1. Phong trào Hồi giáo Hamas tuyên bố: Họ sẽ hoãn cuộc trao đổi con tin và tù nhân dự kiến vào ngày 15/2, nếu Israel không chấm dứt các hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Ngay lập tức Mỹ cảnh báo sẽ đề xuất hủy bỏ lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza, nếu tất cả các con tin bị giam giữ tại vùng lãnh thổ này không được trả tự do trước buổi trưa 15/2 tới.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng của những người bị giam giữ. Người phát ngôn OHCHR Thameen Al-Kheetan cho biết: Các hình ảnh được công bố gần đây về con tin Israel và tù nhân Palestine cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng ngược đãi và suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở cả hai phía. OHCHR kêu gọi cả Hamas và Israel cần bảo đảm đối xử nhân đạo với tất cả người bị giam giữ.
2. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch áp thuế 25% đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, nhiều nước cảnh báo: Điều này sẽ có hại cho tất cả các bên. Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức, ông Korbinian Wagner kêu gọi Mỹ ngừng áp dụng kế hoạch đánh thuế mới này. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot cho biết: Liên minh châu Âu (EU) sẽ trả đũa nếu Mỹ thực thi kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép. Chính phủ Brazil có kế hoạch áp thuế đối với các công ty công nghệ Mỹ như Amazon, Facebook và Instagram của Meta hay Google của Alphabet, sau khi Washington thực thi mức thuế mới.
Giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mọi thời đại 2.938,1 USD/ounce, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại “cơn bão thuế quan” từ Mỹ. Nhà phân tích Edward Meir thuộc hãng dịch vụ tài chính Marex đánh giá: “Cuộc chiến thuế quan rõ ràng là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao, phản ánh tình trạng bất ổn và căng thẳng leo thang của thương mại toàn cầu”. Trong khi đó, chuyên gia Phillip Streible của Quỹ Blue Line Futures dự báo: Đợt tăng mạnh lần này có khả năng là chỉ dấu cho thấy giá vàng có thể lên tới mức 3.250 USD/ounce hoặc 3.500 USD/ounce.
3. Phó Tổng Thư ký Văn phòng Chống khủng bố Liên hợp quốc Vladimir Voronkov nhận định: Nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng vẫn là mối đe dọa an ninh toàn cầu nghiêm trọng, và hợp tác đa phương là điều cần thiết để chống khủng bố hiệu quả.
Cụ thể, tại Syria, nguy cơ các kho vũ khí tiên tiến có thể rơi vào tay IS là mối quan ngại lớn. Trong khi đó, tại Afghanistan, ISIL-K, một trong những nhánh nguy hiểm nhất của IS, tiếp tục gây ra mối đe dọa đáng kể, với nguy cơ tiến hành những cuộc tấn công bên ngoài Afghanistan. Ở phía nam sa mạc Sahara, IS và các chi nhánh mở rộng các vùng lãnh thổ kiểm soát.
Khẳng định đây là mối đe dọa mà không quốc gia nào có thể đối đầu một cách đơn độc, ông Voronkov kêu gọi các quốc gia ưu tiên những phản ứng toàn diện, lâu dài nhằm chấm dứt các điều kiện thuận lợi cho khủng bố phát triển, đồng thời tăng cường pháp quyền.
![]() |
Những mục tiêu khí hậu quan trọng đối diện nguy cơ bị bỏ lỡ thời hạn. |
4. Liên hợp quốc cho biết: Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bỏ lỡ thời hạn đệ trình các mục tiêu mới về cắt giảm khí thải carbon, trong đó có cả những nền kinh tế lớn vốn đang chịu áp lực sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cụ thể, chỉ có 10 trong số 200 quốc gia tham gia Hiệp định Paris đã đưa ra kế hoạch khí hậu mới đúng hạn là vào trước ngày 10/2. Đây là các mục tiêu cắt giảm phát thải tham vọng hơn cho năm 2035, cùng với bản phác thảo kế hoạch cho việc đạt được các mục tiêu trên.
Theo Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu Simon Stiell, hành động khẩn cấp là cực kỳ quan trọng, vì lượng khí thải toàn cầu đang tiếp tục tăng mạnh trong khi đáng lẽ phải giảm một nửa vào cuối thập niên này. Liên hợp quốc đã đặt ra thời hạn mới vào tháng 9, để các quốc gia nộp mục tiêu khí hậu sửa đổi trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP30) tại Brazil vào tháng 11.