Số hóa hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng

Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng Sở Khoa học và Công nghệ thành phố vừa giới thiệu website “Chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng” sau 5 năm triển khai. Trang web không chỉ số hóa hơn 3.000 bức chân dung trong dự án “Hành trình nét thời gian” do họa sĩ Đặng Ái Việt thực hiện từ năm 2010 đến nay mà còn cung cấp nhiều hình ảnh, tư liệu giúp người xem hiểu hơn về chặng đường đặc biệt này.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Đặng Ái Việt trong một chương trình giao lưu tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Họa sĩ Đặng Ái Việt trong một chương trình giao lưu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cách đây gần sáu năm, anh Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố cùng hai cộng sự đến nhà họa sĩ Đặng Ái Việt đề xuất số hóa toàn bộ tranh về Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Nữ họa sĩ nói: “Tôi không có tiền đâu”. Bà nói câu đó từ đầu vì nghĩ rằng việc xử lý một kho tranh đồ sộ như thế bằng công nghệ hiện đại, ai đi làm miễn phí. “Chúng tôi liền nói với cô làm công trình này không phải vì tiền. Sau một thời gian trao đổi cùng nhau, chúng tôi nhận được cái gật đầu. Tới bây giờ, chúng tôi đã đồng hành với họa sĩ Đặng Ái Việt suốt nhiều năm liền và số hóa khoảng 3.000 tác phẩm cũng như là các tư liệu về hành trình của cô. Đến đâu vẽ, xong việc, cô đều nhắn tin và gửi tranh về. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi số hóa tranh, xác định vị trí của tác giả, bổ sung thông tin cho bài đăng đầy đặn hơn và đưa lên trang web”, anh Phương kể lại.

Nữ họa sĩ 77 tuổi trải lòng: “Tôi vẽ tranh mầu nước bằng kỹ thuật truyền thống. Tranh này giữ cao lắm cũng chỉ vài chục năm. Vậy nên tôi luôn đau đáu tìm cách tăng tuổi thọ cho từng bức vẽ để thế hệ sau có thêm cơ hội được ngắm nhìn các bà, các mẹ với tất cả sự biết ơn. Điều tôi lo lắng bấy lâu cuối cùng cũng tìm được giải pháp khắc phục. Giờ có thêm kênh chia sẻ, hỏi sao không hạnh phúc”.

Họa sĩ cho biết, bên cạnh việc cung cấp số tranh ban đầu cho đơn vị số hóa, về sau, đi đến đâu vẽ tranh, vừa hoàn tất, bà đều gói ghém cẩn thận rồi gửi về Thành phố Hồ Chí Minh theo đường bưu điện. Nhiều nơi, thấy ngoài bao thư ghi “Tranh vẽ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đều không tính cước phí khiến nữ họa sĩ xúc động. Trên hành trình đến 63 tỉnh, thành phố thực hiện dự án suốt mười mấy năm qua, bà gặp rất nhiều tấm lòng mong muốn cùng lan tỏa hình ảnh đẹp của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đến thế hệ hôm nay.