Tìm những con đường mới

Có những sự thay đổi đã diễn ra, và có cả những chân trời được mở rộng thêm, ở rất nhiều khía cạnh trong dòng chảy đời sống quốc tế tuần qua.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng người di cư bất hợp pháp vẫn tràn vào EU.
Dòng người di cư bất hợp pháp vẫn tràn vào EU.

1. Canada đã sớm có Thủ tướng mới, sau khi ông Mark Carney trở thành người đứng đầu đảng Tự do cầm quyền với số phiếu áp đảo 85,9%. Điều này đồng nghĩa với việc ông Carney sẽ kế nhiệm Thủ tướng Justin Trudeau trong vài ngày tới. Song, nhiệm kỳ của ông có thể kéo dài không lâu khi Canada buộc phải tổ chức cuộc bầu cử trước tháng 10.

Trong bài phát biểu chiến thắng trước những người ủng hộ ở Ottawa, ông Carney công bố lập trường cứng rắn, nhằm bảo vệ lợi ích của Canada trước các chính sách mới từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đề cập đến việc sáp nhập Canada, đồng thời khiến thương mại song phương - huyết mạch của nền kinh tế Canada - rơi vào hỗn loạn với hàng loạt hành động áp thuế không thể đoán trước.

2. Nhằm đối phó tình trạng di cư bất hợp pháp, Liên minh châu Âu (EU) vừa phê duyệt hệ thống quản lý xuất nhập cảnh mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ mùa thu năm nay. Hệ thống này sẽ thay thế phương pháp đóng dấu hộ chiếu truyền thống, cũng như áp dụng công nghệ sinh trắc học để kiểm soát biên giới một cách hiệu quả hơn.

Theo thỏa thuận mới, tất cả công dân ngoài EU khi đến châu Âu sẽ phải đăng ký thông tin cá nhân, bao gồm tên, số hộ chiếu và dữ liệu vân tay, ảnh… vào một hệ thống chung. Hệ thống này áp dụng cho cả các quốc gia thuộc khu vực Schengen như Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ và di cư Magnus Brunner nhấn mạnh: Hệ thống mới sẽ giúp EU có hệ thống quản lý biên giới tiên tiến nhất thế giới, cải thiện hiệu quả kiểm soát biên giới và ngăn chặn di trú bất hợp pháp.

Di trú bất hợp pháp là một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại cuộc họp của 27 Bộ trưởng Nội vụ EU vừa qua. Ủy ban châu Âu vừa đề xuất cải cách chính sách di cư - vốn được coi là “mảnh ghép còn thiếu” trong Quy định di cư của châu Âu, dự kiến có hiệu lực vào năm 2026.

3. Trả lời phỏng vấn kênh tin tức kinh doanh Fox Business, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: Mỹ muốn đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, và đã gửi thư đề nghị nối lại đàm phán với Tehran, nhằm tránh bất kỳ hành động quân sự nào. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Iran chưa sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân của Tehran.

Vào năm 2018, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1. Mỹ cũng tái áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đầu tháng 2/2025, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp khôi phục chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Iran, nhằm giảm hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này.

4. Du học ở tuổi xế chiều đang trở thành sự lựa chọn mới của nhiều phụ nữ trung niên ở Trung Quốc. Một năm sau khi nghỉ hưu, ở tuổi 56, bà Wang Xiaoxi được nhận vào học chương trình cử nhân bốn năm tại Đại học Athens, Hy Lạp, nghiên cứu về khảo cổ, văn học, lịch sử Hy Lạp cổ đại. Hành trình du học ở tuổi xế chiều của bà Wang đã thu hút sự chú ý của cộng đồng, sau khi con gái bà chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội.

Tìm những con đường mới ảnh 1
Ngày càng nhiều người già ở Trung Quốc tham gia những khóa học mà lúc trẻ họ không có điều kiện tham gia.

Bà Wang là một thí dụ về xu thế mới này ở Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều người muốn du học nước ngoài, dù tuổi đã cao. Nhiều trung tâm ngoại ngữ đã mở các chương trình du học đặc biệt nhằm vào nhóm đối tượng này. Theo thống kê, trong năm 2023, số người từ 50 tuổi trở lên chiếm 20% số thành viên tham gia các khóa du học, tăng mạnh so mức 3% trong năm 2019. Điều này cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ quan tâm đến các nhu cầu, mong muốn của bản thân, và tin rằng không bao giờ là quá muộn để làm phong phú cuộc sống của mình.