Phố xưa quý giá và mong manh
Di sản đô thị không chỉ là những công trình cổ kính, mà còn bao gồm phong tục, tập quán, không gian sinh hoạt cộng đồng và cả ký ức sống của cư dân qua nhiều thế hệ. Tại Việt Nam, phố cổ Hà Nội, đô thị cổ Hội An, cố đô Huế hay khu di tích Hoa Lư… là minh chứng sống động cho chiều sâu lịch sử - văn hóa đô thị.
Các di sản này còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Riêng trong năm 2024, Hội An đã thu hút hơn 4,4 triệu lượt khách, trong đó hơn 3,5 triệu là khách quốc tế. Trước đó, trong danh sách 10 thành phố hàng đầu châu Á của Giải thưởng Travel+Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, Việt Nam có hai đại diện là Hà Nội và Huế lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và 8…
Tuy nhiên, các di sản đô thị cũng đối mặt với nguy cơ mai một. Phố cổ Hà Nội từng được xem là biểu tượng văn hóa Thăng Long, nhưng nay nhiều ngôi nhà cổ đã bị cải tạo sai nguyên bản, trở thành quán cà-phê, khách sạn, làm mất đi không gian nguyên sơ và tính lịch sử của khu vực. Áp lực từ phát triển du lịch đại trà cũng khiến một số di sản rơi vào tình trạng bị “du lịch hóa” quá mức, dẫn đến biến dạng giá trị gốc.
Báo chí, hơn cả việc truyền tin
Cùng với việc kêu gọi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, báo chí cũng cần phát huy vai trò của cơ quan ngôn luận trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị. Với thế mạnh về ngôn từ, hình ảnh và khả năng kết nối công chúng, báo chí có thể kể lại những câu chuyện lịch sử - văn hóa một cách sống động, gần gũi.
Là phương tiện thông tin, báo chí còn truyền cảm hứng và dẫn dắt dư luận. Vai trò của báo chí càng trở nên cấp thiết khi những giá trị đô thị đang bị xâm lấn và ký ức tập thể đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều tuyến bài trên báo chí đã khai thác sâu về đời sống trong khu phố cổ, về những nghệ nhân gìn giữ nghề truyền thống, hay những câu chuyện di sản giữa lòng thành phố hiện đại. Những bài viết này không chỉ cung cấp thông tin mà còn khơi gợi cảm xúc, tạo ra sự đồng cảm, đặc biệt là từ phía người trẻ. Chính từ những dòng chữ, bức ảnh, thước phim được đăng tải, công chúng có thể hình dung rõ hơn về giá trị và vẻ đẹp của di sản đô thị, từ đó góp phần hình thành ý thức bảo tồn trong cộng đồng.
Báo chí cũng là một trong những lực lượng phản biện xã hội hiệu quả. Những bài viết điều tra, phân tích về tình trạng xuống cấp của các di sản, về các dự án xâm lấn không gian di sản, hay việc cải tạo làm biến dạng công trình cổ... đã tạo nên sức ép dư luận đáng kể, buộc các cơ quan quản lý phải xem xét lại chính sách hoặc đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời. Một số cơ quan báo chí còn chủ động tổ chức diễn đàn, tọa đàm, phỏng vấn chuyên gia để cùng kiến nghị chính sách phù hợp cho công tác bảo tồn.
Mặt khác, báo chí còn là nguồn cảm hứng để khơi gợi sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa. Các nhà làm phim, đạo diễn sân khấu, nhà thiết kế thời trang, họa sĩ... đều có thể bắt đầu ý tưởng từ một câu chuyện về ngôi nhà cổ, một phiên chợ truyền thống, hay một lễ hội dân gian được tái hiện thông qua báo chí.
Học gì từ báo chí quốc tế?
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, báo chí có thể là chất xúc tác quan trọng cho sự phục hưng di sản đô thị. Tại Mỹ, tờ The New York Times đã thực hiện loạt bài về khu Harlem - nơi gắn bó với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, qua đó tái hiện lịch sử, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật và cả những nỗ lực bảo tồn cộng đồng. Các bài viết này góp phần làm sống lại giá trị lịch sử của khu vực, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động bảo tồn. Tại Pháp, báo Le Monde hợp tác với Quỹ Bảo tồn Lịch sử Quốc gia để đăng tải các chuyên mục về di sản Paris. Các bài viết đã tập trung phân tích các mô hình cải tạo thích ứng, vai trò của nhà đầu tư tư nhân, chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý di sản... nên có giá trị tham khảo lớn trong việc hoạch định chính sách.
Tại khu vực châu Á có thể kể đến tờ The Korea Herald (Hàn Quốc) đã nhiều năm theo đuổi đề tài về đô thị cổ Hanok từ góc độ văn hóa, kiến trúc, đến kinh tế du lịch. Sự kiên trì trong công tác truyền thông này giúp hình thành nhận thức trong xã hội, nâng cao giá trị vật chất và tinh thần của di sản, đồng thời tạo nguồn thu đáng kể cho cộng đồng sở tại. Ở Singapore, The Straits Times góp phần quảng bá và kết nối các khu di sản như Chinatown, Little India với không gian sáng tạo đương đại.
Với báo chí Việt Nam, những bài học trên đây càng thiết thực trong bối cảnh nhiều đô thị đang loay hoay trước bài toán khó giữa việc bảo tồn và phát triển. Thực tế đòi hỏi báo chí cần có những tuyến bài dài hơi, chuyên sâu, được đầu tư nghiêm túc về tư liệu, nhân vật, số liệu và hình thức thể hiện. Việc hợp tác với các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quy hoạch, chuyên gia kiến trúc, cộng đồng cư dân tại chỗ sẽ tạo nên các sản phẩm báo chí vừa sâu sắc, vừa gắn bó với thực tiễn.
Việc lan tỏa nội dung qua mạng xã hội, đặc biệt là những nền tảng phổ biến với giới trẻ như TikTok, YouTube Shorts, Instagram Reels... cũng cần được tính đến, để di sản không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà phải thật sự trở thành chất liệu sống động của hiện tại và tương lai. Trong một thế giới đang không ngừng chuyển động, báo chí cần được xem là phương cách hữu hiệu để gìn giữ ký ức lịch sử.
Bên cạnh đó, báo chí cần khai thác tối đa lợi thế công nghệ để kể chuyện di sản bằng hình thức đa phương tiện. Những bài longform, video tài liệu, ảnh 360 độ, bản đồ tương tác hay các tuyến bài chuyên đề phát hành song ngữ có thể đưa di sản đô thị Việt Nam ra thế giới.