PSG sự hùng mạnh phía sau sân cỏ

Paris Saint Germain (PSG) là câu lạc bộ lớn, một trường hợp cá biệt của thế giới bóng đá. Thành tích của PSG có thể chưa là gì ở châu Âu, chưa vô địch Champions League bao giờ, nhưng không ai có thể phủ nhận tầm vóc của họ. Một hệ sinh thái siêu hạng vốn chỉ lấy bóng đá làm nền tảng.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Getty)
(Ảnh: Getty)

1. Trong số các câu lạc bộ vĩ đại ở châu Âu, PSG là đội bóng trẻ, mới hơn 50 năm, không thể xếp họ vào danh sách các đội bóng truyền thống. Hơn nữa, việc PSG tự dưng lớn mạnh nhờ nguồn tiền từ Ả rập càng khiến những ánh mắt hướng về họ không nhiều thiện cảm. Nhưng nếu bỏ qua những yếu tố thuộc về lịch sử và truyền thống, PSG xứng đáng là mô hình sinh thái siêu việt với một hệ thống kinh tế đi trước thời đại.

Kể từ 2011, những tỷ phú dầu mỏ đầu tư vào PSG cỡ 1,5 tỷ euro, thu hút hầu hết những ngôi sao lớn nhất, từ Beckham, Ibrahimovic, Mbappe, Neymar, Messi, Ramos... Thiên hạ cho rằng, việc vung tiền mua cầu thủ lớn, đắt đỏ, phá giá thị trường như trường hợp mua Neymar với giá 222 triệu euro, là để mang về thành công. Điều đó đúng, nhưng không hẳn đã là tất cả. Nhiều người theo chủ nghĩa bóng đá thuần túy chỉ trích và khó chịu về chiến lược mua danh hiệu của PSG, nhưng họ không nao núng, không chùn bước với mục tiêu của mình, cùng quan niệm: “Được nhiều người yêu mến, chắc chắn đáng để một số ít người ghét bỏ”. Những khoản tiền khổng lồ mà đội bóng đến từ Pháp chi ra còn mang lại giá trị thương hiệu cực lớn, một hành trình tạo ra đế chế thương mại toàn cầu. Thậm chí, nó có thể vượt ra ngoài khuôn khổ bóng đá, thể thao thuần túy.

PSG sự hùng mạnh phía sau sân cỏ ảnh 1

PSG Fashion Show tại Trung Quốc năm 2019. (Ảnh: SB)

2. Ở bất kỳ đội bóng lớn nào cũng có những người nổi tiếng liên quan. Nhưng không có câu lạc bộ nào lại có thể hợp tác, xuất hiện và đổ xô đến với như thương hiệu của PSG nhiều như thế. Justin Timberlake, Beyoncé, Will Smith, Travis Scott, Spike Lee, Stephen Curry... đều mặc đồ hoặc là đối tác của PSG. Thông thường, các đội bóng lớn sẽ kết hợp sản xuất trang phục với những hãng thể thao lớn, PSG cũng vậy. Nhưng họ không kết hợp với những thương hiệu quen thuộc mà ký kết với Jordan Brand, một nhánh của Nike, để tạo ra những bộ trang phục độc đáo, lạ mắt, và mang tính thời trang cực cao. Và từ 2018, thương hiệu trang phục của PSG với Jordan có doanh số tăng vọt.

Cùng với việc “giải trí” hóa bóng đá, tạo sự gần gũi với cổ động viên, PSG tiếp tục vươn mình ra thế giới bằng cách mở hẳn văn phòng đại diện ở New York (Mỹ), sau khi đặt trụ sở ở Qatar và Singapore. Đến bây giờ, PSG không chỉ tạo ra một thương hiệu bóng đá, mà còn đạt tới tầm vóc một hệ sinh thái thương mại, một thương hiệu thời trang, phong cách sống. Và phong cách ấy được xây dựng từ nền tảng là Paris, kinh đô ánh sáng, trung tâm thời trang thế giới, nơi hội tụ của những phong cách thời thượng.

