Nước chủ nhà Thái Lan đã chính thức công bố SEA Games lần thứ 33 sẽ diễn ra từ 9-20/12/2025 tại 3 tỉnh, thành phố: Bangkok, Chonburi và Songkha với sự góp mặt của 11 quốc gia ASEAN tham dự. Đại hội lần này gồm 50 môn thi đấu và 574 bộ huy chương sẽ là một sân chơi sôi động và đầy thử thách.
Trước đó, thể thao Việt Nam (TTVN) đã có 2 kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu, nhưng việc không thành công ở ASIAD và Olympic là hồi chuông báo động về chiến lược phát triển và đầu tư của thể thao nước nhà. Dù mục tiêu lớn nhất vẫn là vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng SEA Games vẫn là đấu trường quan trọng giúp các VĐV cọ xát, rèn luyện bản lĩnh và nâng cao trình độ. Trong chiến lược phát triển thể dục, TTVN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/10/2024, một trong những mục tiêu cụ thể được ghi rõ rằng: “Thể thao thành tích cao duy trì trong tốp 3 tại các kỳ SEA Games và trong tốp 20 tại các kỳ ASIAD; trong đó phấn đấu đạt từ 5 đến 7 Huy chương Vàng tại các kỳ ASIAD, có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic, bóng đá nam trong tốp 10 châu Á và bóng đá nữ trong tốp 8 châu Á”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm về việc tập trung cho SEA Games 33: “Muốn thể thao Việt Nam phát triển thì phải đi từng bậc, từ khu vực, châu lục rồi ra thế giới. Không thể có sự nhảy vọt, phải có tập luyện kiên trì và nỗ lực thì mới đi lên được. Thắng thua trong thể thao là bình thường, ai cũng muốn thắng, không nên thấy thắng thì tung hô, thua thì phê phán, phải có sự chia sẻ, thắng không kiêu bại không nản. Tiếp đến là chuẩn bị cho giải thể thao châu Á, phải đặt mục tiêu có nhiều huy chương. Đầu tư trên diện rộng nhưng cần có trọng tâm trọng điểm, nguồn lực chỉ có vậy, phải tùy cơ ứng biến”.
SEA Games không chỉ là một sân chơi thể thao, mà còn là cơ hội vàng để Việt Nam khẳng định hình ảnh con người, đất nước trước bạn bè khu vực. Về mặt chuyên môn, đây là đấu trường để các VĐV thể hiện bản lĩnh, tài năng, mang về những chiến thắng vinh quang cho Tổ quốc. Dù kết quả ra sao, SEA Games vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt - nuôi dưỡng tinh thần quyết tâm, hun đúc ý chí chiến đấu của các HLV và VĐV nước nhà. Thực tế đã chứng minh, qua nhiều kỳ đại hội, đất nước hình chữ S luôn để lại dấu ấn mạnh mẽ.
![]() |
Thể thao Việt Nam hướng đến nhiệm vụ quan trọng tại SEA Games 33. (Ảnh: Độc Lập) |
Bởi vậy, TTVN đã xác định nhiệm vụ giành hơn 90 HCV tại SEA Games 33 để duy trì vị trí trong top 3 toàn đoàn, khẳng định vị thế trong khu vực và phấn đấu dẫn đầu các môn Olympic, ASIAD. Thực tế cho thấy, Việt Nam khó có cơ hội lần thứ ba liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn trên đất Thái Lan, nhưng mục tiêu tốp 3 khu vực vẫn trong tầm tay.
Nhưng có lẽ, đối với TTVN lúc này, thứ hạng tại SEA Games 33 không phải là mối bận tâm lớn nhất. Điều quan trọng hơn chính là sự chuẩn bị cho ASIAD 2026 tại Nhật Bản, sự kiện sẽ diễn ra chỉ 9 tháng sau SEA Games (dự kiến vào tháng 9/2026), quỹ thời gian không nhiều để chúng ta muốn bứt phá về thành tích. Thách thức càng lớn khi nhiều môn thể thao trọng điểm như điền kinh, thể dục, bắn súng, cử tạ, bóng đá... đang trong quá trình trẻ hóa lực lượng.
Nếu ví von một cách hình tượng, SEA Games 33 chính là sự kiện lớn nhất năm 2025, nhưng “chủ đề” chính phải là ASIAD 20. Vì thế, SEA Games lần này sẽ là bước chạy đà quan trọng, không chỉ giúp các vận động viên rèn luyện kinh nghiệm nâng cao phong độ, mà còn là phép thử, bài kiểm tra chiến lược đối với các nhà quản lý. Liệu chúng ta có thể chuyển đổi tư duy, biến SEA Games thành bàn đạp cho ASIAD bằng cách tập trung mạnh mẽ vào trẻ hóa lực lượng ở các môn trọng điểm. Đây sẽ là một thử thách cam go, đòi hỏi bản lĩnh và tầm nhìn dài hạn của những người hoạch định chiến lược thể thao nước nhà. Thành bại không chỉ nằm ở kết quả SEA Games 33, mà quan trọng hơn là hướng đi tiếp theo ra sao để có được những đột phá mới.