1. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết: Algeria đã yêu cầu 12 nhân viên Đại sứ quán Pháp rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ, động thái liên quan đến việc bắt giữ ba công dân Algeria tại Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp yêu cầu chính quyền Algeria từ bỏ các biện pháp trục xuất này, đe dọa sẽ đáp trả ngay lập tức.
Căng thẳng lại bùng phát trong quan hệ giữa Algeria và Pháp, sau khi Algeria kịch liệt phản đối quyết định của cơ quan tư pháp Pháp tạm giữ một cán bộ lãnh sự Algeria tại Pháp để phục vụ điều tra trước khi xét xử. Người này bị cáo buộc có liên quan vụ bắt cóc một công dân Algeria trên lãnh thổ Pháp. Bộ Ngoại giao Algeria gọi hành động tư pháp của Pháp là “chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước”, cho rằng đây là động thái nhằm cản trở nỗ lực hàn gắn quan hệ song phương, vốn đã nhiều lần rơi vào trạng thái căng thẳng trong thời gian gần đây.
2. Bộ Quốc phòng Israel cảnh báo: Nếu phong trào Hamas từ chối thỏa thuận trao đổi con tin, Israel sẽ tăng cường oanh kích Dải Gaza. Cảnh báo trên nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của Hamas về việc phong trào này sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào không dẫn đến việc chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột ở Gaza, cũng như không hướng tới việc thành lập nhà nước Palestine. Hamas cũng cáo buộc Israel tìm cách thu hẹp các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra thành một cuộc trao đổi tù nhân có giới hạn.
Trong khi đó, hơn 250 cựu quan chức Cơ quan tình báo Mossad của Israel đã ký một bức thư kêu gọi Chính phủ nước này ngay lập tức chấm dứt các hoạt động quân sự ở Dải Gaza và giải thoát các con tin Israel vẫn bị giam giữ ở đó. Theo nội dung bức thư, việc tiếp tục giao tranh sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của các con tin và binh lính Israel. Họ kêu gọi chính phủ đưa ra những quyết định và hành động có trách nhiệm vì an ninh của đất nước. Sau khi Israel nối lại các cuộc không kích và hoạt động trên bộ ở Dải Gaza vào ngày 18/3, ít nhất 1.574 người Palestine đã thiệt mạng và 4.115 người bị thương.
3. Quốc hội Đan Mạch chuẩn bị phê chuẩn một thỏa thuận quốc phòng quan trọng đã ký với Mỹ vào tháng 12/2023, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Copenhagen và Washington đang căng thẳng. Thỏa thuận trên cấp quyền tiếp cận không hạn chế ba căn cứ quân sự của Đan Mạch cho các lực lượng Mỹ trong thời gian ban đầu là 10 năm. Tuy nhiên, kế hoạch này đang gây tranh cãi trong Quốc hội Đan Mạch, nhất là sau các tuyên bố từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sáp nhập Greenland.
Bất chấp sự phản đối ngày càng tăng, Chính phủ Đan Mạch vẫn coi việc phê chuẩn thỏa thuận trên là điều cần thiết để duy trì sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Copenhagen mong muốn duy trì liên minh chiến lược với Mỹ trong khi hy vọng Washington tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
4. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo: Căng thẳng thương mại có thể gây ra "cú sập" của thị trường chứng khoán. IMF cho rằng những biến động do các sự kiện địa chính trị gây ra có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu, làm gia tăng nguy cơ xuất hiện những khoản thua lỗ cực đoan và bất ngờ trong các danh mục đầu tư, từ đó làm tăng khả năng thị trường chứng khoán sụp đổ.
IMF khuyến nghị các tổ chức tài chính nên duy trì đủ lượng vốn và thanh khoản, để có thể ứng phó với những tổn thất tiềm ẩn từ các rủi ro địa chính trị. Nghiên cứu của IMF cho thấy, các sự kiện rủi ro lớn như chiến tranh, căng thẳng ngoại giao hay khủng bố thường đẩy giá cổ phiếu xuống trung bình 1% mỗi tháng trên phạm vi toàn cầu. Đối với các thị trường mới nổi, mức giảm trung bình lên đến 2,5%. Đáng chú ý, các cuộc xung đột quân sự quốc tế là yếu tố rủi ro nghiêm trọng nhất, khiến lợi nhuận cổ phiếu có thể giảm tới 5% mỗi tháng. IMF dự kiến sẽ công bố Báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu đầy đủ tại Hội nghị mùa Xuân với Ngân hàng Thế giới, diễn ra từ ngày 21/4.
![]() |
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang đối diện rất nhiều rủi ro. |