Kỳ 1: Đòn roi hằn sâu tâm trí
Tháng 3/2025, bà Phan Thị Bé Tư, sinh năm 1948, cựu tù chính trị Côn Đảo thấy có những dấu hiệu bất thường như tức ngực, khó hô hấp. Bác sĩ kết luận phổi của bà bị tổn thương, xuất hiện những vết trai cứng do bị tác động từ rất lâu trước đó. Bà chia sẻ với bác sĩ rằng, mình từng trải qua nhiều cuộc hành hung khi bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt.
Bất tỉnh không phải quá xui xẻo…
Bà hoạt động cách mạng từ năm 1966 và bị bắt vào tháng 1/1968 khi chuẩn bị cho Tổng tiến công Mậu Thân. Trước khi bị bắt, bà từng đảm nhận vị trí Tổ trưởng Võ trang tuyên truyền, Ban Công vận T4 khu Sài Gòn - Gia Định.
Trong một buổi học quân sự chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, một số anh em không may bị bỏng, bị thương vì một đồng chí tên Nghiệp bất cẩn làm nổ kíp mìn claymore. Ông Nghiệp bị thương nặng nhất, cả 5 đầu ngón tay bị tróc hết thịt, chỉ còn trơ lại xương. Trong tình thế cấp bách, nếu đưa về căn cứ thì sợ bị lộ, nên đành cải trang để đưa vào bệnh viện đa khoa tại tỉnh Mỹ Tho.
Không may, ông bị mấy tên “chiêu hồi” phát hiện và giam giữ. Trong lúc thẩm vấn, đám điều tra viên gõ cây dùi cui vào 5 đầu ngón tay trơ xương của ông Nghiệp. Không chịu được, ông mới để lộ ra căn cứ hoạt động của Tổ Võ trang tuyên truyền ở Hòa Hưng (Sài Gòn).
Và rồi, trong lúc chuẩn bị đi phá chiếc vô tuyến màn hình lớn tuyên truyền sai lệch về cộng sản, bà Tư mới bước vào trong căn cứ. Đám quân cảnh núp sau cánh cửa, xông ra, đạp bà ngã sấp mặt xuống đất. Lục soát người bà, chúng phát hiện khẩu súng K54. Bà bị trùm đầu đưa về Cục An ninh Quân đội của địch. Khi bị ép cung, bà bịa ra ám hiệu bỏ mũ ra, rồi đội mũ vào. Có người cùng chiến tuyến thấy ám hiệu đó, mới chạy lại đưa vội cho bà cây súng và dời đi ngay tức khắc. Bà cũng không để ý rõ xem người đó là ai, đi đâu.
Vì mãi không chịu khai ra đồng đội, nên suốt nhiều ngày dài, sáng chúng đưa bà lên tra tấn, chiều lại đưa xuống phòng giam để tra tấn. Bà bị còng tay ra sau, rồi bị dạng hai chân ra, chúng cắm dây điện nối với bình ắc-quy vào vùng kín của bà. Chừng mấy giây đầu, bà Tư còn nghe tiếng văng vẳng. Không lâu sau thì ngất lịm đi. Hôm khác thì chúng đổ đầy nước vào trong cuống họng, rồi đạp vào bụng bà Tư. Lại có buổi, chúng đổ nước mắm ớt vào lỗ mũi đến khi bà bị sặc…
![]() |
Bà Lê Tú Cẩm (đứng giữa) và bà Phan Thị Bé Tư (bên cạnh) trở về thăm di tích nhà tù Côn Đảo. Ảnh: NGUYỄN Á |
Những ngày bà bị tra tấn cũng là thời điểm quân Giải phóng tiến hành cuộc Tổng tiến công Mậu Thân. Niềm thù hận dâng lên, đám ngụy quân uống rượu triền miên, để rồi những đòn đánh càng dữ dội hơn. Đôi lần còn có sự tham gia quan sát của sĩ quan Mỹ. Chúng không trực tiếp ra tay, mà lại mách cho những thế đánh hiểm hóc. Giờ nghĩ lại, bà Tư mới thấy, bị tra tấn tới bất tỉnh hóa ra không phải quá xui xẻo. Vì nếu còn tỉnh, bà e rằng, mình sẽ bất cẩn khai ra thông tin mật nào đó. Như vậy, bản thân mình không bảo toàn được khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.
Trong một lần bị treo ngược trên cao, bà Tư rơi đập đầu xuống đất, hôn mê. Chúng mới đưa bà vào Bệnh viện Chợ Quán điều trị được hơn 10 ngày, rồi đưa về Tổng nha Cảnh sát để tra tấn tiếp. Vẫn không chịu khai ra sự thật, một thời gian sau, bà bị đưa về Trung tâm cải huấn nữ tù Cộng sản Thủ Đức.
Sức yếu cũng không chịu khuất phục
Sáng hôm về đây, bọn quân cảnh bắt bà Tư chào cờ Việt Nam Cộng hòa, đả đảo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng còn dụ dỗ bà, nếu nghe lời thì gọi gia đình vào đưa bà về. Nhưng bà dõng dạc tuyên bố: “Tôi chỉ có một lá cờ Tổ quốc duy nhất”. Ý bà nói tới lá cờ 2 mầu đỏ - xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tức giận, chúng đánh đập bà cho tới trưa, rồi còng chân bà vào ghế. Nhân lúc chúng đi ăn trưa, bà nhấc ghế lên để rút còng chân ra. Bà vội chạy đi tìm cây bút, mảnh giấy để tìm mọi cách liên lạc với đồng đội ở bên ngoài về tình hình hiện tại của mình. Nghe thấy tiếng chìa khóa lẻng kẻng đập vào nhau, tiếng bước chân mỗi lúc một to hơn, bà tức tốc quay lại, nhét còng chân vào vị trí cũ. Do thái độ bất hợp tác, nguyên buổi tối hôm đó, bà bị nhốt trong căn phòng thẩm vấn ngột ngạt, nóng nực, muỗi bay vo ve.
