Chuyện đời-Chuyện nghề

Nhà báo Dương Xuân Nam: Một người hiền lành quyết liệt

Mười năm công tác ở báo Tiền Phong Chủ nhật là mười năm tôi ở gần nhà báo Dương Xuân Nam - nhà thơ Dương Kỳ Anh theo nghĩa đen: phòng làm việc ngay sát bên cạnh, chứng kiến sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày và được ông trực tiếp chỉ đạo nội dung từng số báo.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Dương Kỳ Anh.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Ông thường đến tòa soạn đúng giờ, đi ăn đúng giờ, chơi thể thao đúng giờ và rời tòa soạn cũng… đúng giờ. Buổi trưa, dù bận bịu đến đâu, đúng 11 giờ 30 phút là ông đi ăn, trời nắng hay mưa ông đều cầm trên tay một tờ báo che đầu. Ông không bia rượu, không la đà, thường ngồi vào mâm là ăn một mạch cho xong để còn về… ngủ trưa. Có phải vì thế mà mọi người ngại đi ăn với ông, dù gần như trưa nào ông cũng rủ.

Trụ sở báo Tiền Phong bấy giờ là một ngôi biệt thự cũ, sảnh tầng hai khá rộng, kê vừa một bàn bóng bàn. Hết giờ là Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, thư ký tòa soạn, họa sĩ trình bày... quần nhau quanh bàn bóng. Tổng Biên tập Dương Xuân Nam chơi bóng bàn theo cách riêng, bóng cứ sang bàn ông là ông vụt, không gò, không cắt bóng bao giờ. Ông chơi bóng bàn để vận động chứ không phải thi đấu. Hễ toát mồ hôi là ông dừng, không chơi nữa, về đi tắm.

Mới tiếp xúc, người ta thường nghĩ ông thuộc tuýp người chỉn chu, điều độ, không thật quảng giao, hài lòng với hiện tại và hơi an phận. Nhưng “miên lý tàng châm” (trong bông có kim nhọn) mới là con người thực của ông: bên ngoài thì mềm mỏng, nhẹ nhàng, nhưng bên trong ẩn chứa sự sắc bén, cứng cỏi, thậm chí quyết liệt, không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Báo Tiền Phong dưới sự dẫn dắt của ông nổi tiếng là tờ báo chống tiêu cực có uy tín, không né tránh, thỏa hiệp. Người đứng đầu mà gương mẫu thì phóng viên mới hăng hái, vững tin khi tác nghiệp; ai có ý đồ cá nhân thiếu trong sáng cũng không dám bộc lộ.

Tôi từng chứng kiến vụ việc một người bạn của ông, ở cương vị đứng đầu ngành ngân hàng, mắc sai phạm biến nhà công thành nhà tư. Biết tin báo Tiền Phong sắp có bài, người bạn ấy đã liên tục gọi điện thoại nhưng ông tắt máy và chỉ đạo anh em cứ làm đúng sự thật. Đêm hôm ấy tôi trực thư ký tòa soạn, hơn 1 giờ sáng mang báo mẫu về nhà cho ông, ông vẫn thức chờ. Quyết liệt đấu tranh chống tiêu cực, cũng có lúc gặp tai nạn nghề nghiệp, có những tai nạn tưởng chừng khó qua khỏi. Vậy mà ông bằng sự mềm mại, khôn ngoan nhưng chân thành và mạnh mẽ, cuối cùng mọi việc được hóa giải.

“Phải giữ uy tín được với bạn đọc” là tiêu chí ông thường nhắc đến. Người viết báo thì bám sát vào đời sống, không làm báo kiểu “xa-lông”, phải nói lên tiếng nói của nhân dân, khách quan và trung thực. Người biên tập phải cẩn trọng trong thẩm định nội dung, chính xác trong câu chữ, chăm chút kỹ càng cho hình thức mỹ thuật. Người chỉ đạo phải có tâm và tầm, giỏi nghề để định hướng và dẫn dắt tờ báo, đặc biệt là duy trì đạo đức nghề nghiệp cho cả tòa soạn.

