Vượt dốc lên ốc đảo Pa Ling
Nếu gọi Pa Ling là ốc đảo cũng chẳng có gì sai. Ốc đảo trên cạn quanh năm làm bạn với gió mây bị cô lập vào mùa mưa. Những cơn mưa dai dẳng vần vũ khắp núi đồi và dải Trường Sơn hiểm trở bao đời nay ngăn cách bước chân của người Pa Ling về xuôi.
Bác lái xe căng mắt nhìn đường và đánh vật với tay lái để “dìu” chiếc xe bán tải bò lên con dốc gập ghềnh. Ngồi bên cạnh tôi, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Minh Vũ, y sĩ quân y Đồn Biên phòng A Vao (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cho biết: “Hôm nay trời nắng, đường vào đồn cũng không vất vả như những ngày mưa. Năm 2023, con đường duy nhất để lên đồn này mới hoàn thành rải bê-tông, trước đây hoàn toàn bằng đường đất, đi lại hết sức vất vả. Mùa mưa bão, nhiều anh em đi tranh thủ đành phải ngậm ngùi ở lại vì không ra được trung tâm xã”. Ngoài xe, bên trái là vực sâu, bên phải là vách núi dựng đứng, địa thế hết sức hiểm trở.
Gần 9 giờ sáng, mặt trời mới chui được qua đám sương mù dày đặc nhô lên khỏi núi. Gần một tiếng đồng hồ vượt núi, xe chúng tôi đến Đồn Biên phòng A Vao đóng tại thôn Pa Ling.
Khi được hỏi, ở đây bà con khó khăn nhất là gì? Trưởng thôn Pa Ling - Hồ Văn Chen trầm tư một lát rồi lặng lẽ trả lời: “Ở đây vùng sâu, vùng xa, cái gì cũng khó khăn nhưng khó khăn nhất chắc là về y tế. Mỗi khi đau ốm, đặc biệt vào mùa mưa, nỗi lo đó vẫn luôn hiện hữu với từng người dân. Nhiều trường hợp không cứu được vì không thể đưa về trung tâm điều trị. Từ trước, bà con đều tự chữa bằng các biện pháp dân gian từ cây lá trong rừng và cúng đuổi tà ma. Nhiều trường hợp bệnh tình tiến triển nặng mới đưa đến các cơ sở y tế nên xác suất cứu chữa hết sức mong manh”.
Từ ngày có bộ đội biên phòng về đóng quân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, nhiều hủ tục, thói quen chưa tốt cũng dần bị xóa bỏ. Bà con cũng được vận động đưa con em đến trường, mở mang kiến thức, từng bước đẩy lùi cái đói, cái nghèo. Thôn Pa Ling cũng có bác sĩ quân y chữa bệnh, bớt đi nỗi lo về những con ma không có thực. Dần dần mỗi khi đau ốm, người dân trong thôn đều tìm đến quân y nhờ cứu chữa.
Y sĩ “tất tần tật”
Năm 2013, một Trạm xá quân dân y kết hợp đã được dựng tại Pa Ling, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức thiện nguyện. Hiện, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Minh Vũ cũng là người duy nhất phụ trách trạm xá. Một mình làm mọi việc, nên bệnh gì cũng đến tay anh.
30 năm quân ngũ, cũng từng ấy năm anh Vũ gắn bó với đồng bào biên giới, trong vai trò một y sĩ quân hàm xanh. Được đào tạo y sĩ, nhưng nơi heo hút này, một mình anh phải đảm nhiệm tất cả nhiệm vụ của một trạm xá: Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng rồi tuyên truyền để bà con thay đổi tập tục lạc hậu… Những bước chân leo lên núi, băng qua suối đã khó nhưng chưa thấm tháp vào đâu so công sức để bà con thay đổi thói quen, lối sống, tập tục lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ cách làm. Bằng tấm lòng sẻ chia, đồng cảm và bàn tay ấm áp xoa dịu nỗi đau người bệnh, đưa họ ra khỏi cơn đau, thoát khỏi lưỡi hái tử thần, dần dần, bà con hiểu, biết ơn và tin tưởng. Anh cho biết: “Với tình yêu dành cho biên giới, tôi luôn coi bà con như những người ruột thịt, họ đau cũng như người thân mình đau, phải giúp thật tận tình”. Những người già, người neo đơn, người sức khỏe yếu không ra được trạm xá, anh đều đến tận nơi khám và chữa bệnh. Mọi người trân quý anh bởi sự tận tình và trách nhiệm, không quản ngại khó khăn cứu giúp người bệnh kịp thời. Nhiều ca tai nạn giao thông, tai biến thể nhẹ hay ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc đã được anh xử lý thành công, dành lại tính mạng.
Buổi chiều, chúng tôi đã theo chân anh Vũ đến một hộ dân khám bệnh. Anh bảo: “Cụ Vỗ Rim năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tuổi đã cao, lâu nay cứ trở trời là lại đau nhức xương khớp không đi lại được”. Nhiều năm nay, anh đều đến tận nhà thăm khám, hỏi han, ghi đơn thuốc. Lúc về, cụ Vỗ Rim còn bắt tay anh Vũ thật chặt, mãi chưa muốn buông.
Thôn Pa Ling là một trong những thôn biên giới khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị. Toàn thôn có 174 hộ dân, hơn 825 nhân khẩu, phần lớn là người Pa Cô, trong đó gần 60% là hộ nghèo.
