Thời khắc lịch sử

Rất nhiều sự kiện đang ở những thời điểm bước ngoặt quyết định thành bại, đòi hỏi các bên liên quan phải tìm được tiếng nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột tàn phá nặng nề nhiều vùng trên đất nước Ukraine.
Xung đột tàn phá nặng nề nhiều vùng trên đất nước Ukraine.

1 Tại cuộc họp thứ tư của “Liên minh quốc tế thực hiện giải pháp hai nhà nước” do Ai Cập đăng cai tổ chức, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty đã nhắc lại lập trường: Kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng bức di dời người Palestine- quan điểm được thế giới Arab và cộng đồng quốc tế ủng hộ. Chính phủ Ai Cập chống mọi kế hoạch cưỡng bức người Palestine khỏi vùng đất lịch sử của họ, vì đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế cũng như các nghị quyết của Liên hợp quốc, đe dọa gây mất ổn định khu vực. Ai Cập cùng với Qatar và Mỹ đóng vai trò then chốt trong việc làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn Gaza.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra đề xuất tiếp quản Gaza và di dời toàn bộ người dân Palestine, các nước Arab phản đối quyết liệt. Họ khẳng định: Giải pháp hai nhà nước - bao gồm việc thành lập nhà nước Palestine độc lập trên toàn bộ các vùng lãnh thổ của người dân Palestine, trong đó có Bờ Tây và Dải Gaza với Đông Jerusalem là thủ đô - là con đường duy nhất để đạt được nền hòa bình toàn diện và lâu dài tại Trung Đông. Hội nghị thượng đỉnh Arab đã chuyển từ ngày 20/2 sang ngày 21/2, để mở rộng thêm sáu quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh thảo luận các giải pháp thay thế đối với kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Dải Gaza.

2 Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng hạt nhân, đồng thời cho rằng kế hoạch phi hạt nhân hóa của Mỹ và các đồng minh là bất khả thi. Tuyên bố trên được đưa ra để phản ứng với tuyên bố chung gần đây của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó tái khẳng định mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc thông báo nước này đã triển khai một tên lửa phá boong-ke tự phát triển mới, có khả năng tấn công các mục tiêu dưới lòng đất, với tầm bắn 180 km. Hàn Quốc triển khai tên lửa sau khi Triều Tiên thông báo đã bố trí nhiều khẩu đội pháo tầm xa trong phạm vi có thể tấn công khu vực thủ đô Hàn Quốc.

Thời khắc lịch sử ảnh 1
WHO lo ngại bùng phát dịch đậu mùa khỉ.

3 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh “bây giờ hoặc không bao giờ” để đạt được thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt về việc ứng phó với các đại dịch trong tương lai, bất chấp việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán. Phát biểu khai mạc vòng đàm phán thứ 13 tại trụ sở chính của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus khẳng định: “Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, tiến tới hoàn thiện thỏa thuận ứng phó đại dịch kịp thời cho Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5 tới”.

Tổng Giám đốc WHO kêu gọi khẩn trương đàm phán thỏa thuận ứng phó với đại dịch tương lai, đồng thời nhấn mạnh không quốc gia nào có thể tự bảo vệ mình khỏi đại dịch tiếp theo. Ông lưu ý rằng, đại dịch tiếp theo chỉ là vấn đề thời gian, đồng thời cảnh báo bùng phát dịch bệnh như Ebola, Marburg, sởi, đậu mùa khỉ, cúm… Vào tháng 12/2021, các quốc gia thành viên WHO đã quyết định soạn thảo một thỏa thuận mới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Dù phần lớn văn bản dự thảo đã được nhất trí, nhưng vẫn còn bất đồng về một số điều khoản chính, như chia sẻ công bằng vaccine, phương pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị...