Kỳ 1: Đanh thép, mỉa mai và hài hước
Năm 1919, nhân dịp các nước đế quốc thắng trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã họp Hội nghị tại Versailles để chia lại bản đồ thuộc địa thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới hội nghị.
Kể từ đó, cái tên Nguyễn Ái Quốc đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của chính quyền Pháp, đánh thức sự tò mò của cả thế giới và làm dấy lên phong trào chống thực dân trên mọi lục địa. Trong hồ sơ mật thám có tựa đề “Nguyễn Tất Thành, bí danh Nguyễn Ái Quốc, bí danh Hồ Chí Minh” còn lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp có ghi:
“Nguyễn Ái Quốc là kẻ manh động nhất và quyết tâm nhất trong những đối thủ của giới chức Pháp tại Đông Dương.
Sự thật, ông ta hành động vì lý tưởng mà ông ta tin là chính nghĩa với niềm tin của một tín đồ, với sự tự nguyện và sự hy sinh xứng đáng cho nhiều mục đích khác.
Sống trong sự nghèo khổ, thu nhập ít ỏi của ông ta được dùng để bảo trợ những hiệp hội hay những hội nhóm và dùng để đặt báo và tạp chí của đảng xã hội, cộng sản hay cách mạng.
...
Đã tham dự Đại hội Cộng Sản Tours và Marseille và nói chung là tất cả các cuộc họp, công đoàn, cộng sản hay cách mạng.
Là linh hồn của tờ “Người cùng khổ”, ông ta sống ngay tại “văn phòng” số 3 đường Marrché des Patriarches, và cũng là nơi ông ta sử dụng đồ đạc văn phòng thành một chiếc giường gấp cùng 3 va li “giấy tờ”.
Là thành viên của Liên hiệp Quốc tế Thực dân, với tư cách người “Đại diện của dân tộc An Nam”.
Là người ký tên “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” hay còn gọi “Quyền lợi của Nhân Dân” đã được gửi đi khắp nơi”.
(Trích hồ sơ mang mã số 1116).
Trong khi giới chức đế quốc Pháp vẫn loay hoay để tìm hiểu về con người của “kẻ manh động” thì tại các trang báo, Nguyễn Ái Quốc không ngừng tung ra các bài viết tố cáo tội ác và bộ mặt thật của giới chức thực dân đến đông đảo dân chúng Pháp và thế giới. Năm 1922 cùng với những người đồng chí của mình trong hội Liên hiệp Quốc tế Thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ Le Paria - Người cùng khổ. Có thể nói đây là một trong những bước đi dài của phong trào đấu tranh của những người bản địa1 đang sống tại Pháp. Trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, báo chí truyền thông chính là kênh truyền thông rộng rãi và lan tỏa nhất, Nguyễn Ái Quốc đã nắm bắt được điều này và sử dụng chúng thành công cụ đấu tranh hữu hiệu gây tiếng vang trên trường quốc tế, buộc giới chức đế quốc phải thừa nhận những hành động của mình tại các nước thuộc địa.
Đanh thép và sâu cay luôn là bút pháp mà Nguyễn Ái Quốc sử dụng để tấn công những kẻ “khai hóa” tại thuộc địa. Trên số báo 6/7, dưới tiêu đề “Lòng nhân đạo thuộc địa”, Nguyễn Ái Quốc lật bỏ bộ mặt giả dối của “lòng nhân đạo”, của “nền văn minh” Pháp, khẩu hiệu mà họ luôn đưa ra để lấp liếm cho cuộc chiến thực dân bóc lột.
“Câu chuyện này xảy ra ở Đông Dương cách đây không lâu, trong khoảng thời gian “hạnh phúc” giữa một bên là chiến tranh vì quyền lợi và một bên là sự công bằng. Bằng những phương thức này “giới chức Pháp đã có thể khắc sâu vào dân chúng khái niệm văn minh khác ngoài nền văn minh Trung Hoa vẫn giữ nguyên giá trị cũ từ hàng thế kỷ nay”. Và cũng bằng những phương thức này, tòa án quân sự đã sử dụng để đàn áp “những phong trào nổi dậy bằng những tấm gương nghiêm khắc”. Sau khi tôn vinh những cuộc đàn áp đẫm máu với những ngôn từ này, người đồng nghiệp Khoa học và Du lịch thành thật thú nhận “Ở đó2 , cũng như ở nước Pháp, những kẻ xấu vẫn còn rất đông và công lý phải được thắt chặt hơn”.
Và chúng tôi thì ngây thơ tin rằng cho đến ngày hôm nay ở nước Pháp chỉ có những người văn minh, một khi đi khỏi đất nước, họ lập tức trở thành những người khai hóa! Mặt khác, theo như lô gic đơn giản nhất, người ta không thể và cũng không được đưa cho người khác thứ mà nhà họ còn thiếu, nhất là nền văn minh”.
(Lòng nhân đạo thuộc địa - Le Paria số 6 - 7, tháng 9 - tháng 10 năm 1922).
Theo “như lô gic đơn giản nhất” mà bất cứ ai cũng hiểu được, nước Pháp không thể là một nước văn minh hơn bất cứ một nước nào và vì vậy cái cớ thực dân để “khai hóa” của họ là hoàn toàn vô giá trị. Bản thân họ còn chưa có được “nền văn minh” thì làm sao có thể khai hóa được dân tộc khác.
“Để bào chữa cho hành động bỉ ổi đi dạy người khác “cách sống đẹp” bằng những cuộc tàn sát, người đồng nghiệp vĩ đại của chúng ta nói, quan trọng là phải đánh thật mạnh vào dư luận và khiến họ sợ.
Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng lại xuất hiện bộ luật đặc biệt của những ủy ban bất thường hay những tòa án quân sự không thể thiếu cho bộ máy chính trị. Chẳng có gì là nghiêm trọng, cũng chẳng có gì là tàn ác. Tất nhiên, chặt đầu hay xử bắn không phải là chuyện nghiêm trọng, cũng chẳng có gì là tàn ác, đó chỉ đơn thuần là sự nhẹ nhàng. Nhưng nếu những “Boches”3 cũng rộng rãi sử dụng “sự nhẹ nhàng” đó dành cho những người anh em vùng Alsace và Lorraine4 của chúng ta, ngài sẽ nói gì, thưa ngài đồng nghiệp? Với những hiểu biết về những điều tốt đẹp, người đồng nghiệp của chúng tôi dạy cho chúng tôi biết, ngoài những điều trên, về những thứ bậc đầy phức tạp và mang tính nghi lễ của những cuộc ám sát hợp pháp này: “Một chiếc cột và mười hai phát đạn của đội lính không còn chỉ để dành cho những người lính bị kết án hay những tên cướp biển, những kẻ chuyên dùng vũ khí. Trong những trường hợp này, thường là những cuộc xử tử hàng loạt, chuyện xử tử cùng lúc bốn, sáu, thậm chí là mười người không còn là hiếm dưới cùng một loạt đạn... Những đội lính này thường pha trộn, nói cách khác họ gồm sáu người lính bản địa ở hàng thứ nhất và sáu lính hoặc cảnh sát Pháp ở hàng phía sau”. Ngoài ra còn phải ghi nhận thêm cách họ đã dạy cho những người bản địa về tình huynh đệ, đức hạnh yêu quý này là nền tảng của mọi nền Cộng hòa mà người ta có thể nhìn thấy những dòng chữ in to khắc trên mọi cánh cửa của... nhà tù. Về những điều liên quan đến việc kết tội cướp biển, những cuộc xử tử tập thể, một người lính thuộc địa đã viết, F. B, có thể người lính này có ít trình độ “khoa học” hơn, nhưng chắc chắn anh ta có tình người và sự vô tư hơn “đó là một câu chuyện giống hệt câu chuyện mà người Anh so sánh những người Boer5 bị đàn áp với những kẻ nổi loạn ngoài vòng pháp luật, chúng ta coi những người đồng bào An Nam như những kẻ du côn”.
(Lòng nhân đạo thuộc địa - Le Paria số 6 - 7, tháng 9 - tháng 10 năm 1922).
Vì họ chẳng có nổi một cái cớ tiến hành cuộc thực dân thì họ sẽ phải sử dụng những hành động man rợ để đàn áp, để khủng bố tinh thần người bản địa. Những cuộc xử tử, hay những bản án kết tội nổi dậy chống đối thường là phương pháp hữu hiệu nhất mà thực dân Pháp sử dụng. Một cách khéo léo, Nguyễn Ái Quốc đã gọi lại lịch sử của chính nước Pháp với những gì vừa xảy ra trong cuộc chiến tranh thế giới I để minh chứng cho họ thấy rằng, họ cũng đã từng là nạn nhân của chiến tranh nhưng họ vẫn tiếp tục gieo rắc sự tàn bạo và thậm chí là khủng khiếp hơn ở nơi khác. Chẳng có gì để chứng minh cho “lòng nhân đạo” của họ.
“Chúng ta làm mọi điều có thể để trang bị vũ khí cho người An Nam để chống lại đồng bào của họ và tạo dựng tư tưởng phản quốc. Chúng ta sẽ buộc trách nhiệm cho những ngôi làng về những gì xảy ra trên lãnh địa của họ. Họ phải chỉ dẫn cho lính thực dân, phải chỉ điểm những phiến quân. Những ai không tuân lệnh sẽ bị coi như kẻ nổi loạn. Tất cả những ngôi làng chứa chấp đồng bào6 sẽ bị kết án. Để có được những thông tin chỉ điểm, phương pháp sử dụng vẫn không thay đổi, rất đơn giản: họ tra hỏi trưởng làng và các quan chức trong làng, kẻ nào câm miệng sẽ bị xử tử tại chỗ. Không một lúc nào người ta nghĩ đến việc phân biệt đồng bào, những người đang đấu tranh một cách vô vọng cho nền độc lập của đất nước họ, với những kẻ cặn bã thành phố”.
(Lòng nhân đạo thuộc địa - Le Paria số 6 - 7, tháng 9 - tháng 10 năm 1922).
Đanh thép nhưng vẫn pha chút mỉa mai và có phần hài hước, những bài báo của Nguyễn Ái Quốc luôn khiến giới chức đế quốc giật mình nhưng cũng không thể không thừa nhận được tài năng của một ký giả bản địa, người “Đại diện của dân tộc An Nam” tại Paris.
(Còn nữa)
1. Đây là từ dùng để chỉ người dân các nước thuộc địa Pháp.
2. Ý nói về Đông Dương.
3. Boche là một thuật ngữ đầy tính xúc phạm dành chỉ một người lính Đức hoặc một người gốc Đức, từ được sử dụng trong chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 và sau đó được sử dụng rộng rãi bởi người Pháp, người Bỉ và người Luxembourg từ Thế chiến thứ nhất cho đến sau Thế chiến thứ hai.
4. Đây là hai tỉnh của Pháp nằm cạnh biên giới với nước Đức.
5. Boer theo thổ ngữ của một vùng tại Nam Phi dùng để chỉ những người da trắng đầu tiên tại Nam Phi.
6. Từ “đồng bào” được dùng để chỉ định những người bản địa.