Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: Cuộc lội ngược dòng khác

NDO - Nhà phê bình văn học, nhà thơ Hoàng Thụy Anh, vừa trở về ngoạn mục sau trận chiến với một căn bệnh ác tính. Thời gian sống và viết với chị, có lúc đã được tính bằng giây. Khi trở lại với đời sống văn chương, trở lại với cuộc sống thường ngày, chị đã bước những bước chân vững vàng bằng sức mạnh của niềm tin, lòng dũng cảm và một trái tim đầy nghị lực sống và yêu thương cuộc đời. Chị, như một đóa hoa tỏa thêm sắc hương cho cuộc đời với sự trao đi bằng cả nhiệt thành và tâm huyết.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh.
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh.

Khó có thể hình dung chị mất bao nhiêu đêm thức trọn để hoàn thành cuốn Tiểu luận-Phê bình "Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê" do Nhà xuất bản Văn học liên kết với Công ty cổ phần Sbooks xuất bản quý I/2025.

Và điều rất đặc biệt, bản thảo cuốn Tiểu luận-Phê bình "Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê" đã cùng Hoàng Thụy Anh đi xuyên qua chiến trận K! Cuốn sách, hơn một món quà tuyệt vời mà Hoàng Thụy Anh gửi tặng cuộc đời.

Tôi thực sự khâm phục sức bền của một cây phê bình đầy cá tính, bền bỉ đọc, viết với gần 10 đầu sách và sở hữu nhiều giải thưởng văn chương, học thuật đầy giá trị như Hoàng Thụy Anh.

So với cách tiếp cận các tác giả, tác phẩm để chọn lọc và viết phê bình, mổ xẻ tác giả, tác phẩm như xưa nay, thì hầu như các tác phẩm phê bình văn học phần lớn được viết, in thành tác phẩm hoàn thiện sau khi tác đã thành danh. Nhưng nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, chọn cách tiếp cận tác giả tác phẩm bằng hành trình dõi bước, chăm chút và chắt lọc từ tất cả các tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ đương thời, sung sức viết, để đưa lên cán cân chữ nghĩa.

Nhớ có lần chị tâm sự, đối tượng thường trực của chị là những gương mặt đương đại. Chị thích dấn thân vào mảng văn học đang tiếp diễn, chưa ổn định ngõ hầu thỏa mãn những khám phá của mình. Sự lựa chọn này giúp chị thâu tóm kịp thời, phần nào đó diện mạo văn chương Việt Nam đương đại. Với chị, các cây bút trẻ được chị dành một sự quan tâm đặc biệt bởi sứ mệnh của nhà phê bình không phải chỉ chăm chắm với những tác giả đã thành danh, tên tuổi mà cần quan tâm, động viên các cây bút trẻ, để họ cảm thấy không bị lẻ loi, để họ cố gắng hơn, tự tin hơn khi thật sự tham dự vào đời sống văn chương.

Cuốn Tiểu luận-Phê bình "Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê" được xây dựng thành công, đang được bạn đọc đón đọc, là vì lẽ đó.

Với cuốn Tiểu luận-Phê bình "Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê", Hoàng Thụy Anh đã lột tả được gần như vẹn toàn văn phong của nhà văn trẻ Văn Thành Lê, nhìn từ phép thử - góc trái ngược điều nhiều người thường nghĩ.

Sự tìm tòi sáng tạo của nhà văn Văn Thành Lê đã được ngòi bút phê bình Hoàng Thụy Anh thắt-nở-chiêm nghiệm và đưa ra hệ giá trị. Cách dẫn giải của Hoàng Thụy Anh nhìn Văn Thành Lê từ nguồn cội quê hương đến những trang văn, những tác phẩm truyện ngắn giàu tính hiện thực, phê phán đời sống thực bằng cách ví von khéo léo của tác giả.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: Cuộc lội ngược dòng khác ảnh 1

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh chạy đua với cuộc chiến giành giật sự sống với căn bệnh K để hoàn tất tác phẩm này. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Sự định hình, định dạng văn của bạn văn, thật khó để dẫn dắt người đọc đi hết, đọc hết một tác phẩm tiểu luận-phê bình, nhưng càng khó, Hoàng Thụy Anh lại sử dụng tài năng, lý luận logic của mình để đưa người đọc ở lại và lật từng trang sách như đang mở ra nhiều cánh cửa văn chương và cuộc đời. "Đọc Văn Thành Lê, dễ dàng nhận thấy phong cách riêng, in đậm dấu ấn cá nhân, khác biệt với nhiều tác giả cùng trang lứa. Anh đã thành công khi đóng vân tay hài hước, dí dỏm của mình lên các con chữ, chia sẻ quan điểm và tâm thức một cách tự nhiên".

