Liên kết để cùng nhau phát triển

Thời gian qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, không ngừng phát triển mạnh mẽ với các khu công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin. Tuy nhiên thực tế, thành phố dường như đã đạt giới hạn trong việc phát triển các ngành sử dụng lao động có trình độ thấp, trong khi việc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao vẫn chưa đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HOÀNG TRIỀU)
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HOÀNG TRIỀU)

Trong khi đó, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành những điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nhưng quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương nêu trên và cả vùng vẫn còn khá chậm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các địa phương trong vùng chưa phát huy đầy đủ thế mạnh chung của cả khu vực.

Mỗi tỉnh đều có các ngành nghề đặc trưng, nhưng việc hợp tác và liên kết chặt chẽ giữa các địa phương vẫn chưa thật sự hiệu quả. Việc xây dựng các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao chưa được triển khai đồng bộ.

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, với tiềm năng to lớn và được kỳ vọng sẽ là động lực phát triển kinh tế của cả nước trong kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức độ liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng còn nhiều hạn chế. Mặc dù các địa phương đã nhận thức rõ tầm quan trọng của liên kết vùng, nhưng hiệu quả hợp tác chưa được như mong đợi. Nguyên nhân được cho là do thiếu đồng bộ và kế hoạch hành động chung từ các địa phương trong vùng. Hoặc liên kết còn dàn trải, thiếu tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, còn mang nặng tính địa phương… dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, làm “triệt tiêu” những lợi ích chung của vùng.

Để biến Vùng kinh tế trọng điểm phía nam thành một trung tâm phát triển năng động, bền vững và có chất lượng tăng trưởng cao, các địa phương trong vùng cần tăng cường liên kết, hợp tác trên mọi lĩnh vực. Các tỉnh, thành phố trong vùng cần phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết để xây dựng các chuỗi cung ứng, gia tăng sự kết nối và đồng bộ hóa trong phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.

Các địa phương cần đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp mới như công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… nhằm giảm sự phụ thuộc vào các ngành truyền thống, tạo ra động lực tăng trưởng bền vững trong tương lai. Vùng cần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, logistics, phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ để tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư quốc tế. Chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, và cải cách hành chính cần phải cải tiến để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đồng đều của các địa phương trong vùng.

Liên kết, hợp tác là yếu tố quyết định sự thành công của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Để khai thác hết tiềm năng, các địa phương cần xây dựng một cơ chế liên kết hiệu quả và cùng nhau hướng tới một mục tiêu phát triển chung, vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, việc hợp tác giữa các địa phương là yếu tố tiên quyết để tạo ra một nền tảng vững chắc, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, hướng đến một tương lai phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn vùng.