Giải bóng đá vô địch quốc gia ra đời
Bốn năm sau “Trận cầu đoàn tụ” lịch sử giữa Tổng cục Đường Sắt và Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất, giải bóng đá vô địch quốc gia đầu tiên chính thức ra đời vào năm 1980 dưới tên gọi Giải bóng đá A1 toàn quốc, với nhà vô địch là đội Tổng cục Đường sắt.
Đến mùa giải 2000/2001, giải chuyển sang cơ chế chuyên nghiệp. Năm 2012, quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, được chuyển giao từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) sang Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), giúp công tác điều hành chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Trải qua nhiều thăng trầm, V.League hiện là một trong những giải đấu hàng đầu Đông Nam Á, với sự đầu tư bài bản từ các CLB. Nhờ đó, hàng loạt tài năng được phát hiện và trưởng thành, góp phần quan trọng vào thành công của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Bóng đá Việt Nam vươn mình
Trong quá trình phát triển, bóng đá Việt Nam đã ghi dấu những thành tích đầy tự hào. Tại AFF Suzuki Cup 2008, tuyển nam Việt Nam đã vượt qua gian khó để lần đầu tiên lên ngôi vô địch Đông Nam Á. Đến năm 2018, thầy trò HLV Park Hang-seo đã tạo nên một kỳ tích chấn động châu lục với ngôi Á quân quả cảm tại Giải vô địch U23 châu Á, giữa bão tuyết Thường Châu. Sau đó, đội Olympic Việt Nam có lần đầu tiên lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại ASIAD 2018. Tại AFF Cup năm 2018, đội tuyển Việt Nam đã giành chức vô địch thứ 2 trong lịch sử. Và đến năm 2024, những “chiến binh sao vàng” có lần thứ 3 lên ngôi Đông Nam Á dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik. Song song với đó, bóng đá nam cũng có 3 lần giành HCV SEA Games 1959, 2019, 2021.
Trong lịch sử, có 3 đội bóng của Việt Nam được tham dự tổng cộng 4 kỳ FIFA World Cup, đó là U20 nam Việt Nam (2017), futsal Việt Nam (2016) và đội tuyển bóng đá nữ (2023). Với bóng đá nữ, việc tham dự sân chơi đỉnh cao nhất của bóng đá nữ toàn cầu là cột mốc lịch sử đáng nhớ nhất. Đến nay, các “cô gái vàng” đã sở hữu bảng thành tích đầy ấn tượng: 8 lần vô địch SEA Games vào các năm 2001, 2003, 2005, 2009, 2017, 2019, 2021 và 2023; 3 lần vô địch Đông Nam Á; xếp hạng 4 tại Á vận hội 2024; lọt vào vòng cuối của Olympic Tokyo 2020; lọt vào tứ kết ASIAD 18-2018.
Tạo vị thế tại SEA Games
Thể thao Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường Đông Nam Á từ SEA Games 15-1989. Với 42 tuyển thủ của 8 môn điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng bàn, quyền Anh, TDDC, quần vợt và bóng chuyền nữ, Việt Nam giành 3 HCV từ môn bắn súng, 11 HCB, 5 HCĐ, xếp 7/9 quốc gia.
Đến nay, trải qua 18 lần tham dự, thành tích của thể thao Việt Nam ngày càng được cải thiện, không ngừng nâng cao vị thế trong khu vực. 5 kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam luôn nằm trong top 3 vị trí dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Đặc biệt, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 2 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22-2003 và SEA Games 31-2022), tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè khu vực và thế giới. Qua từng kỳ SEA Games, nhiều gương mặt xuất sắc của thể thao Việt Nam xuất hiện và mang về vinh quang cho Tổ quốc trên các đấu trường quốc tế.
![]() |
Hoàng Xuân Vinh và tấm HCV Olympic lịch sử. (Ảnh: IOC) |
Thành tích lịch sử ở châu Á và thế giới
Từ mục tiêu hòa nhập, học hỏi bạn bè quốc tế, các VĐV Việt Nam đã dần tự tin để vươn tới những mục tiêu cao hơn. Võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ lần đầu đoạt HCV ASIAD 12/1994 ở Hiroshima (Nhật Bản) cho thể thao Việt Nam. Sau đó, ở các kỳ ASIAD tiếp theo chúng ta chứng kiến những nỗ lực tuyệt vời của các VĐV vì mầu cờ sắc áo.
Trên đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh, nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân đã mang về tấm HCB đầu tiên cho thể thao nước nhà tại Olympic Sydney 2000. Đây cũng là thành tích ấn tượng nhất kể từ khi Việt Nam tham dự Thế vận hội năm 1980. Đến Olympic Bắc Kinh 2008, lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn mới tái lập chiếc HCB khác. Và rực rỡ nhất chính là tại Olympic Rio 2016, khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh làm nên lịch sử với tấm HCV đầu tiên cho Việt Nam ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Những thành tích lịch sử này chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, thúc đẩy thể thao Việt Nam hướng tới những đỉnh cao mới.