Bộ Truyền thông và Các vấn đề kỹ thuật số Indonesia (Komdigi) vừa chính thức thành lập một lực lượng đặc biệt bảo vệ trẻ em trong không gian số, với nhiệm vụ giám sát và xây dựng các quy định nhằm hạn chế các nội dung độc hại trên internet. Lực lượng này bắt đầu hoạt động từ ngày 3/2 theo sắc lệnh do Bộ trưởng Truyền thông và Các vấn đề kỹ thuật số, bà Meutya Hafid, ký trước đó một ngày.
Theo The Straits Times, lực lượng này gồm đại diện từ các bộ, tổ chức bảo vệ trẻ em, tổ chức khoa học và các chuyên gia tâm lý khác nhau. Mục tiêu của lực lượng này tập trung vào ba yếu tố chính: Tăng cường giám sát của chính phủ đối với những hoạt động kỹ thuật số của trẻ em, nâng cao nhận thức về rủi ro của việc sử dụng mạng xã hội và giải quyết nội dung độc hại nhắm vào trẻ em. Quy định dự kiến bao gồm giới hạn độ tuổi đối với quyền truy cập mạng xã hội, một động thái mà Bộ trưởng Hafid nhấn mạnh là rất quan trọng để bảo vệ trẻ em khỏi một loạt các mối nguy hiểm hiện diện trên không gian số. Những mối nguy hiểm bao gồm tiếp xúc với nội dung khiêu dâm, cờ bạc trực tuyến, bắt nạt, bạo lực tình dục... Đây cũng là những vấn đề ngày một gia tăng trong môi trường trực tuyến của Indonesia.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã đặt ra thời hạn hai tháng cho lực lượng nói trên để hoàn thành quy định nhằm hạn chế quyền truy cập của trẻ em vào mạng xã hội và bảo đảm an toàn trực tuyến của chúng. Trước đó, ông Subianto cũng chỉ thị Bộ Truyền thông và Các vấn đề kỹ thuật số khẩn trương đưa ra các quy định về bảo vệ trẻ em trong không gian số càng sớm càng tốt.
CNA cho hay, tỷ lệ tiếp cận internet của Indonesia đã tăng đáng kể trong năm 2024, với 79,5% dân số truy cập mạng. Trong đó, tỷ lệ này ở thanh, thiếu niên lần lượt là 87% thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) và 48% trẻ em sinh sau năm 2013. Việc tiếp cận rộng rãi các nền tảng kỹ thuật số đã tạo ra nhu cầu cấp thiết để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung trực tuyến có hại. Theo Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), Indonesia đứng thứ tư trên thế giới về khả năng tiếp cận tài liệu khiêu dâm, với hơn năm triệu trường hợp khiêu dâm liên quan trẻ em được báo cáo chỉ trong bốn năm qua.
Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc thành lập lực lượng nói trên, nhấn mạnh tác động có hại của việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông xã hội đối với sức khỏe nhận thức và cảm xúc của trẻ em. Bộ trưởng Sadikin chỉ ra rằng nghiện mạng xã hội có thể cản trở sự phát triển vận động của trẻ em và góp phần gia tăng các hành vi bạo lực. Ông cũng lưu ý việc sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến chậm phát triển, đặc biệt là suy giảm ngôn ngữ, vì trẻ em dành nhiều thời gian trên thiết bị điện tử hơn là tương tác xã hội với bạn bè cùng trang lứa.
Nhằm phát huy cao nhất vai trò của lực lượng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bà Hafid cho biết, đang hợp tác chặt chẽ với các bộ khác của chính phủ, bao gồm Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em, Bộ Giáo dục và Bộ Tôn giáo. Bằng cách thu hút sự tham gia của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, chính phủ đặt mục tiêu tạo ra một quy định có thể giải quyết cả khía cạnh về kỹ thuật cũng như tâm lý để bảo đảm an toàn của trẻ em trong thế giới kỹ thuật số.
Những nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn hơn cho trẻ em, nâng cao nhận thức về những rủi ro liên quan các nền tảng trực tuyến và cam kết bảo vệ thế hệ trẻ khỏi bị tổn hại. Việc thành lập lực lượng nói trên cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm hạnh phúc của trẻ em Indonesia trong thời đại phát triển của kỹ thuật số.