Giá heo hơi trên thị trường khu vực miền Nam hiện dao động từ 77.000-83.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000-18.000 đồng/kg so với tháng trước. Tại "thủ phủ" chăn nuôi heo Đồng Nai, giá heo hơi đang được thương lái thu mua dao động ở mức 82.000-83.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-12.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất được ghi nhận sau cơn "sốt giá" đỉnh điểm giữa năm 2020.
Hệ luỵ giá thịt heo tăng “nóng” gây áp lực lớn cho tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo báo cáo của Cục Thống kê, CPI tháng 2 tiếp tục ghi nhận đà tăng với mức 0,34% so với tháng trước, chủ yếu do xu hướng gia tăng của giá thịt heo, giá thuê nhà và chi phí dịch vụ giao thông sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. So với cuối năm 2024, CPI đã tăng 1,32%, trong khi so với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 2,91%. Dự báo trong thời gian tới, CPI có thể tiếp tục chịu áp lực tăng giá từ giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn.
Giá heo hơi tăng cao từ sau Tết đến nay là do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguồn cung heo hơi giảm mạnh, chưa kể hiện tượng "găm heo" đầu cơ chờ tăng giá thêm của người chăn nuôi, thương lái. Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 1,92 triệu con, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn. Trong tuần từ ngày 24/2 đến 2/3, số lượng kiểm dịch heo thịt xuất ra khỏi Đồng Nai trên 21.000 con, giảm hơn 2.800 con so với tuần trước đó. Riêng số lượng giết mổ trên địa bàn hơn 13.500 con, giảm hơn 220 con so với tuần trước đó.
Nguồn cung thịt heo giảm sút xuất phát từ lý do nhiều trại chăn nuôi tại Đồng Nai “treo” chuồng do không đủ điều kiện chăn nuôi. Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai gửi văn bản đề xuất Cục Chăn nuôi gia hạn thời gian di dời các cơ sở chăn nuôi thêm 5 năm. Bởi theo quy định của Luật Chăn nuôi, các cơ sở nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi phải di dời trước ngày 1/1/2025. Năm 2024, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 2.000 cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải di dời đến địa điểm mới hoặc ngưng hoạt động khiến nguồn cung giảm mạnh.
Lâu nay, việc bình ổn giá thịt heo tại nhiều địa phương vẫn gặp không ít thách thức, đó là chuỗi giá trị thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn phải qua nhiều khâu trung gian, từ cửa trại qua các kênh phân phối đến lò mổ và các kênh bán buôn, bán lẻ… khiến chi phí giá thành đội lên, giá heo bán lẻ đắt đỏ gấp 3-4 lần giá heo hơi. Để khắc phục bất cập này, các nhà bán lẻ cần xây dựng chuỗi liên kết các nhà cung cấp lớn, ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn để giảm bớt khâu trung gian, tiết giảm giá thành và ổn định nguồn cung để hạ giá bán đến người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh hàng hoá trên thị trường.
Giá thịt heo được dự báo còn neo mức cao trong thời gian tới, sau đó sẽ ổn định trở lại do mức giá hấp dẫn hiện nay khiến nhiều nhà chăn nuôi có động lực tái đàn. Đây là cơ hội để người chăn nuôi “gỡ” vốn sau thời gian thiệt hại nặng vì dịch bệnh và giá heo thấp. Muốn đẩy mạnh tái đàn nhanh, ngành chăn nuôi cần phải chủ động con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh... để tạo thuận lợi cho công tác tái đàn. Để bình ổn thịt heo, cũng không nên khuyến khích doanh nghiệp ồ ạt nhập khẩu thịt heo giá rẻ khiến giá heo hơi trong nước lại sụt giảm, người chăn nuôi lại lỗ nặng, treo chuồng, gây bất ổn nguồn cung thị trường.