Phát triển hạ tầng giao thông ở Bắc Trung Bộ

Với vị trí trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, Nghệ An và Hà Tĩnh là điểm trung chuyển hàng hóa với Lào, đông bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), Thanh Thủy, Nậm Cắn (tỉnh Nghệ An). Những năm gần đây, các tỉnh này tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông khá đồng bộ, thông suốt, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng, mở ra cơ hội phát triển mới cho địa phương, khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương-Vũng Áng đủ sức tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 DWT.
Hệ thống cảng nước sâu Sơn Dương-Vũng Áng đủ sức tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 DWT.

Bài 1: Nâng cao năng lực cảng biển

Là địa phương có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải quốc tế đường biển, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã, đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển gắn với phát triển hệ thống logistics, tạo động lực, sức bật cho kinh tế địa phương phát triển.

Cửa ngõ vươn ra biển lớn

Khu kinh tế Vũng Áng, với hạt nhân là Khu liên hợp Gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương được xác định là trung tâm, động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Vũng Áng nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, với cụm cảng nước sâu Vũng Áng-Sơn Dương là cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực - loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Ngoài ra, Khu kinh tế Vũng Áng còn nằm trên các trục giao thông quan trọng có tính chiến lược và liên kết vùng như: Quốc lộ 1A, đường ven biển kết nối với các khu kinh tế trong khu vực: Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa)-Đông Nam (tỉnh Nghệ An)-Hòn La (tỉnh Quảng Bình), Quốc lộ 12C là tuyến đường bộ kết nối với cửa khẩu quốc tế Cha Lo...

Sau 19 năm đi vào hoạt động, Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút 148 dự án, gồm 55 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 93 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 18 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, đóng góp hơn 95% kim ngạch xuất, nhập khẩu và 50-60% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Theo chia sẻ của các nhà đầu tư, ngoài nỗ lực, cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, ưu đãi của địa phương, thì sức hấp dẫn của hệ thống cảng nước sâu ở Sơn Dương-Vũng Áng chính là yếu tố then chốt hấp dẫn các doanh nghiệp tìm đến đây để đầu tư. Trong số đó, Tập đoàn Formosa, Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam... đã hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững của mình với các siêu dự án như: Khu liên hợp Gang thép và cảng biển nước sâu Formosa Hà Tĩnh; Tổng kho Khí hóa lỏng, các dự án nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2, các nhà máy sản xuất pin và ô-tô điện của Tập đoàn Vingroup...

Là địa phương có điều kiện khá thuận lợi cho hoạt động vận tải quốc tế đường biển, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã, đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển hệ thống cảng biển gắn với phát triển hệ thống logistics, tạo động lực, sức bật cho kinh tế địa phương phát triển.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh thông tin, từ một cầu cảng dài 185,5m cho phép tiếp nhận tàu 15.000 DWT, đến nay đã có hàng chục cầu cảng với chiều dài hơn 5km hoạt động, mỗi năm tiếp nhận gần 4.000 lượt tàu, có thể tiếp nhận tàu tải trọng 200.000 DWT.

Hiện nay, đã có 6 bến cảng đang hoạt động, trong đó bến cảng Vũng Áng và Sơn Dương đóng vai trò là các khu bến chính, đảm nhận lượng tàu và hàng hóa qua cảng lớn nhất.

“Với lợi thế nằm gần tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch qua Biển Đông - nơi chiếm khoảng 45% tổng lượng vận tải biển của thế giới, Vũng Áng không chỉ có tiềm năng trở thành một bến cảng đầu mối của Việt Nam, mà còn có thể trở thành cửa ngõ xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển...”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Tại tỉnh Nghệ An, ngoài cảng Cửa Lò - cảng tổng hợp container, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT giảm tải, gần đây đã có nhiều cảng biển được đầu tư xây dựng bởi các doanh nghiệp tư nhân.

Điển hình là cảng biển quốc tế Vissai được đưa vào khai thác từ tháng 4/2017, là đầu mối giao thông quan trọng, phục vụ vận chuyển, trao đổi hàng hóa của tỉnh Nghệ An với các địa phương trong nước và các nước trên thế giới bằng đường biển.

Để đáp ứng năng lực vận chuyển, năm 2024, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải - nay là Bộ Xây dựng) đã công bố mở các cầu cảng tổng hợp số 4, 5, 6, 7, thuộc cảng biển quốc tế Vissai ở xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) do Công ty cổ phần Xi-măng Sông Lam (Tập đoàn The Vissai) đầu tư. Để nâng cao năng lực phục vụ tàu, từ năm 2021 đến nay, Công ty cổ phần Xi-măng Sông Lam đã đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình.

Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An Nguyễn Trung Thành cho biết, hàng hóa thông qua cảng biển năm 2024 đã đạt hơn 14 triệu tấn. Sắp tới, dự báo triển vọng lớn khi cảng nước sâu Cửa Lò và cảng Đông Hồi được xây dựng xong, mỗi năm sẽ có thêm hàng triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển Nghệ An.

