Sẵn sàng kịch bản thích ứng với bối cảnh mới

Trước những diễn biến khó lường của thương mại toàn cầu, Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, chủ động điều chỉnh cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng như kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khi cần. Đây là nhận định được PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ trong cuộc trao đổi với Nhân Dân cuối tuần.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp xuất khẩu mong được hỗ trợ kịp thời trước những tác động từ việc thay đổi chính sách thuế quan của các quốc gia nhập khẩu. Ảnh: HOÀNG ANH
Doanh nghiệp xuất khẩu mong được hỗ trợ kịp thời trước những tác động từ việc thay đổi chính sách thuế quan của các quốc gia nhập khẩu. Ảnh: HOÀNG ANH

- Các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam, như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, liên tục đưa ra cảnh báo về thay đổi chính sách thuế quan nhằm bảo vệ thị trường và nền sản xuất bản địa. Ở góc độ nghiên cứu sâu, ông nghĩ sao về những động thái này?

- Việc Mỹ đang rà soát lại danh mục hàng nhập khẩu từ các nước có thể là một cách thử phản ứng của các đối tác thương mại. Trên thực tế, việc xảy ra một cuộc chiến thương mại hay chủ nghĩa bảo hộ mới chỉ là khả năng! Ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra, tức là Mỹ chính thức áp dụng các mức thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, thực tế tác động cũng sẽ chỉ xảy ra cục bộ ở một số thị trường.

Nếu Việt Nam lựa chọn được cơ cấu mặt hàng phù hợp, tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn và đáp ứng nhu cầu thật sự từ thị trường nhập khẩu, thì tác động của các mức thuế sẽ không quá lớn. Ngược lại, chính việc áp thuế cao đối với các sản phẩm từ những quốc gia khác đôi khi lại tạo cơ hội cho hàng Việt Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy bất định và các rào cản bảo hộ ngày càng siết chặt, nguy cơ áp thuế là điều khó tránh khỏi, chỉ là mức thuế cao hay thấp mà thôi. Kèm theo đó có thể là các quy định mới về hàng rào kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát thải ròng bằng không, cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM)… Vì vậy, việc lập ra các đề án ứng phó, chuẩn bị sẵn kịch bản để thích nghi và chủ động điều chỉnh cơ cấu mặt hàng là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục duy trì, củng cố mối quan hệ với các đối tác nhập khẩu quan trọng, như Liên minh châu Âu, Trung Quốc. Cùng với đó, chúng ta cần sắp xếp, điều chỉnh về cơ cấu mặt hàng, tổ chức lại chuỗi cung ứng một cách phù hợp trong điều kiện có thuế. Nhìn từ góc độ lạc quan, khi Việt Nam không bị đánh thuế hay chỉ bị đánh thuế một phần nhưng lại thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước sở tại, đó sẽ là một lợi thế giúp hàng Việt Nam có vị thế tốt hơn trên thị trường quốc tế.

- Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy xuất khẩu gia tăng giá trị?

- Kinh nghiệm từ những năm trước, đặc biệt là trong 15 năm gần đây cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí vượt xa kỳ vọng. Đơn cử, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 786,29 tỷ USD, tăng 15,4%. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 406 tỷ USD, tăng 14,3%.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã được phê duyệt cũng thể hiện rõ tầm nhìn, định hướng tận dụng tối đa độ mở của nền kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu. Năm 2025, ngành Công thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 12% so năm trước. Nhờ khả năng tiếp nhận nhiều nguồn lực từ bên ngoài, tôi tin rằng, độ mở của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng do chính phủ đang tiếp tục tăng cường đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời gắn kết chặt chẽ nhập khẩu theo một tỷ lệ tương xứng.

Song, Việt Nam cần duy trì các thị trường hiện có và phát triển sâu hơn nữa. Thí dụ như Trung Quốc, mặc dù là quốc gia láng giềng nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn rất khiêm tốn so chiều ngược lại. Thị trường ASEAN cũng là nơi chúng ta đang cạnh tranh với nhiều nước có hàng hóa tương tự. Việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm một thị phần quá nhỏ tại các thị trường khác, như Trung Đông, châu Phi hay thậm chí là Liên minh châu Âu, cũng cho thấy tiềm năng và cơ hội tăng trưởng xuất khẩu còn nhiều dư địa.

- Để bảo đảm dòng chảy xuất khẩu luôn thông suốt, Việt Nam cần điều chỉnh những gì trong chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng như cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện môi trường kinh doanh, thưa ông?

- Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay, có thể dự báo trước hai tác động chính mà hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối diện. Thứ nhất, có nguy cơ bị đánh thuế cao hơn tại các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu. Thứ hai, hàng rào kỹ thuật mà các nước dựng lên sẽ ngày càng chặt chẽ hơn. Cả hai yếu tố này đều khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên đáng kể, gây áp lực không nhỏ đến năng lực cạnh tranh.

Trước hết, về phía Nhà nước, cần có những chính sách hữu hiệu, kịp thời, mang tính linh hoạt để ứng phó tình hình. Tuy không phải lúc nào cũng cần hỗ trợ, nhưng nếu doanh nghiệp bị tác động trực tiếp thì sự hỗ trợ phải đến đúng thời điểm. Các biện pháp có thể bao gồm việc miễn, giảm hoặc hoãn thuế xuất nhập khẩu trong ngắn hạn; hỗ trợ tín dụng, điều chỉnh lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hoặc thậm chí thành lập một quỹ hỗ trợ rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu chịu tác động mạnh từ chính sách bảo hộ của nước ngoài. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ mang tính ngắn hạn.

Về dài hạn, điều quan trọng nhất là giúp doanh nghiệp chủ động thích nghi với các tiêu chuẩn mới, từ xanh hóa sản xuất, giảm phát thải carbon, đến chuyển đổi số và tối ưu chuỗi cung ứng… Nhà nước cần tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin, dịch vụ hải quan, chính sách thuế, cũng như hỗ trợ đào tạo về tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Ngược lại, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị từ nội tại, không thể chỉ mãi trông chờ vào chính sách hỗ trợ. Việc nâng cao năng suất lao động, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, và đặc biệt là có quỹ dự phòng rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp chống chịu tốt hơn trước những biến động khó lường, biến rủi ro thành cơ hội để thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.

- Theo ông, chúng ta có cần cập nhật, bổ sung một số ngành, lĩnh vực đang và sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới vào chiến lược xuất khẩu quốc gia, như một trong những điều kiện giúp tăng tốc xuất khẩu và thậm chí đưa Việt Nam đạt đến thứ hạng cao trong một số ngành, lĩnh vực?

- Chắc chắn là cần! Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi mạnh mẽ, không theo kịp xu hướng đồng nghĩa với việc chúng ta tự đặt mình vào thế bị động và có nguy cơ tụt hậu.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Hiện nay, kênh bán hàng trực tuyến đã trở thành công cụ quan trọng trong thương mại quốc tế nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng này. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, đưa hàng hóa lên các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu.

Muốn giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và thậm chí vươn lên dẫn đầu trong một số lĩnh vực, Chính phủ cần có chiến lược điều chỉnh linh hoạt, bám sát các xu hướng toàn cầu để đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cần sẵn sàng thay đổi, chủ động đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Theo tôi, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt và chủ động nắm bắt xu hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu như kỳ vọng trong năm 2025, bất chấp những biến động từ thị trường quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Sẵn sàng kịch bản thích ứng với bối cảnh mới ảnh 1
PGS, TS Nguyễn Thường Lạng

Theo thông lệ, để chỉ số GDP tăng trưởng 1%, đòi hỏi chỉ số tăng trưởng xuất khẩu cần tăng khoảng 2,5 lần. Muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cần đạt từ 960-1.000 tỷ USD vào thời điểm hết năm 2025”.

PGS, TS Nguyễn Thường Lạng