Sáng hôm sau, bọn chúng hỏi lại có chào cờ không, bà vẫn kiên quyết không thực hiện. Chúng bèn chuyển bà vào một phòng biệt giam, chỉ hẹp bằng phòng toilet. Do phòng mới xây xong, xi-măng còn chưa khô, nên phòng rất bí bách. Đã vậy còn giam 7 người 1 phòng. Cứ chừng 1 tiếng đồng hồ là phải cởi đồ ra để vắt nước do mồ hôi chảy ra. Cả 7 người phân chia nhau ai nằm ngửa, ai nằm nghiêng. Họ phải ngủ kế bên thùng cầu bằng sành, có nắp đậy lại. Đi cầu hết một ngày, cai tù mới cho ra đổ cầu. Làm vậy để hạn chế việc các tù chính trị trao đổi thông tin với nhau. Sau đó, bà được chuyển về phòng giam rộng hơn, chứa 19 người.
Bà Lê Tú Cẩm, sinh năm 1947, là bạn tù ở Côn Đảo với bà Tư, sau này về đất liền, trong buổi gặp gỡ cựu tù chính trị Côn Đảo, được các nam tù năm xưa kể lại về đêm các bà bị đày ra ngoài ấy sau một cuộc đấu tranh để tang, lập ban thờ Bác Hồ. Ra tới đảo, khi các nữ tù nhân vẫn đang bất tỉnh, các ông từ phía đối diện trông thấy không khỏi xót xa. “Đàn ông thì sao cũng được. Hồi đó, các bà bị bọn nó liệng (tức khiêng và ném) vào trong phòng giam như liệng bao muối, tụi tui nhìn mà xót hết cả ruột”, bà Cẩm thuật lại lời kể của các đồng đội.
Một hôm, có mấy người sau khi xét xử ở tòa án trở về đến trại Thủ Đức, bị bắt chào cờ nhưng kiên quyết không thực hiện theo. Trong số họ, có bà Tần và bà Rành bị chúng nhét vôi bột vào miệng, hành hạ cho tới chết. Khi đó, phòng giam của bà Tư gần nơi những người đồng đội vừa bị thảm sát. Thấy thế, các nữ tù trong phòng đều hét lớn lên, thông báo cho các chị em ở phòng giam khác hay tin và huy động sức phản kháng. “Đả đảo chính quyền Sài Gòn tàn sát tù nhân”, tiếng hô vang được cộng hưởng từ những người chưa cho tới những ai đã chấp hành án.
Cuộc chống đối diễn ra quyết liệt sang đến tận ngày hôm sau. Để trấn áp, cai tù ném lựu đạn cay vào phòng giam, hòng làm cho các nữ tù bị ngạt khí mà ngất. Không thể kìm chế trước cảnh bị giày xéo như vậy, bà Tư múc phân từ thùng cầu tạt qua song sắt. Do phòng giam chật chội, hất phân ra ngoài bằng một lực không quá lớn, nên dù bị dính lên người, nhưng bọn cai tù vẫn né được. Và phía các chị em trong phòng giam cũng ít nhiều bị dính bẩn.
Các nữ tù cũng khéo chọc cười: “Sáng hôm sau tỉnh dậy, nhìn sang buồng các ông ở phía đối diện, thấy ông nào cũng gầy gò, xanh xao, không được cắt tóc, cạo râu, trông như mấy con khỉ”. Những câu chuyện ấy đã phần nào nói lên sự khắc nghiệt hơn nhiều lần của nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” so với lao tù trong đất liền.
Sau đó, bà lại lấy cây sắt chọc vào đám cai tù. Tầm chục ngày trước đó, bà lấy một cây sắt khều lửa nấu cơm ở kế bên chỗ đổ cầu, mang về làm vũ khí chống cự khi cần thiết. Bà kẹp cây sắt dọc theo cánh tay, nên dáng đi không giống bình thường. Nhằm qua mắt giám thị trong tù, bà bảo do bản thân bất cẩn bị ngã, giờ phải có chị em đi theo để dìu vào phòng. Vẫn biết là sức lực của mình không để đấu lại được bọn chúng, nhưng vì quá căm phẫn trước cái chết oan ức của bà Tần và bà Rành, bà Tư vẫn cố chống trả hết sức.
Cửa buồng giam mở, bọn cai tù xông vào lôi bà Tư ra. Chúng muốn “xé lẻ”, tách bà Tư ra khỏi các chị em, hòng làm suy giảm tinh thần chiến đấu của bà. Cánh tay của các đồng đội vươn ra, níu giữ bà lại. Dẫu vậy, những người phụ nữ cũng không thể kháng cự lại trước đám đàn ông thô bạo. Bà Tư cuối cùng cũng bị kéo ra ngoài, mặt đập xuống đất, khiến cho gò má chảy máu. Thế rồi, chúng đưa cả 19 người phụ nữ trong phòng giam ấy lên xe, để chở về nhà giam Chí Hòa. Đi dọc trên đường, các chị em để bà Tư ngồi bên ngoài và hô lớn tố cáo nhà tù hành hung tù nhân. Xe chở các nữ tù đi qua cầu Sài Gòn, lọt vào tầm mắt của bà Tư là ánh mắt sững sờ, xen lẫn thương cảm bên đường hướng theo bóng những nữ tù chính trị nhân xa dần. Có người lén chùi nước mắt…
(Còn nữa)