1 Chính sách thuế đối ứng của Mỹ (theo kế hoạch bắt đầu từ ngày 3/4) có thể gây ra cú sốc mới về giá và nguồn cung trong ngành ô-tô, khi Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế quan 25% đối với tất cả các phương tiện và phụ tùng ô-tô nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Mức thuế này sẽ tạo ra sự tăng giá ngay lập tức và gây hỗn loạn cho các chuỗi cung ứng, với việc mỗi chiếc xe tại Mỹ có thể tăng giá từ 10.000 đến 20.000 USD.
Theo hãng dịch vụ tài chính quốc tế uy tín JP Morgan, điều này sẽ góp phần làm gia tăng lạm phát trong năm nay, và làm giảm tăng trưởng tổng thể. Đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), các mức thuế sẽ khiến cơ quan này cảnh giác với lạm phát, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và làm tăng lãi suất vay mua xe, tạo thêm áp lực đối với người tiêu dùng.
2 Căng thẳng gia tăng giữa Đan Mạch và Mỹ, sau phát biểu gây sốc của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance liên quan đến Greenland - vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đề cập đến khả năng sáp nhập. Trong chuyến thăm Greenland mới đây, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nhận định, Copenhagen đã “không đầu tư đủ” cho Greenland.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen khẳng định: Copenhagen sẵn sàng lắng nghe những lời chỉ trích, song đây không phải là cách nói chuyện với các đồng minh gần gũi. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng lên tiếng phản đối phát biểu của Phó Tổng thống Vance, cho rằng phát biểu này không chính xác. Theo bà, việc Phó Tổng thống Mỹ đến thăm hòn đảo Bắc Cực này mà không được mời là “áp lực không thể chấp nhận được” đối với Greenland và Đan Mạch. Greenland là nơi đặt các căn cứ quân sự của cả hai nước, đồng thời sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ.
3 Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đưa ra quyết định quan trọng trong ngày 4/4 về việc Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ bị chính thức phế truất hay được phục hồi chức vụ. Phán quyết này là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ sắc lệnh thiết quân luật gây tranh cãi ban hành đầu tháng 12/2024. Nếu Tòa án Hiến pháp chấp thuận việc luận tội, Tổng thống Yoon sẽ bị cách chức ngay lập tức và Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày. Ngược lại, nếu Tòa án bác bỏ quyết định luận tội của Quốc hội, Tổng thống Yoon sẽ được phục hồi các quyền ngay lập tức.
Dù phán quyết của Tòa án Hiến pháp như thế nào, giới quan sát nhận định tình hình chính trị ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và căng thẳng. Trong những tháng qua, hàng triệu người dân đã xuống đường biểu tình ở Seoul và nhiều khu vực khác trên cả nước để thể hiện sự ủng hộ hoặc phản đối đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol. Để bảo đảm trật tự công cộng và ngăn chặn mọi hành vi phá hoại, đốt phá hoặc bạo lực có thể xảy ra sau phán quyết, cảnh sát Hàn Quốc tuyên bố sẽ huy động toàn bộ lực lượng.
4 Trận động đất 7,7 độ richter xảy ra tại Myanmar gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đã gây ra cú sốc lớn cho đất nước đang đối mặt nhiều khó khăn này. Chính quyền quân sự Myanmar thông báo quốc tang một tuần, từ ngày 31/3 đến ngày 6/4, để tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất. Hiện các nỗ lực cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương, mặc dù mốc “72 giờ vàng” đã trôi qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi viện trợ 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại Myanmar trong 30 ngày tới. WHO cho biết: Số lượng lớn nạn nhân và thương tích do chấn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao do năng lực phẫu thuật hạn chế tại quốc gia này. Thêm nữa, những điều kiện cơ bản ở Myanmar cũng có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
![]() |
Thảm họa động đất kinh hoàng tại Myanmar. |