Bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh: Hành trình khẳng định vị thế

Trong gần 40 năm phát triển, bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh đã có những dấu ấn đáng kể. Không chỉ có nhiều tuyển thủ trong đội tuyển quốc gia góp mặt ở World Cup bóng đá nữ 2023, mới đây CLB bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh đã giành vé có mặt ở AFC Champions League nữ 2024/25, khiến người hâm mộ bóng đá thành phố mang tên Bác cảm thấy rất phấn khích và tự hào. Tuy nhiên, để có những ngày tháng rực rỡ như hiện nay, lại là cả một quá trình đầy khó khăn...
0:00 / 0:00
0:00
Niềm vui của các nữ cầu thủ TP Hồ Chí Minh đoạt vé vào bán kết giải châu Á. (Ảnh: Minh Long)
Niềm vui của các nữ cầu thủ TP Hồ Chí Minh đoạt vé vào bán kết giải châu Á. (Ảnh: Minh Long)

NHỮNG NGÀY ĐẦU KHỐN KHỔ

Đầu những năm 1990 khi bóng đá nữ mới bắt đầu manh nha thành lập tại TP Hồ Chí Minh dưới sự chỉ huy của ông Trần Thanh Ngữ - khi ấy đang là Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao (TDTT) Quận 1, các cô gái bóng đá đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là cấm đoán từ những người đứng đầu ngành thể thao thành phố.

Thời điểm ấy, để tìm các cô gái có niềm đam mê đá bóng đã khó, nhưng khi thành lập được một đội bóng đá nữ lại bị lãnh đạo ngành thể thao cấm cản và làm khó đủ điều đã khiến không ít người nản lòng. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Ngữ - mọi người thường gọi là Tư Ngữ, lúc sinh thời từng thổ lộ với người viết: “Họ càng cấm thì tôi càng phải làm và phải phát triển bóng đá nữ cho bằng được, bởi tôi nghĩ đây mới là cái môn chúng ta sẽ lấy được HCV ở SEA Games, chứ bóng đá nam chẳng dễ khi Thái Lan quá mạnh”.

Thời điểm ấy, ông Tư Ngữ chỉ mới nghĩ đến việc làm bóng đá nữ để giành thành tích ở SEA Games, bởi khi ấy bóng đá nam của Việt Nam dẫu có được chiếc HCB SEA Games 1995 nhưng vẫn chưa thể thoát được cái bóng quá lớn từ Thái Lan. Dẫu vậy, người đứng đầu ngành thể thao của Quận 1, TP Hồ Chí Minh khi ấy chưa dám nghĩ cái môn mà ông đã cố công vun đắp, giờ đây đã từng góp mặt tại World Cup bóng đá nữ thế giới.

HLV Lưu Ngọc Mai nhớ lại: “Hồi ấy đội nữ TP Hồ Chí Minh của chúng tôi rất khó tìm được quân xanh để thi đấu cọ xát. Tôi nhớ có lần cả đội cáp kèo được với một đội bóng nam của Long An để đá giao hữu. Hôm ấy chiếc xe chở bọn tui phải kéo hết rèm để không cho thấy ai ngồi phía trong, nhưng chẳng biết ai báo mà ông Lê Bửu phóng xe vespa đuổi theo và bắt tất cả lại. Kỷ niệm đó khiến bọn tôi nhớ hoài, vì nó buồn lắm bởi đi thi đấu mà giống như đi buôn lậu và bị người bắt lại xài xể, thậm chí đòi giải tán đội bóng”.

Ngày đó, ông Tư Ngữ còn “rủ rê” thêm ông Hoàng Vĩnh Giang - khi ấy đang là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội phát triển bóng đá nữ. Lúc ấy Hà Nội dù bóng đá nữ đi sau, nhưng được “bật đèn xanh” nên phát triển thuận lợi hơn nhiều...

BƯỚC RA ÁNH SÁNG

Mãi đến năm 1996, bóng đá nữ mới được chính thức công nhận tại Việt Nam và thành lập đội tuyển quốc gia dưới sự huấn luyện của ông Mai Đức Chung. Lực lượng của đội khi ấy đều là những cầu thủ của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giải đấu đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam tham gia chính là giải tiền SEA Games mở rộng tại Malaysia. Thời ấy, các tuyển thủ Việt Nam đã có người ngoài 30 tuổi, nhưng họ ngập tràn hạnh phúc khi lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam được công nhận và chính thức thi đấu quốc tế. Và đó cũng là lần đầu tiên đội tuyển nữ Việt Nam đăng quang với niềm hạnh phúc bất tận...

Sau màn ra mắt tại giải tiền SEA Games mở rộng năm 1996, bóng đá nữ Việt Nam chính thức tham dự SEA Games vào năm 1997 và giành chiếc HCĐ sau khi thắng Indonesia 2-0. Đây là một thành tích rất ấn tượng của các cô gái bóng đá Việt Nam khi lần đầu mang chuông đi đánh xứ người. Tuy nhiên, sau đó do SEA Games 1999 Brunei không tổ chức bóng đá nữ, nên đến SEA Games 2001 tại Malaysia, các tuyển thủ nữ Việt Nam đã lần đầu tiên khiến tất cả phải ngước nhìn khi giành chiếc HCV của đại hội. Và liên tiếp sau đó, các cô gái đá bóng Việt Nam tiếp tục đứng đầu Đông Nam Á tại SEA Games 2003, 2005, 2009, 2017, 2019, 2021, 2023 - một thành tích mà bóng đá nam Việt Nam dẫu rất khát khao cũng chưa từng đạt được.

