Vì một nền thể thao bền vững

Sau những kết quả không như kỳ vọng ở các đấu trường quốc tế quan trọng, thể thao Việt Nam (TTVN) đang đối mặt với những thách thức lớn trên hành trình hướng tới những cột mốc mới. Trước tình hình thực tế, đã đến lúc TTVN cần phải có sự chuyển mình thật sự mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ rước đuốc khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á 2024. (Ảnh: Văn Dũng)
Lễ rước đuốc khai mạc Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á 2024. (Ảnh: Văn Dũng)

Những năm gần đây, trong khi Việt Nam vẫn coi SEA Games là đấu trường lớn nhất thì các quốc gia Đông Nam Á đã tập trung đầu tư cho ASIAD, Olympic. Kết quả là tuy đứng số 1 SEA Games 32 nhưng chúng ta chỉ xếp thứ 6 Đông Nam Á tại ASIAD 19-2023 ở Trung Quốc. Và việc liên tiếp trắng tay tại 2 kỳ Olympic (2020 và 2024) là “giọt nước tràn ly”, báo động cho cách đầu tư và định hướng của TTVN.

Trước những yêu cầu của thời đại mới, ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Chiến lược tập trung vào việc xây dựng nền thể dục, thể thao (TDTT) phát triển bền vững, chuyên nghiệp và bảo đảm mọi công dân đều được tiếp cận các dịch vụ TDTT. Mục tiêu đến năm 2030 là trên 45% dân số thường xuyên tập luyện TDTT và hơn 90% học sinh, sinh viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể chất, nâng cao tầm vóc thanh niên nước nhà. Đồng thời, Việt Nam phấn đấu duy trì trong nhóm ba nước dẫn đầu tại SEA Games và nhóm 20 tại Asian Games, cùng với việc nỗ lực giành huy chương tại các kỳ Olympic. Tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh việc bóng đá nam nằm trong top 8 châu Á, bóng đá nữ trong top 6 châu Á và đều giành quyền tham dự World Cup...

Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân, việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Ngoài ra, Chiến lược còn đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường thể thao, thúc đẩy kinh tế thể thao và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ thể thao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế.

Trước những “tham vọng” đó, nhiều người tỏ ra lo ngại và bi quan trước thực trạng của TTVN hiện nay. Phát triển “kinh tế thể thao” được nhắc đến nhiều hơn gần đây, nhưng chỉ thành công ở một số môn có nhiều lợi ích, chứ không thể làm “công thức” chung cho tất cả. Việc chậm chuyển hướng, thiếu nguồn lực đầu tư đã khiến TTVN bị chính khu vực Đông Nam Á bỏ xa trên hành trình vươn tầm châu lục và thế giới.

Vì một nền thể thao bền vững ảnh 1
Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc Olympic Paris 2024. (Ảnh: AFP)

Bên cạnh đó, nhiều nơi ở Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng và thiết chế thể thao phù hợp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Vì vậy, theo Chiến lược, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cấp và hiện đại hóa 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có đủ ba công trình thể thao cơ bản: nhà thi đấu, sân vận động và bể bơi. Đồng thời, 100% đơn vị hành chính cấp xã cũng sẽ có các thiết chế thể thao phù hợp với tiêu chí quy định. Mỗi thôn, tổ dân phố và khu dân cư sẽ có ít nhất một điểm tập luyện thể dục thể thao công cộng. Cùng với đó, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ cần được củng cố và mở rộng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ cho thể thao thành tích cao.

Để phát triển bền vững luôn phải cần có nền tảng vững chắc, vì vậy mục tiêu phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần con người Việt Nam là tầm nhìn được kỳ vọng chuyển biến tích cực thành hiện thực. Song, quan trọng nhất vẫn là cách triển khai. “Khi tuyển chọn được con người tài năng rồi, chúng ta sẽ đào tạo, huấn luyện như thế nào để họ thành danh. Và liệu, TTVN có đủ nguồn lực cử VĐV từ năng khiếu ban đầu đi tập huấn nước ngoài dài hơi như nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang thực hiện hay không”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhận định.

Bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới có nhiều thay đổi, tạo ra thời cơ, vận hội mới nhưng cũng không ít thách thức. Chiến lược phát triển TDTT mang lại nhiều kỳ vọng lớn lao nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp. Để hoàn thành không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của các cơ quan quản lý, mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, từ người dân, doanh nghiệp đến các tổ chức quốc tế. Và với quyết tâm cao nhất, TTVN hứa hẹn sẽ vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ thể thao thế giới trong tương lai.