1 Anh đang tiến gần đến việc thiết lập một chương trình thị thực thanh niên với EU, nhằm cho phép công dân dưới 30 tuổi của hai bên cư trú và làm việc tại lãnh thổ bên kia, trong thời hạn tối đa ba năm. Đây được xem là một phần trong nỗ lực “cài đặt lại quan hệ” giữa Anh và EU thời hậu Brexit. EU đã giảm bớt một số yêu cầu về thỏa thuận “định cư thanh niên” và đổi tên thành “chương trình trải nghiệm thanh niên”.
Tại Anh, chương trình này đang nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ Công đảng và thành viên Thượng viện. Tuy nhiên, đảng Bảo thủ lo ngại rằng sáng kiến có thể bị lợi dụng, dẫn đến áp lực lên hệ thống nhập cư của nước này. Giới chức Anh kỳ vọng Thủ tướng Starmer sẽ cùng các lãnh đạo EU đưa ra một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 19/5 tới, cam kết mở đầu các cuộc đàm phán về nhiều lĩnh vực hợp tác.
2 Trong bối cảnh Mỹ và Iran đang chuẩn bị cho một cuộc đàm phán cấp cao mới dự kiến diễn ra vào ngày 3/5, nhiều nước kỳ vọng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến một thỏa thuận chính trị cân bằng, góp phần làm dịu tình hình căng thẳng tại Trung Đông. Oman đang đóng vai trò trung gian trong nỗ lực thu hẹp bất đồng giữa Iran và Mỹ nhằm thúc đẩy ổn định khu vực.
Sau vòng đàm phán cấp cao thứ ba giữa Mỹ và Iran vừa diễn ra tại Muscat (Oman), Bộ trưởng Ngoại giao Oman Badr Albusaidi nhận xét: Các nguyên tắc cốt lõi, mục tiêu và mối quan tâm kỹ thuật đều đã được giải quyết. Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi bày tỏ hài lòng về tiến trình và nhịp độ đàm phán hạt nhân với Mỹ, đồng thời cho biết cả hai bên đều thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn tồn tại bất đồng, khi vấn đề năng lực phòng thủ và tên lửa của Iran chưa được đưa ra thảo luận.
3 Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo: Những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của tình trạng bất ổn, đòi hỏi các nước cùng hợp tác, nhằm giải quyết tranh chấp thương mại kịp thời. Cảnh báo thiệt hại do bất ổn là rất lớn, theo bà Georgieva, tất cả các quốc gia nên nắm bắt thời điểm này để hạ thấp rào cản thương mại của mình, cả thuế quan và phi thuế quan.
Người đứng đầu IMF hoan nghênh các thay đổi chính sách ở Đức, Anh, Argentina. Theo bà, việc Quốc hội Đức đã phê duyệt kế hoạch tăng chi tiêu lớn, xóa bỏ chủ nghĩa bảo thủ tài chính kéo dài nhiều thập kỷ cũng như mở rộng chi tiêu quân sự sẽ có những tác động tích cực đến phần còn lại của châu Âu. Bà Georgieva cũng đề cập đến dấu ấn tích cực khi mà Argentina - “con nợ” lớn nhất của IMF (với khoản nợ hơn 40 tỷ USD) đã có khoản thặng dư ngân sách đầu tiên trong vòng 14 năm.
![]() |
Mỹ và EU thúc đẩy đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, nhằm chấm dứt chiến tranh. |
4 Điện Kremlin cho biết: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo với Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff rằng, Nga sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine mà “không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sau cuộc trao đổi với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng, Kiev đã sẵn sàng cho lệnh ngừng bắn vô điều kiện, và “Liên minh thiện chí” do Pháp và Anh dẫn đầu sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được điều đó, cũng như một nền hòa bình lâu dài ở Ukraine. Ông Macron viết trên mạng xã hội X:
“Chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine là mục tiêu chung mà chúng tôi chia sẻ với Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Theo ông Macron, nhà lãnh đạo Ukraine muốn làm việc với Mỹ và các nước châu Âu để thực hiện điều này. Trong khi đó, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá: “Công việc hướng tới thỏa thuận hòa bình chung giữa Nga và Ukraine đang diễn ra suôn sẻ”.
Hai bên xung đột chưa tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp nào kể từ năm 2022. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy khả năng nối lại đàm phán trực tiếp giữa Moskva và Kiev.