Thăng hoa cùng “kịch sinh viên”

M ới đây, tại hội trường tầng 8 Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đêm kịch Khoa Văn mở rộng lần thứ 15 đã thăng hoa cùng với chủ đề “Chuyện xưa chưa kể”. Đây là sự kiện thường niên do Liên chi Đoàn - Liên chi Hội sinh viên Khoa Văn học tổ chức. Năm nay, các bạn sinh viên cải biên truyện cổ tích Việt Nam và thế giới, tái hiện và diễn giải lại những lớp lang văn hóa từ góc nhìn đương đại.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh diễn trong vở “Tấm Cám”.
Cảnh diễn trong vở “Tấm Cám”.

Sự kiện mở màn với vở diễn “Chuyện người gieo mầm xanh” (cải biên từ “Sự tích dưa hấu”), đưa khán giả vào giấc mơ kỳ lạ của Mai An Tiêm về một cuộc sống đầy lòng tham… NSƯT Nguyệt Hằng đánh giá: “Các bạn hiểu được ý nghĩa sâu sắc của thông điệp, điều đó giúp vở kịch này giữ được tinh thần gốc”.

Những câu chuyện khác nhau từ các đội kịch lại đưa người xem đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. “Sự tích hoa cúc trắng” nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tỏa sáng vẻ đẹp của lòng hiếu thảo. Hành trình một cô bé vượt qua thử thách để cứu mẹ khiến NSƯT Thu Quỳnh xúc động: “Vở diễn lấy đi của tôi cả tiếng cười lẫn nước mắt”.

Điều thú vị là trong mỗi vở diễn, sự hòa trộn giữa cái cũ và cái mới khiến người xem cảm nhận được sự phức tạp của tình yêu, gia đình và xã hội. Vở “Ngày xửa ngày xưa ở Binnorie” là một thí dụ khi câu chuyện xung đột gia đình được khai thác theo phong cách hiện đại, làm nổi bật bản sắc và những mâu thuẫn của các nhân vật, và của chính thời cuộc. PGS, TS Hoàng Cẩm Giang nhận định: “Ta phải day dứt, suy tư nhiều hơn về cuộc sống. Các em đã rất táo bạo trong việc xây dựng đời sống tâm lý, khiến người xem thấu cảm”.

Và rồi, một vở diễn “bình cũ rượu mới” đúng nghĩa được thể hiện qua cái nhìn mới mẻ và sự phá cách trong vở “Tấm Cám”, càng khiến đêm kịch thêm phần thú vị. Đây không còn là câu chuyện đơn giản về thiện và ác, mà là sự phức tạp của những mối quan hệ xã hội, khi những nhân vật quen thuộc trong câu chuyện dân gian bỗng trở nên mơ hồ, khó phân biệt đúng sai. Khép lại đêm diễn là “Sắc trầu thắm - Trắng lòng người”. Một bản trường ca bi tráng về thân phận con người giữa chiến tranh và định kiến, kết tinh tinh thần cổ tích nhưng lại truyền đi thông điệp mạnh mẽ về bất công xã hội.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, người đồng hành cùng Đêm kịch Khoa Văn suốt 17 năm xúc động: “Tôi thực sự tự hào khi chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ của Đêm kịch Khoa Văn qua từng mùa. Hy vọng đây sẽ tiếp tục là một “ngọn lửa nhỏ” lan tỏa tình yêu văn chương, nghệ thuật sân khấu, đồng thời là không gian kết nối giữa nhà trường, sinh viên và cộng đồng yêu nghệ thuật”.