Khai thác tài nguyên bản địa phát triển kinh tế nông thôn

Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng, các hợp tác xã đã khai thác tài nguyên bản địa để cung cấp những sản phẩm đang được thị trường ưa chuộng.
Thanh niên dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng có thêm thu nhập khi vào hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp.
Thanh niên dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng có thêm thu nhập khi vào hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp.

Cách làm này giúp giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Nhờ nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hoạt động hiệu quả, giải quyết tốt việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Thanh Phú, ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên là một đơn vị điển hình. Thành lập vào năm 2020, hợp tác xã chuyên gia công các sản phẩm bàn ghế từ nhựa giả mây, lục bình, tre, nứa, gỗ… với quy mô sản xuất hơn 100.000 sản phẩm mỗi năm.

Các mặt hàng không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang các nước ở châu Á, châu Âu và Mỹ. Với đầu ra sản phẩm ổn định, hợp tác xã thu hút và tạo được việc làm thường xuyên, ổn định cho hơn 1.200 lao động ở địa phương và các vùng lân cận. Ngoài ra còn phối hợp ngành chức năng các huyện, thị xã, thành phố đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động tại các địa phương trong tỉnh.

Mới đây, bộ dụng cụ bắt cá truyền thống của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành được chứng nhận OCOP 3 sao. Thành công này tiếp tục giúp cho hợp tác xã trụ vững và khẳng định tên tuổi, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Nghề đan đát đã có từ lâu đời ở địa phương, tuy nhiên các hộ dân chỉ làm ăn nhỏ lẻ, sản phẩm đơn thuần thô sơ nên dần bị lãng quên. Với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, Hợp tác xã Thủy Tuyết được thành lập với 32 thành viên, sau thời gian vượt khó, đơn vị đã hoạt động hiệu quả.

Qua hơn hai năm hoạt động, hợp tác xã hiện có hơn 700 mặt hàng từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng truyền thống như: rổ, rá, giỏ, nơm, lồng bàn, bàn ghế… đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng để trang trí, làm quà tặng. Với mức thu nhập trung bình mỗi người từ 7-10 triệu đồng/tháng, nghề đan đát đã mang lại cuộc sống ổn định cho hơn 130 hộ dân.

Hợp tác xã Thủy Tuyết còn phối hợp chính quyền mở các lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho hàng trăm thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số trong tuổi lao động. Giám đốc Trương Thị Bạch Thủy cho biết, sau khi học nghề, các học viên có việc làm ổn định. Hợp tác xã sẽ thực hiện dự án khôi phục làng nghề, phát triển du lịch cộng đồng. Dự án triển khai hiệu quả sẽ cải thiện đáng kể đời sống, kinh tế cho đồng bào.

Hiện nay, nghề đan đát ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng phát triển mạnh nhờ các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Hợp tác xã MCF ở ấp Mỹ Tây A, xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm sử dụng nguyên liệu cỏ năn tượng để gia công đa dạng các sản phẩm rổ, giỏ xách, hộp, bàn ghế, chậu hoa, đồ dùng gia đình...

Sau hơn bốn năm hoạt động, đơn vị tạo việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động. Bình quân mỗi tháng, hợp tác xã xuất bán khoảng 8.000-10.000 sản phẩm. Nhờ nguồn thu ổn định, hằng năm hợp tác xã thường xuyên hỗ trợ hàng trăm phần quà tặng các trẻ mồ côi, người mất khả năng lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Giám đốc Hợp tác xã MCF Nguyễn Quang Toàn chia sẻ, với nghề đan đát, ai chịu khó học hỏi sẽ nhanh nắm vững các kỹ thuật đan. Có nhiều cô, chú lớn tuổi sau khi được truyền nghề, tranh thủ thời gian rảnh nhận sản phẩm về làm, trung bình thu nhập thêm từ 2-3 triệu đồng/tháng, nhờ vậy các thành viên càng gắn bó với hợp tác xã.

Ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm còn có Hợp tác xã Hương Liên chuyên sản xuất các sản phẩm từ lục bình. Đơn vị có hơn 300 lao động có tay nghề, chuyên gia công các tấm xếp xoắn, nón, rổ, khay, giỏ, hộp... từ nguyên liệu lục bình với thu nhập từ 800-900 nghìn đồng/tuần/người.

Để đáp ứng nhiều đơn hàng mới, hợp tác xã phải thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hoặc đến các xã lân cận đào tạo tại chỗ cho người dân có nhu cầu rồi thuê họ gia công các sản phẩm. Nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hợp tác xã Hương Liên không chỉ mang lại doanh thu và lợi nhuận cho thành viên, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân mà còn góp phần gìn giữ, phát huy tốt nghề truyền thống địa phương.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng Thạch Phước Tài cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 228 hợp tác xã, với 28.724 thành viên, vốn điều lệ 163.526 triệu đồng. Có 22 hợp tác xã có thành viên là người dân tộc thiểu số, tổng cộng 2.817 người. Riêng trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và thương mại, toàn tỉnh có 12 hợp tác xã với 257 thành viên.

Các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này hiện chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương và các vùng lân cận. Các đơn vị này còn đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động ở nông thôn, hoạt động gắn với nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp ở Sóc Trăng góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó góp công, góp sức cho quá trình xây dựng nông thôn mới vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Thạch Phước Tài cho biết: “Sóc Trăng đang chú trọng nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi đa giá trị, tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu phát thải nhà kính. Tỉnh ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã có đông thành viên là người dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã”.

Có thể bạn quan tâm

back to top