Quyết tâm lớn của nước Đức

Với việc ông Friedrich Merz, lãnh đạo khối bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trở thành Thủ tướng, nước Đức đang bước vào một chương mới. Theo đó, chính phủ mới của Đức đang thể hiện những quyết tâm lớn, nhằm tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Berlin tại khu vực và trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phải đến vòng bỏ phiếu thứ hai tại Quốc hội liên bang, với 325 phiếu ủng hộ, ông Friedrich Merz mới vượt qua ngưỡng 316 phiếu cần thiết để trở thành người đứng đầu chính phủ, qua đó giúp nước Đức tránh được nguy cơ bế tắc chính trị.

Vượt ải thành công và chính thức nhận trọng trách chèo lái con thuyền nước Đức, song những sóng gió đã qua ít nhiều dự báo về những thách thức phía trước của tân Thủ tướng, nhất là trong việc lấy lại niềm tin trong nội bộ liên minh và dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua giai đoạn trì trệ hiện nay. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội liên bang hôm 14/5 cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Friedrich Merz trong việc bắt tay hành động nhanh chóng, nhằm đưa đất nước trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Để tái khởi động đầu tàu tăng trưởng của Đức, một gói phục hồi kinh tế toàn diện được công bố, cùng mục tiêu đưa đất nước vượt qua khủng hoảng khi nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái năm thứ ba liên tiếp. Nỗ lực xóa bỏ các rào cản tăng trưởng, tân Thủ tướng mau chóng đưa ra các biện pháp cơ bản như giảm thuế doanh nghiệp, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thúc đẩy khởi nghiệp, xem xét bãi bỏ luật thẩm định chuỗi cung ứng gây tranh cãi, cũng như đơn giản hóa các quy định trong mọi lĩnh vực…

Một trong những chính sách nhận được sự quan tâm nhất liên quan siết chặt kiểm soát biên giới. Vài giờ sau khi “ngồi vào ghế nóng”, tân Bộ trưởng Nội vụ Đức Alexander Dobrindt, người vốn được biết đến với lập trường cứng rắn về nhập cư, đã ra lệnh tăng cường kiểm soát biên giới, từ chối đơn xin tị nạn tại cửa khẩu và tăng cường phối hợp các nước láng giềng châu Âu đối phó làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Chỉ trong một tuần áp dụng các biện pháp nêu trên, số hồ sơ tị nạn bị từ chối đã tăng gần 50%.

Dẫu vẫn vấp phải những chỉ trích từ đối tác liên minh SPD rằng các biện pháp này tiềm ẩn rủi ro vì các nước láng giềng châu Âu có thể từ bỏ tiến trình cải cách tị nạn chung của khối và chỉ dựa vào các biện pháp quốc gia, hay thậm chí là phản đối từ Nghị viện châu Âu, thì liên minh CDU/CSU vẫn bày tỏ hài lòng với kết quả đạt được khi nhấn mạnh, Đức không còn là “thỏi nam châm” thu hút người di cư ở châu Âu.

Về đối ngoại, Thủ tướng Friedrich Merz vẫn đang nỗ lực khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Đức trên trường quốc tế, từ việc cài đặt lại mối quan hệ với Pháp vốn đã bị suy yếu trong những năm gần đây, thông qua cuộc đàm phán với Tổng thống Emmanuel Macron, đến chuyến thăm tới Ba Lan mang tính biểu tượng và đặt nền móng cho giai đoạn mới trong quan hệ hai nước.

Về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, người đứng đầu Chính phủ Đức nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ với Washington và tái khẳng định cam kết của Berlin đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh sự trở lại Nhà trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump mang đến không ít xáo trộn cho quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Hai cú sốc bên ngoài, một đến từ xung đột ở Ukraine, một đến từ những thay đổi trong lập trường của Mỹ đối với hợp tác cùng Liên minh châu Âu (EU) cả về thương mại lẫn quốc phòng, đã buộc Berlin cân nhắc về toàn bộ “tư thế chiến lược” của quốc gia. Những gì mà chính phủ Thủ tướng Friedrich Merz thể hiện vừa qua được đánh giá là lời khẳng định mạnh mẽ rằng, châu Âu phải đảm nhận nhiều hơn trách nhiệm về quốc phòng của chính mình, và rằng Đức, với quy mô và năng lực kinh tế, không thể xa rời vai trò lãnh đạo. Quyết tâm này cũng từng được nhấn mạnh trong lời kêu gọi của ông Friedrich Merz rằng, Đức phải chuyển từ một cường quốc tầm trung “đang ngủ quên” thành một cường quốc tầm trung hàng đầu.