Hoàng Thụy Anh nhận định về nhà văn Văn Thành Lê với cách viết được thể hiện bằng những lời đúc rút ngắn gọn, khúc chiết, cô đọng trong hơn 220 trang viết. Cuốn sách với bốn chương, chia đều bốn ngăn riêng biệt cho cuốn Phê bình-Tiểu luận "Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi của Văn Thành Lê", từ tình yêu khởi đầu đến với văn chương của nhà văn Văn Thành Lê, đến hình thức nghệ thuật, phong cách, quyền lực của ngòi bút Văn Thành Lê với một cuộc chơi văn chương đầy dí dỏm nhưng rất đời. Các giá trị của một tài năng văn chương, vừa có từ tố chất bản năng, từ mảnh đất quê hương Thanh Hóa (quê của nhà văn Văn Thành Lê - PV) đến loạt công việc, các “ngã rẽ” mà Văn Thành Lê chọn lựa trên hành trang sống, viết của mình - từ một nhà giáo trở thành một nhà văn tên tuổi.

Văn Thành Lê viết nhiều về văn học thiếu nhi. Trong cách viết của nhà văn trẻ này, truyện thiếu nhi xoay quanh những vùng ký ức tuổi thiếu thời và những giấc mơ chưa kịp thực hiện, đã một ngày rời xa làng quê, mang theo đến một miền đất mới, và cái kết thúc quay về chính là lúc tác giả hóa thân thành con trẻ, tụng ca trong nỗi nhớ thương quê hương, bạn bè với nhiều hơn những hoàn cảnh không lặp lại.

Ở một khía cạnh khác, trong truyện ngắn, tiểu luận của Văn Thành Lê, cô đọng nhiều hiện thực xã hội, sự nhiễu nhương, thói đời... Và để nhận ra vấn đề này, qua nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, văn của Văn Thành Lê trở nên gần hơn với cuộc sống, gần hơn với độc giả.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh: Cuộc lội ngược dòng khác ảnh 2

Bìa tập Tiểu luận-Phê bình "Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê". ( Ảnh: ANH ĐÀO)

Ở thủ pháp nghệ thuật, Hoàng Thụy Anh khẳng định: Tiếng cười ngầm ẩn, sinh ra từ những yếu tố nghịch dị, đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu trong văn xuôi Văn Thành Lê. Các nhân vật, từ những kẻ ở rìa xã hội đến tầng lớp tri thức, thượng lưu đều được anh xây dựng theo hai kiểu nhại đối lập: đối tượng thấp được miêu tả bằng ngôn ngữ cao sang, thanh tao, trong khi đối tượng cao được miêu tả bằng ngôn ngữ bình dân, thậm chí tục tĩu, trái với hình ảnh sang trọng bên ngoài”.

Không ngừng đọc và viết, Hoàng Thụy Anh luôn đặt mình vào vị trí của người viết để có thể đồng hành với họ, trong những trang phê bình văn học của mình một cách khách quan nhất.

Tiểu luận-Phê bình chỉ thành công hơn khi người làm công tác phê bình tìm ra được khía cạnh thành công, là thế mạnh của tác giả, tác phẩm đó. Và chỉ khi “bắt mạch” được giá trị nhân văn được giấu kín sau tác phẩm văn học. Các tác phẩm văn học, vì thế được hiểu một cách đủ đầy và nhìn nhận dưới góc độ khoa học. Chính vì thế, Tiểu luận-Phê bình của Hoàng Thụy Anh không khô khan, dễ tiếp nhận và đọc, hiểu từ những phân tích khách quan, đa chiều.

Nhà phê bình văn học, Nhà thơ Hoàng Thụy Anh, sinh năm 1978, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình. Chị đã xuất bản 9 đầu sách, trong gồm một tập thơ và 8 tập Tiểu luận-Phê bình; Chuyên luận. Để hoàn tất cuốn Tiểu luận-Phê bình Nhã nhặn của phi lý nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đã lội ngược dòng từng tác phẩm của Văn Thành Lê.

Và trong cuộc lội ngược dòng này, ngòi bút phê bình sắc bén của Hoàng Thụy Anh, thêm một lần nữa chạm đến vách ngăn cuối cùng trong chữ nghĩa. Nguồn năng lượng này của Hoàng Thụy Anh khiến người khác buộc tỉnh ngộ. Đó là cách tiếp cận chân dung nhà văn trẻ Văn Thành Lê bằng góc nhìn khác - Góc nhìn gai góc nhất khi sự trào phúng văn chương đang lạc trôi trong vô vàn biến động của dòng chảy hiện thực hôm nay.

Văn Thành Lê, sinh năm 1986 tại Thanh Hóa, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Là nhà văn trẻ đã định danh được phong cách trên văn đàn Việt Nam. Với các tác phẩm đã in: Hình như là tình yêu; Trạm điện thoại ở thiên đường; Châu lục thứ 7; Như cánh chim trong mắt của chân trời; Trên đồi, mở mắt và mơ, Bên suối, bịt tai nghe gió (Nhà xuất bản Kim Đồng). Ông mặt trời và mùi hương của mẹ; Con gái tuổi Dần; Không biết đâu mà lần; Thừa ra một người; Nam, Nhi, Đại, Trượng Phu (Nhà xuất bản Trẻ); Ngày xưa chưa xa (Nhà xuất bản Văn hóa-Văn nghệ). Sa lan đỏ bãi Xanh (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), Như cánh chim trong mắt của chân trời (Chân dung văn học, 2017)...