào khu vườn, rải sỏi lối đi, thuê người chăm sóc và tìm lại tấm biển đồng khắc dòng chữ “Im juli 1957 empfingen hier die zeittweilig im Kaethe-Kollwitz-Heim lebenden Vietnammesischen kindern ihren praesiden Ho Chi Minh” (tạm dịch: Tháng 7/1957, tại đây các em thiếu nhi Việt Nam đang sống và học tập tại Trường Kaethe-Kollwitz-Heim đã chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh). Nhờ nhiều nỗ lực của các cá nhân và tập thể, khu vườn này đã trở thành công trình văn hóa mang tính lịch sử của địa phương, là nơi để tháng Năm hằng năm cộng đồng người Việt ở Đức tìm về tưởng nhớ Bác.

Những năm gần đây, trong tầng lớp trí thức Việt trẻ ở Pháp, PGS, TS Trần Lê Hưng - tại Đại học Gustave Eiffel được chú ý nhiều bởi một tình yêu đặc biệt với Bác. Hưng chia sẻ “5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng và mong ước của Bác trong Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 là những kỷ niệm đầu tiên của tôi cũng như bao thế hệ học sinh Việt Nam khác về Bác. Những lời căn dặn giản dị, gần gũi đó dường như đến từ một người trong gia đình, là hành trang nuôi lớn ước mơ của đứa trẻ. Sau này, khi có cơ hội học tập và làm việc ở Pháp - nơi ghi đậm dấu chân của Người trên hành trình tìm đường cứu nước, tôi càng hiểu sâu và càng quý trọng Bác hơn. Và tình yêu này càng lớn hơn khi được thăm lại các địa điểm lịch sử, được nghe những sử gia lỗi lạc người Pháp nói về Bác... Điều này khiến những câu chuyện tôi được đọc, được học trong nước trở nên sống động hơn, càng cảm phục ý chí của Người. Những kỷ niệm đó giúp tôi hiểu và quý trọng hơn hai chữ “độc lập” mà Bác hằng mong ước và cũng là động lực để cá nhân tôi phấn đấu, trở thành lớp kế cận “vừa hồng, vừa chuyên” - như lời Người để lại trước lúc đi xa”.

Nguồn năng lượng đang được tiếp nối ảnh 1

Cô Hà Thị Vân Anh (hàng trước, thứ tư từ bên phải sang) chụp cùng lứa sinh viên đầu tiên của bộ môn Tiếng Việt trong dịp kỷ niệm sinh nhật Bác vào năm 2017.

Những giảng đường có Bác

Mỗi khi có đội tuyển Việt Nam sang thi đấu giao hữu, bà con Việt kiều ở Đức rủ nhau đi xem bao giờ cũng mang theo cờ Việt Nam và ảnh Bác. Trong nhiều gia đình người gốc Việt tại đây còn giữ nếp đặt ảnh Bác trong phòng thờ. Và có lẽ từ đây, niềm yêu kính này được truyền sang người trẻ, tiếp nối tới những thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Tháng Năm này cộng đồng người Việt tại Pháp, Hungary, Đức... đang lên kế hoạch kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Bác. Ngày 17/5/2025, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary sẽ tổ chức dâng hoa tại Khu tưởng niệm tượng Bác ở thành phố Zalaegerszeg. Cùng ngày, tại cùng thành phố, Đại sứ quán sẽ tổ chức Chương trình tọa đàm “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hòa bình - Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” nhằm giới thiệu tư tưởng của Bác đến chính quyền, người dân tại Zalaegerszeg nói riêng và người dân Hungary nói chung.

Trong lòng người xa xứ, những câu chuyện về Bác không chỉ gợi cảm giác tự hào mà còn là nguồn sức mạnh tinh thần vừa vững chãi vừa bình yên để tựa vào trong giai đoạn đầy biến động. “Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” - Đó là nguồn năng lượng mang tính trao truyền, đặc biệt khi nó tiếp tục được cụ thể hóa trong các bài giảng, trên trang giáo án và giữa giảng đường...

Vào năm 2012, cô Hà Thị Vân Anh và cô Victoria - TS ngành Việt Nam học ở Ukraine cùng Trường đại học tổng hợp Kiev mang tên Тарас Шевченко quyết tâm đưa Bộ môn Tiếng Việt vào giảng dạy. Những ngày đầu ấy, để không gian phòng học của Bộ môn Tiếng Việt ấm áp và truyền cảm hứng hơn, cô Vân Anh mang đến một con ốc biển rất to khắc hình Bác Hồ. Cô treo thêm bản đồ Việt Nam cùng nhiều tranh ảnh quê hương khác lên tường. Những ngày tháng êm đềm ấy có thêm kỷ niệm đặc biệt vào năm 2017, Bộ môn Tiếng Việt phối hợp với trường phổ thông 251 mang tên Hồ Chí Minh tổ chức cho sinh viên và con em người Việt buổi lễ kỷ niệm sinh nhật Bác và tham quan Bảo tàng Bác Hồ ngay tại trường.

Chiến sự xảy ra khiến cô Vân Anh phải tạm rời Kiev một thời gian, việc dạy cũng bị gián đoạn. Mừng là hiện nay cô đã trở lại Kiev và năm học tới tiếp tục về trường giảng dạy. Trong giai đoạn chờ đợi này, giở lại những bức ảnh chụp cùng lứa sinh viên đầu tiên của Bộ môn Tiếng Việt trong ngày sinh nhật Bác, đối với cô Vân Anh: “Bây giờ đã trở thành những khoảnh khắc quý giá”.

Còn tại trường Tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan, cô Đỗ Bích Thảo lại có một kỷ niệm thú vị về Bác do chính học sinh của mình mang tới. Khi cô Thảo giao cho học sinh Đậu Lê Minh (lớp B3) làm báo tường, cậu nắn nót chép bài thơ “Bác Hồ của em” (thơ Phan Thị Thanh Nhàn) và vẽ luôn hình Bác bên cờ đỏ sao vàng. Đậu Lê Minh chọn bài thơ này làm báo tường thật đúng hoàn cảnh và tâm lý của thế hệ “Khi em ra đời/Đã không còn Bác/Chỉ còn tiếng hát/Chỉ còn lời ca/Chỉ còn câu chuyện/Chỉ còn bài thơ/Mà em vẫn thấy Bác sao rất gần/Năm điều Bác dạy mãi còn vang ngân”. Chính cô Thảo cũng bất ngờ: “Khi làm trại hè cho trẻ em Việt tại Ba Lan cũng nghe em Minh xung phong kể chuyện về Bác, rồi thấy Minh đến lớp hay nhắc về Bác, tôi cứ tưởng Minh vừa từ Việt Nam sang, ai ngờ em được sinh ra và lớn lên ở Ba Lan”.