Với nền tảng vĩnh cửu ấy, PSG lấy logo là tháp Eiffel, ở đó không hề thấy quả bóng hay biểu trưng nào thuộc về bóng đá. Sự kết hợp trọng tâm của đội bóng hướng tới thời trang và những người được PSG mời về xây dựng thương hiệu phía sau sân cỏ là hai nhân vật lừng lẫy, hai nhà thiết kế thời trang. Một người Pháp Christelle Koche và một người Ấn Độ Manish Arora. PSG trao cho họ thương hiệu và yêu cầu họ chơi đùa với các giá trị nghệ thuật, sáng tạo để tạo ra các dòng thời trang cao cấp. Và tiếp đó, PSG là câu lạc bộ bóng đá đi đầu trong việc tấn công các sàn diễn thời trang lớn tại Paris, New York... rồi kết hợp với những hãng thời trang lớn như Levi’s để tạo ra sự khác biệt lớn với phần còn lại của làng túc cầu thế giới.

Chưa dừng lại, PSG còn lấn sân sang cả âm nhạc khi kết hợp với Rolling Stone, và nhiều nghệ sĩ trẻ khác để tạo ra các thương hiệu phiên bản giới hạn, sản xuất các sản phẩm riêng từ áo đấu đến ván trượt, ván lướt sóng... Từ đó, PSG vẽ ra những câu chuyện của riêng mình, với sự độc quyền tuyệt đối. Điều này giúp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hơn là bắt ai đó không đam mê bóng đá như là phái nữ phải xem cả một trận bóng và tìm hiểu về Mbappe, Neymar... là ai. Đơn giản là sản phẩm áo hoodie mang tên Bape, thương hiệu thời trang cao cấp của Nhật Bản. Một sự kết hợp tạo nên tiếng vang. Để một nơi văn hóa khác biệt như Nhật Bản hiểu rõ hơn về thương hiệu, PSG mở một cửa hàng thời trang lớn và một quán cafe với màu sắc Paris tại xứ sở mặt trời mọc. Và PSG để bất kể ai đến đây cũng có thể khám phá được phong cách Pháp và bản sắc PSG.

Tất cả mọi thứ thuộc về thời trang, tiêu dùng, PSG “đột nhập” và tạo ra một phong cách mà không cần phải lấy cảm hứng hay bất kỳ thứ gì liên quan đến một trận bóng đá. Và khi đó, những ngôi sao và các cổ động viên tự dưng kéo đến sân vận động của PSG để xem hoặc để gặp gỡ cầu thủ ngôi sao nào đó. PSG không bỏ tiền thuê những ngôi sao quảng cáo cho thời trang của mình, mà mời họ đến thăm sân vận động. Thí dụ như Beyoncé, PSG gửi tặng một chiếc áo đấu có đính pha lê Swarovski đặc biệt và ngay hôm sau ca sĩ này đăng hình mặc chiếc áo đó. Với những LeBron James hay nhiều ngôi sao khác cũng vậy, kể cả họ không cần phải đến Paris.

PSG sự hùng mạnh phía sau sân cỏ ảnh 2
Ca sĩ Beyonce và chiếc áo đấu PSG đính kim cương. (Ảnh: Getty)

3. Sự chi tiết và chuyên nghiệp của PSG còn thể hiện ở cả những poster giới thiệu các trận đấu cũng được họ chú trọng tỉ mỉ, khi mời những nghệ sỹ thiết kế, họa sỹ lớn tham gia nhưng Kongo, Mambo, Jonone... Tất cả những hoạt động kinh doanh của PSG khác với các CLB lớn khác. “Tuổi trẻ” với chỉ hơn 50 năm giúp PSG tiếp cận thế giới khác hơn, dị biệt hơn và mang tính công nghiệp, kinh doanh thực sự, khi mà họ cũng đã bỏ ra những số tiền rất lớn để đầu tư. Kết quả là PSG có giá 70 triệu euro khi được mua lại năm 2011, đến giờ giá trị của họ là 3,4 tỷ euro.

Sự bứt phá phi thường ấy diễn ra chỉ sau hơn một thập kỷ cho thấy PSG còn hơn cả một đội bóng, bất chấp họ chưa có danh hiệu lớn nào ở đấu trường châu Âu. PSG không phải đội bóng vĩ đại, nhưng không ai dám phủ nhận rằng, họ là câu lạc bộ lớn, hùng mạnh. Và một trong những yếu tố làm nên PSG hiện tại là nền kinh tế cực năng động và dị biệt. Nó hay đến mức, hoạt động kinh tế của PSG dần đã đi vào các bài giảng trong Đại học danh tiếng Harvard. Bởi thế mới nói, giá trị của bóng đá không chỉ nằm ở thành tích hay trên sân bóng!