Ngoài đấu trường khu vực Đông Nam Á, bóng đá nữ Việt Nam đã vươn mình ra châu lục và lần đầu tiên giành vé đến World Cup 2023 tại Australia và New Zealand. Nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Bích Thùy khi ấy đang khoác áo cho CLB nữ TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ: “Việc có mặt tại World Cup 2023, ngoài may mắn còn là sự nỗ lực tột cùng của bọn em. Năm ấy dịch Covid-19 hoành hành nên có lúc bọn em tưởng đã bỏ cuộc vì không còn người thi đấu ở vòng play-off tranh vé đến World Cup, thậm chí có trận đá nhưng không có người để thay. Dẫu vậy, may mắn đã mỉm cười cùng bóng đá nữ Việt Nam khi giành vé có mặt ở giải đấu lớn nhất hành tinh”...

Trong lực lượng của tuyển nữ Việt Nam giành thành tích gần như độc bá tại Đông Nam Á, châu Á và World Cup có sự đóng góp rất lớn của bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh. Huỳnh Như - một ngôi sao ấn tượng nhất của bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Bóng đá nữ Việt Nam được như ngày nay là sự nỗ lực và cố gắng của biết bao thế hệ đi trước, bọn em là những người thừa hưởng nên càng phải nỗ lực góp sức phát triển mạnh mẽ hơn”...

Bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh: Hành trình khẳng định vị thế ảnh 1

Huỳnh Như, ngôi sao của bóng đá TP Hồ Chí Minh và Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Dương)

TIẾP TỤC XÂY CHẮC VỊ THẾ

Có mặt tại SEA Games từ năm 1997, nhưng phải đến năm 1998, Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia Việt Nam mới lần đầu được tổ chức và đội vô địch là Hà Nội. Đội nữ TP Hồ Chí Minh giành ngôi vị á quân của giải đấu năm ấy.

Mãi đến năm 2022, bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh mới bắt đầu lên ngôi vô địch và bước vào cuộc đua tranh với những địa phương có nền bóng đá mạnh của Việt Nam như Hà Nội, Than khoáng sản Việt Nam, Phong phú Hà Nam... Và phải đến mùa giải 2016, lúc HLV Đoàn Thị Kim Chi lên nắm đội nữ TP Hồ Chí Minh, địa phương này đã có nhiều khởi sắc và bắt đầu thống lĩnh ngôi đầu của bóng đá nữ Việt Nam liên tiếp cho đến năm 2024 (trừ năm 2018 bị mất ngôi đầu vào tay Phong phú Hà Nam).

HLV Đoàn Thị Kim Chi cho biết: “Tôi lớn lên từ bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh nên luôn muốn phong trào bóng đá nữ nơi đây phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thời gian qua bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh đã mất nhiều ngôi sao về tay các địa phương khác. Dẫu thế, tôi vẫn luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình để mang về thành tích ổn nhất cho bóng đá nữ thành phố”.

Mới đây, CLB nữ TP Hồ Chí Minh đại diện bóng đá nữ Việt Nam có mặt ở đấu trường AFC Champions League nữ 2024/25 và đã giành quyền vào bán kết, sau cú lội ngược dòng ngoạn mục trước đối thủ Abu Dhabi Country (UAE) ở trận tứ kết. Trận này, CLB nữ TP Hồ Chí Minh đã bị đối thủ dẫn đến 3-0 trong hiệp 1, nhưng sang hiệp 2 các học trò của HLV Kim Chi đã vùng lên để thắng ngược lại 5-4, qua đó giành vé vào bán kết gặp CLB Wuhan Jiangda (Trung Quốc), khiến tất cả các khán giả phải nể phục. Đặc biệt, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã hết lời ca ngợi chiến thắng quả cảm này.

50 năm đất nước thống nhất, bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh cũng có đến gần 40 năm phát triển và đang từng bước khẳng định vị thế của mình.

TP Hồ Chí Minh là đơn vị giành nhiều Quả bóng vàng nữ nhất

Lưu Ngọc Mai là nữ cầu thủ đầu tiên giành Quả bóng đồng Việt Nam cùng với các cầu thủ nam vào năm 2001. Sau đó, thủ môn Nguyễn Thị Kim Hồng giành danh hiệu Quả bóng vàng nữ đầu tiên vào năm 2002.

Sau đó, Đoàn Thị Kim Chi (2004, 2005, 2007, 2009), Trần Thị Kim Hồng (2010), Đặng Thị Kiều Trinh (2011, 2012, 2017), Huỳnh Như (2016, 2019, 2020, 2021), Trần Thị Kim Thanh (2023), Trần Thị Thùy Trang (2024) đều là những cầu thủ TP Hồ Chí Minh giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam.