Nhạc sĩ vẫn điềm đạm, tiếp tôi trong căn phòng treo nhiều bức ảnh kỷ niệm thời ở nước ngoài, ảnh chỉ huy dàn nhạc. Từ ngay nghỉ hưu, thời gian, tuổi tác, ông thay đổi nhiều, gầy, đi đứng chậm chạp, riêng khuôn mặt hiền từ luôn nở nụ cười thân thiện. Nhìn ông, tôi nhớ kỷ niệm những năm ông chỉ huy dàn nhạc tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương với phong cách chỉ huy điêu luyện; nhớ hình ảnh người nhạc trưởng trên sân khấu vườn hoa Chí Linh vào những dịp ngày lễ lớn đất nước.
Ông kể, từ ngày 10/3/1975, ngày nào cũng chờ đợi tin thắng trận trên sóng phát thanh. Theo các chiến thắng Buôn Mê Thuột, rồi Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… Đà Nẵng…, những ý tưởng, nốt nhạc hình thành. Đêm 24/4/1975 trời chuyển gió, đặt bút viết nốt nhạc đầu tiên, ông nghĩ đến Bác Hồ, đến ước vọng lớn lao được vào thăm đồng bào miền nam trong ngày thống nhất. Cũng tại Sài Gòn, năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước…
Rồi bài hát “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” (thơ Đăng Trung, nhạc Cao Việt Bách) qua giọng hát ca sĩ Kiều Hưng, âm nhạc của dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, do nhạc sĩ Cao Việt Bách chỉ huy đã vang lên khắp mọi miền, khi cả nước đón chào giờ phút linh thiêng trong ngày 30/4/1975 lịch sử - ngày thống nhất của dân tộc Việt Nam. Ca từ thiết tha, nhiều ngày sau đó vang khắp Sài Gòn giải phóng, vang mãi đến tận bây giờ: “Từ thành phố này Người đã ra đi/Bao năm ước mong đón Bác trở về/Trong chiến dịch này Bác đã cùng về với những đoàn quân/Bác vẫn đến từng nhà thăm các cụ già cầm tay chúng con/Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn…”.
Nhạc sĩ Cao Việt Bách sinh ngày 10/10/1940 tại thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông là người hoạt động cách mạng rất sớm. Tỉnh ủy viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động bí mật, bị thực dân Pháp bắt trong một trận càn, bị xử tử hình. Năm 1952 , trong một đêm mưa gió, ông được nhóm cán bộ về làng đưa lên chiến khu Việt Bắc cùng hơn 10 thiếu niên “hạt giống đỏ”, sau được đưa sang học ở Lư Sơn, rồi đến Quế Lâm cùng các bạn học sinh Việt Nam do Bác Hồ gửi sang Trung Quốc. Những năm tháng đó, ông là người học giỏi, tiếp thu nhanh.
Năm 1954, ông được học trường thiếu nhi Việt Nam ở Moskva (Liên Xô trước kia). Ông tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc. Sau khi học hết chương trình phổ thông nước bạn, năm 1959 ông thi vào học Khoa chỉ huy hợp xướng ở nhạc viện Gnesin của Moskva. Tại đây, ông miệt mài nghiên cứu, sưu tầm qua thư viện về lý luận và sáng tác… Năm 1962 , tốt nghiệp loại ưu và trở về nước, ông được phân công chỉ huy dàn nhạc Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam). Đến năm 1969 , ông chuyển sang chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.