Ông bố nhiều... con nhất bản
Trong những câu chuyện của Vũ, tôi ấn tượng và ngạc nhiên với việc anh giúp các sản phụ vượt cạn thành công. Bản xa trung tâm, đường giao thông đi lại khó khăn, rất nhiều trường hợp chị em sinh nở không kịp xuống trạm y tế xã, huyện nên đều phải nhờ quân y đồn đến giúp. Mặc dù không được đào tạo chuyên ngành hộ sinh nhưng anh phải tự học tập và tiếp thu các kỹ năng chuyên ngành để vận dụng những lúc cấp bách. Từ việc hướng dẫn bà con nấu cháo dinh dưỡng, cách quấy cháo, đổ ra tô, cách bón cho trẻ ăn, tới việc nặng hơn như đỡ đẻ, khám chữa bệnh cho sản phụ, anh Vũ cũng đảm đương cả.
Lần đỡ đẻ đầu tiên của anh Vũ là vào tháng 9/2022, chị Hồ Thị Chuôi có thai tuần thứ 37 bị vỡ ối ở nhà, được chồng chở đến trạm xá quân y nhờ cứu giúp. Anh thú nhận: “Mình không được học chuyên ngành này, quả thật lúc gặp tình huống cũng hết sức lo lắng không khác gì sản phụ. Nhưng trước hết mình phải giữ bình tĩnh để họ yên tâm. Và cũng thật may mắn, cả mình và sản phụ thành công”. Sau nửa ngày vất vả, chị Chuôi đã chuyển dạ và sinh một bé trai. Bé được vợ chồng chị Chuôi nhờ anh đặt tên và anh đã đặt cho cháu là Hồ Biên Cương, cái tên gắn chặt với bộ đội biên phòng.
Cũng từ ngày đó, anh càng tự học và bổ túc thêm kỹ năng hộ sinh phòng khi cần đến. Lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng các ca tiếp theo, anh tự tin hơn. Mỗi trường hợp đều có những đặc điểm riêng nhưng đều là các ca sinh khó. Và thật may mắn, “ông đỡ” mát tay đã giúp được nhiều sản phụ. Đến nay anh đã đỡ cho 16 sản phụ vượt cạn và 100% ca đẻ thành công. Anh nhớ mãi ca đẻ khó vào tháng 9/2023. Hôm đó tầm 1 giờ sáng, đang nghỉ tại trạm xá thì Vũ nghe tiếng gõ cửa gấp gáp, anh vội ra mở. Sau cánh cửa là chàng thanh niên Hồ Văn Dăng, đang cầu cứu giúp đỡ vợ chuyển dạ thiếu tháng. Tới nhà Dăng, trong căn buồng tối om, tiếng rên rỉ thoát ra khỏi phên liếp nứa, sản phụ Hồ Thị Lo vừa đau đớn, vừa lo lắng khi chuyển dạ chưa tới ngày sinh. Nhờ anh Vũ, sản phụ sau đó sinh một bé gái an toàn. Theo mong muốn của bố mẹ cháu, anh Vũ đặt tên cháu là Hồ Thị Vũ Trang, để sau này cháu luôn nhớ về bộ đội biên phòng. Bây giờ Vũ trở thành người thân trong nhà Dăng. Anh cũng thường xuyên tới kiểm tra sức khỏe, thăm khám cho cháu Trang.
Nhờ các ca đỡ đẻ, anh Vũ trở thành ông bố có nhiều con nuôi nhất vùng, đó là món quà quý giá đối với người thầy thuốc quân y biên phòng. Ngoài Biên Cương, Vũ Trang, còn có các cháu Biên Thùy, Ngoan Ngoãn… chào đời, đều do anh Vũ đặt tên. Anh Vũ cho biết, ở Pa Ling, theo tập tục, trước đây phụ nữ không sinh ở trong nhà. Đến kỳ chuyển dạ, gia đình làm một chòi lá trong rừng và tự mình vượt cạn trong ấy. Đối mặt với những ca sinh khó, thai ngược, thai to, băng huyết… tính mạng của cả mẹ và con quá mong manh. Bây giờ bà con đã bớt dần những quan niệm không phù hợp. Nhiều nhà có điều kiện đã lên các cơ sở y tế để sinh bảo đảm an toàn. Tuy nhiên cũng còn nhiều hộ khó khăn, vẫn sinh con tại nhà, điều đó lý giải tại sao, anh Vũ vẫn phải túc trực để sẵn sàng giúp đỡ các chị em vượt cạn.
Toàn thôn có hơn 700 nhân khẩu, vấn đề sức khỏe chỉ có một mình anh quân y biên phòng Trần Minh Vũ đảm nhiệm. Đôi khi bà con nói vui: “Bác Vũ giờ trọng trách cao, tính mạng bà con đều giao vào tay bác cả”, anh cười hạnh phúc vì được bà con tin tưởng, yêu mến. Mùa mưa, ốc đảo Pa Ling lại cô lập, bà con ốm đau đều trông chờ vào quân y Vũ. Vì thế chẳng bao giờ anh đi phép vào mùa mưa. Ngày nắng có khi về đồng bằng rồi lòng vẫn để trên núi, lo lắng lỡ có chuyện gì xảy ra trên đó…
Gần 5 giờ chiều, ở Pa Ling mặt trời đã chui xuống núi, cả bản chìm trong mây, hoang sơ, tuyệt đẹp. Đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi lại nhớ tới cổng trời Pa Ling, nhớ tới trạm xá quân dân y kết hợp và câu chuyện người y sĩ quân hàm xanh miền biên viễn.