Ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Bình Dương đã khởi công Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành. Đây là công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với tỉnh Bình Dương, mà còn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Đông Nam Bộ.
Dự án giao thông huyết mạch này khi hoàn thành sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho kết nối khu vực, liên vùng và khai thác dư địa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Để có đủ điều kiện khởi công dự án nêu trên, tỉnh Bình Dương đã khẩn trương hoàn thành nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, như: Lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt và triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; thành lập doanh nghiệp dự án PPP; thương thảo, đàm phán, ký hợp đồng nguyên tắc… nhằm bảo đảm trình tự, thủ tục về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.
Từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, nay Bình Dương đã trở thành một “thủ phủ công nghiệp” nhờ biết nắm bắt cơ hội và phát triển hạ tầng. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 90%:
hơn 64.600 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn 702.000 tỷ đồng. Bình Dương hiện đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 4.185 dự án và tổng vốn đầu tư FDI hơn 40,2 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đã gấp 117,1 lần so với năm 1997 (thời điểm tách tỉnh), dịch vụ tăng 152,5 lần, GRDP bình quân đầu người gấp 30 lần so với năm 1997...
Những con số ấn tượng nêu trên là minh chứng rõ nét cho việc “Lộ thông thì tài thông” mà lãnh đạo tỉnh đã kiên trì thực hiện. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Bình Dương đã hoàn thành 12 dự án giao thông lớn; đang thi công 4 dự án; phê duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án. Bên cạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh tiếp tục phát triển các phương án logistics và vận chuyển tiên tiến, hướng tới vận chuyển hàng hóa đa phương thức với chi phí thấp.
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành được kỳ vọng tạo kết nối, giúp lan tỏa làn sóng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ thế hệ tiếp theo.
Đó là công nghiệp sinh thái thông minh, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, đã và đang được xây dựng tại tỉnh Bình Dương, lên khu vực phía bắc của vùng Đông Nam Bộ. Quan trong hơn, đường cao tốc sẽ là “vốn mồi” kích thích vốn đầu tư toàn xã hội. Khi đồng vốn côngtư cùng chảy sẽ tạo công ăn việc làm, đánh thức tiềm năng của từng vùng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng hai con số.