Theo kế hoạch, trước mắt, cảng Đông Hồi sẽ phục vụ dự án Nhà máy điện khí LNG Quỳnh Lập. Đây là 1 trong 14 dự án nhiệt điện sử dụng khí LNG thuộc danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tới năm 2030, nhằm đưa tổng công suất nhiệt điện LNG cả nước đạt 22.400 MW, đang được tỉnh Nghệ An thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Phát triển hạ tầng giao thông ở Bắc Trung Bộ ảnh 1

Các tàu có tải trọng lớn vào làm hàng tại cảng biển quốc tế Vissai ở xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút vốn đầu tư

Việc đưa vào hoạt động các cầu cảng tổng hợp, chuyên dùng đã góp phần rất lớn phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ, phục vụ hàng hóa tạm nhập tái xuất từ Lào đi nhiều nước trên thế giới.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam (tỉnh Nghệ An), khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đang có 322 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 185.088,05 tỷ đồng; trong đó, có 224 dự án trong nước và 98 dự án FDI. Các dự án tập trung trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, quang học, phụ tùng ô-tô và một số sản phẩm xanh (tấm pin năng lượng mặt trời, ắc-quy tính năng cao...).

Đáng chú ý, gần đây, một số tập đoàn công nghệ thuộc chuỗi giá trị toàn cầu đã xây dựng cơ sở sản xuất tại Khu kinh tế Đông Nam với giá trị đầu tư cao, năng lực sản xuất và quy mô thị trường lớn.

Theo lãnh đạo tỉnh Nghệ An, địa phương đang gấp rút chuẩn bị các bước trình Trung ương chủ trương đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò để có thể tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa từ 50.000 DWT lên 100.000 DWT…

Trong chiến lược phát triển, hệ thống cảng biển của Nghệ An được xác định tăng cường kết nối với các cảng Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Khi tuyến đường bộ ven biển từ Nghi Sơn đi Cửa Lò hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh Nghệ An và kết nối với mạng lưới đường bộ ven biển của vùng.

Theo quy hoạch dự án đường bộ ven biển kết nối từ Nghi Sơn-Cửa Lò có tổng chiều dài thực tế hơn 59km, tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, do Sở Giao thông vận tải Nghệ An (nay là Sở Xây dựng) làm chủ đầu tư, đến nay, sản lượng thi công đã đạt 89% giá trị hợp đồng.

Cùng với đó, khi đường bộ cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn (Lào) đi qua cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Nghệ An) hoàn thành, đây là tuyến đường ngắn nhất và hiệu quả nhất từ nước bạn Lào, đông bắc Thái Lan về Nghệ An.

Tuy vậy, trong quá trình khai thác, vận hành hệ thống cảng biển trên địa bàn các tỉnh cũng bộc lộ không ít khó khăn, cần được tháo gỡ...

Ông Nguyễn Quốc Tài, Giám đốc sản xuất Nhà máy xi-măng Nghi Thiết cho biết, hiện tại, cảng đã xảy ra tình trạng nhiều tàu lớn muốn vào làm hàng phải xếp hàng để chờ thủy triều lên. Công ty đang có kế hoạch nạo vét hệ thống luồng và các bến từ độ sâu 11m hiện nay, xuống độ sâu hơn 12m để có thể đón tàu trọng tải 100 nghìn tấn. Tuy nhiên, khó khăn do chưa có điểm đổ bùn thải, do đó công ty đề nghị ngành hàng hải và các đơn vị liên quan sớm quy hoạch điểm đổ bùn thải để doanh nghiệp sớm thực hiện việc nạo vét.

Cùng với những kết quả đạt được nhờ khai thác tốt tiềm năng khác biệt, lợi thế riêng có của mỗi địa phương, thì quá trình khai thác, vận hành hệ thống cảng biển trên địa bàn cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập như hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ kết nối chưa được đầu tư đồng bộ; dịch vụ logistics đang quy hoạch, tuyến container mới hình thành, lượng hàng hóa còn rất nhỏ, chi phí vận chuyển hàng hóa đầu vào và ra đến các thị trường tiêu thụ còn lớn...

Theo Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An Nguyễn Trung Thành, ngoài việc bồi lắng tại các cảng biển Nghệ An, khu vực hậu cần cảng khá chật hẹp, hệ thống giao thông kết nối chưa đồng bộ. Chưa kể, cảng Cửa Lò là cảng quốc tế, nhưng thường xuyên bị tàu cá neo đậu nhiều, nhất là về mùa mưa bão, ảnh hưởng đến việc khai thác cảng cũng như vấn đề an toàn, an ninh hàng hải…

Ngoài những lợi thế về tự nhiên, việc cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại sẽ là chìa khóa để kinh tế biển vươn mình, phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh vốn có của hai địa phương. Xuất phát từ thực tế đó, các địa phương đang rốt ráo tìm kiếm giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn, giải tỏa các “nút thắt” để hệ thống cảng biển trở thành nhân tố cốt lõi, tiên phong dẫn dắt nền kinh tế địa phương.