Ông luôn đề cao tính hấp dẫn của báo chí: “Không hấp dẫn thì ai đọc?”. Đôi khi để ưu tiên cho sự hấp dẫn, cũng phải “đánh đổi” ít nhiều, thí dụ tin về “con cua mặt người” từng làm xôn xao dư luận khen, chê một thời. Nhà thơ Trần Ninh Hồ từng nói khá hài hước: “Báo Tiền Phong có những mục mà không đọc thì không biết gì, nhưng biết rồi cũng chẳng để làm gì”. Đó là nói đến tính giải trí mà báo chí hiện đại ngày nay không thể thiếu, nhưng cách đây hơn 30 năm khi quan niệm làm báo còn khá cứng nhắc thì đây là điều không dễ.

Nhà báo Dương Xuân Nam: Một người hiền lành quyết liệt ảnh 1

Nhà báo Dương Xuân Nam (giữa) trao quà cho nữ dân quân Ngô Thị Thương, người đã dùng súng trường K44 bắn rơi máy F105 của Mỹ tại Ngã ba Đồng Lộc.

Vai trò tiên phong của báo Tiền Phong thời đổi mới, mở cửa có dấu ấn quan trọng của nhà báo Dương Xuân Nam. Tiền Phong là tờ báo đầu tiên tổ chức thi tuyển phóng viên để nâng cao chất lượng tuyển dụng; thành lập công ty cổ phần phát hành báo và sự kiện, mở nhà sách, làm kinh tế báo chí; tổ chức cuộc thi Hoa hậu đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất; tạo sân chơi văn chương “Tác phẩm tuổi xanh” cho các cây bút trẻ, mà nhiều người sau này đã trở thành những nhà văn, nhà báo nổi tiếng.

Nếu hỏi ai yêu tờ báo Tiền Phong nhất, chắc nhiều người từng làm việc ở báo sẽ chọn tên ông. Có giai thoại thế này, trong một lần đi công tác, ông bị đau bụng phải dừng xe lại bên đường. Anh lái xe vội đưa cho ông tờ báo giấy để tiện sử dụng. Vừa cầm tờ báo, mặt ông bỗng đỏ bừng, mắng anh lái xe không tiếc lời và kiên quyết không đi nữa. Một thời gian dài về sau, ông vẫn còn phàn nàn về hành động thiếu ý thức của anh lái xe.

Ông chăm chút cho tờ báo đến từng mi-li-mét và đặt những quy ước phải tuân theo. Chẳng hạn tít bài trên trang một, ông không cho dùng chữ mầu đen, ảnh chính phải đẹp, tươi sáng để tránh “xui xẻo” cho số báo…

Trưởng thành từ phóng viên nên khi ở cương vị lãnh đạo, ông chú trọng quan tâm đến đời sống và thu nhập của phóng viên. Ông có cách quan niệm thực tế: “Bảo đảm đời sống thì anh em mới yên tâm cống hiến và không bẻ cong ngòi bút”. “Làm nghề báo cần có đam mê, nhưng đam mê ấy phải nuôi sống được bản thân thì người viết mới gắn bó với nghề”. Ông từng ủng hộ thành lập quỹ “bảo hiểm rủi ro” cho phóng viên. Với những tai nạn nghề nghiệp hoặc sai sót vì lý do bất khả kháng, quỹ sẽ chi trả để chia sẻ rủi ro và giúp phóng viên yên tâm làm việc.

Không chỉ phóng viên, các cộng tác viên của báo Tiền Phong cũng được chăm sóc chu đáo. Những người cộng tác đều và hiệu quả, ngoài nhuận bút còn được tòa soạn trợ cấp hàng tháng, mức từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng nếu tôi nhớ không nhầm. Đây là mệnh giá từ hơn 30 năm trước, một số tiền không nhỏ! Những dịp kỷ niệm, vui buồn của tờ báo, cộng tác viên đều được mời như thành viên chính thức. Chăm chút cho những nhà báo không có thẻ, không phải trả lương nhưng hết lòng gắn bó, đóng góp cho tòa soạn là cách làm khôn ngoan và nhân văn.

Nhà báo Dương Xuân Nam: Một người hiền lành quyết liệt ảnh 2

Nhà báo Dương Xuân Nam (thứ ba từ phải sang) - người khởi xướng Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức. Ảnh | HỒNG VĨNH

Năm 2001, tôi được mời đến thành phố Iowa (Mỹ) dự khóa viết văn quốc tế mấy tháng. Vì thời gian đi khá dài nên tôi phải làm giấy xin tòa soạn cho nghỉ không lương. Sang được vài hôm thì xảy ra vụ khủng bố 11/9. Ngẫu nhiên báo Tiền Phong có một “phóng viên chiến trường” ngay tại nước Mỹ. Vừa tham gia chương trình viết văn, tôi vừa viết gần 40 bài báo gửi về tòa soạn và cho một số báo khác.

Khi về nước, Tổng Biên tập Dương Xuân Nam bảo tôi làm đơn trình bày, để có cớ đưa tôi vào diện đi công tác, như thế tôi sẽ được giữ nguyên lương, vì thực tế tôi đã làm việc khá hiệu quả cho tòa soạn. Vốn khái tính, tôi cảm ơn ông và từ chối. Ông không hài lòng, nhưng cũng không ép. Bây giờ nhớ lại sự ân cần của ông, sống mũi thấy cay cay!

Sau khi nghỉ hưu, nhà thơ Dương Kỳ Anh rời khu vực nội thành Hà Nội, lên sống ở Sóc Sơn, làm bạn với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá và viết. Vườn nhà ông trồng nhiều cây ăn quả, nhưng không phải để kinh doanh. Cứ đến mùa vải, mùa nhãn ông lại điện thoại rủ bạn bè lên chơi hái về. Cũng từ khi đó, bên dưới các bài viết của ông thường đề dòng chữ nhỏ “Viết ở nhà vườn Sóc Sơn”. Hình như chỉ đến khi về hưu, ông mới được chuyên tâm cho viết văn, làm thơ, thứ công việc mà ông đam mê nhất, nhưng phải tạm gác lại để thực hiện sứ mệnh nghề báo.

Thành tựu văn chương của ông khá đa dạng. Ông viết nhiều thể loại, trước hết là thơ, rồi đến ghi chép, ký, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tiểu luận. Thơ của ông tinh tế, lương thiện mà không kém phần bay bổng. Tiểu thuyết của ông ngồn ngộn vốn sống, nhìn lại lịch sử và nỗi đau cá nhân bằng sự khoan dung, không hằn học, như Xuyên Cẩm, Thổ địa… Ông có một người con gái được thừa hưởng gen của cha, cũng làm thơ. Cây bút Dương Anh Xuân từng được mời tham gia Sân thơ trẻ tại Ngày thơ Việt Nam và xuất bản một tập thơ gây chú ý của dư luận. Tiếc rằng sau này cô lựa chọn một nghề nghiệp khác và đã lâu chưa công bố thêm bài thơ nào.

Một lần ông bảo tôi: “Có thời gian để viết văn là thích nhất ông ạ! Khi không màng danh lợi/Tự dưng lòng thảnh thơi”. Ông kể: “Có những đêm trăng sáng, tôi cởi bỏ hết quần áo, đi dạo trong vườn, tắm trăng”. Một hành động lãng mạn bất ngờ mà tôi chưa bao giờ nghĩ lại có ở người thủ trưởng chừng mực, nghiêm cẩn, khét tiếng một thời trong làng báo. Ông đã được sống đích thực như một nhà thơ. Ngay cả lúc này, ở cõi vĩnh hằng!