Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bà RịaVũng Tàu, Bình Phước vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030” (theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ) trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng, Bình Phước) trồng ca cao dưới tán điều theo hướng hữu cơ và kinh tế tuần hoàn cho thu nhập cao. (Ảnh: CTV)
Nông dân xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng, Bình Phước) trồng ca cao dưới tán điều theo hướng hữu cơ và kinh tế tuần hoàn cho thu nhập cao. (Ảnh: CTV)

Trước đó, trong những tháng cuối năm 2024, các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… cũng đã ban hành những kế hoạch tương tự. Mục tiêu chung của những kế hoạch này là phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Theo đó, những mục tiêu cụ thể các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất từ 10% hoặc 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn; tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông nghiệp chủ lực giảm từ 0,5% đến 1%/năm; trong lĩnh vực trồng trọt, 50% phụ phẩm của các mặt hàng chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng, 80% rơm rạ được thu gom và tái sử dụng; trong lĩnh vực chăn nuôi, 60% số hộ gia đình và 100% số trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải và tái sử dụng chất thải…

Đây được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ rất quan tâm lĩnh vực nông nghiệp, dù công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn và nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ bé trong tổng giá trị kinh tế của các địa phương. Phát triển nông nghiệp bền vững, xanh, sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là một chủ trương lớn của các địa phương.

Các địa phương cũng đặt ra ưu tiên, yêu cầu cao về việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường. Các địa phương đều đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là định hướng quan trọng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, trách nhiệm và bền vững.

Việc ưu tiên thúc đẩy ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất bền vững, tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường cũng là mục tiêu của chương trình khoa học-công nghệ trên địa bàn các địa phương. Không những vậy, hiện nay, diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, tác động của biến đổi khí hậu khó lường theo từng ngày, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, thị trường và xu hướng tiêu dùng ngày càng khó tính…

Với thực trạng và viễn cảnh đó, ngành nông nghiệp không thể tiếp tục cạnh tranh trong những điều kiện chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên sẵn có. Vì vậy, ngành nông nghiệp của vùng Đông Nam Bộ đã định hướng phát triển theo hướng tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít sức lao động hơn, ít nguồn lực tài nguyên thiên nhiên hơn. Và hướng đi bền vững là nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và thực hành trách nhiệm xã hội trong sản xuất-kinh doanh nông sản.

Để có thể ứng dụng những mô hình, giải pháp kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp đạt hiệu quả cao, theo các chuyên gia, các địa phương cần có quy hoạch, chiến lược phát triển hợp lý, để bảo đảm các mô hình phát triển phù hợp, tương thích với đặc điểm một địa bàn công nghiệp hóa hoặc trung tâm công nghiệp và dịch vụ.

Và trong quá trình triển khai thực hiện, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, các nhà khoa học cung cấp và chuyển giao các giải pháp, còn các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò định hướng, hỗ trợ. Chính quyền cần có lộ trình rõ ràng với thời gian nhanh chóng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn hóa để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách khuyến khích tái sử dụng, tái chế chất thải.

Tiếp đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như đổi mới tư duy của cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trong bối cảnh khoa học-công nghệ đang phát triển rất nhanh và cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Trong đó, các địa phương cần nhanh chóng chuyển đổi nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội từ thụ động sang chủ động; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách cụ thể, chặt chẽ về trách nhiệm xã hội của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp… Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy, nhân rộng những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Cùng với đó, các địa phương nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư, nghiên cứu, phát triển các công nghệ, quy trình khép kín theo chuỗi. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả về vốn, công nghệ, thị trường… để doanh nghiệp, người dân… mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn.