Khát vọng nâng tầm giá trị đèn lồng
Nhắc đến hình ảnh phố cổ Hội An, nhiều người sẽ nhớ ngay đến đèn lồng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều đèn lồng tương tự nhau, vậy làm sao để phân biệt chúng? Chính câu hỏi này đã đi theo anh Võ Đình Hoàng suốt nhiều năm qua. Anh Hoàng cho rằng nếu tạo được sự độc lạ, riêng biệt cho đèn lồng thì mới làm.
Và 15 năm trước, đèn lồng Dé Lantana ra đời. Lantana là tên gọi một loài hoa ngũ sắc thường mọc dại ngoài tự nhiên. Nhìn những sắc mầu rực rỡ của hoa Lantana vươn lên giữa lớp cỏ, anh Hoàng cảm nhận rõ sức mạnh tiềm ẩn của loài hoa thú vị này. Hoa Lantana trở thành động lực, sau cùng được dùng làm tên gọi cho dòng sản phẩm đèn lồng của anh Hoàng. Nhìn những mẫu đèn đang được anh Hoàng hoàn thiện, có thể thấy nguyên liệu giấy dán bên ngoài rất thú vị. Thoạt nhìn sẽ cảm thấy loại giấy này mỏng manh nhưng khi trực tiếp sờ tay vào, cảm giác hơi sần sùi của sợi xơ dừa dần hiện lên.
Trong nghề làm đèn lồng ở Hội An, anh Võ Đình Hoàng là thế hệ đi sau. Lớp người đi trước đã có những bước đi dài hơi và ổn định. Nhìn vào hành trình làm nghề của các bậc cao niên, anh Hoàng thấy được nét đẹp của bụi bặm, của thời gian.
Vật liệu khung tre của đèn lồng ẩn chứa câu chuyện văn hóa đậm nét Việt Nam. Thanh tre dẻo dai, càng tiếp xúc với nắng gió, thanh tre càng bền chắc. Vì lẽ đó mà ở gian trưng bày Dé Lantana, anh Hoàng bố trí đan xen đèn lồng đã hoàn thiện nằm kế bên khung đèn toàn bằng tre. Nét đối lập giữa một bên là ánh sáng tinh tế với một bên là sự thô kệch vốn có của tre gợi nên nhiều cảm xúc cho người xem sản phẩm.
Nếu gọi vật liệu tre và giấy dừa nước là phần xác của lồng đèn Dé Lantana thì phần hồn nằm ở sự tập trung, tâm huyết của người thợ. Việc xử lý từng khớp nối đến sợi chỉ buộc được người thợ tiến hành nhuần nhuyễn. Dẫu vậy, anh Hoàng có một nguyên tắc chung trong khi làm việc tại xưởng là “đặt bản thân mình vào vị trí của người xem và người mua đèn lồng”. Niềm vui với nghề thủ công sẽ xuất hiện khi mỗi người thợ thấy được niềm đam mê của bản thân trong từng sản phẩm. Khi làm từng mẫu đèn lồng từ loại truyền thống đến loại cách tân, anh Hoàng cùng đội thợ đều phải tự kiểm tra chất lượng sản phẩm của chính mình.
“Khi tôi làm ra một vài chiếc đèn lồng được đánh giá tốt, điều đó rất hạnh phúc. Và từ thời điểm nhận được lời khen đó, tôi thấy rằng việc gìn giữ niềm tin của mọi người đã đặt vào đèn lồng Dé Lantana mới là điều quan trọng nhất. Thí dụ, mẫu đèn lồng hình con ốc bươu phủ bằng giấy dừa nước, mỗi góc nhìn sẽ thấy một dáng vẻ khác nhau. Cái đẹp cần tồn tại ở mọi thời điểm, mọi không gian. Cảm xúc của người ngoài nhìn vào sản phẩm là thước đo trung thực nhất”, anh Hoàng nói.
Năm 2019, đèn lồng Dé Lantana được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Điều đó đã tiếp thêm động lực cho Hoàng và đội thợ trong hành trình sáng tạo, đổi mới cho từng chiếc đèn lồng.
![]() |
Đèn lồng “Sắc mầu Hội An” trong tác phẩm “Hồn thiêng Đất Việt”. Ảnh: NVCC |
Nghĩ đến những hướng đi dài
Vừa trở về sau cuộc thi Lễ hội Đèn lồng quốc tế Ocean 2025, anh Hoàng vẫn còn đọng lại cảm giác vỡ òa khi được xướng tên cho giải thưởng cao nhất. 10 thành viên trong nhóm Hội An Craft mang cụm tác phẩm “Hồn thiêng Đất Việt” đi dự thi trong tâm thế giao lưu, cọ xát với các đội thi quốc tế. Mang trong mình một dòng cảm xúc đậm nét Hội An, cụm tác phẩm thể hiện sự tinh tế, tài hoa của người thợ thủ công. Nét đẹp văn hóa Việt Nam trải dài hàng nghìn năm lịch sử được 10 thành viên gói gọn vào cụm tác phẩm. Một trong các thông điệp được nhóm Hội An Craft hướng đến chính là tái hiện sự phát triển của đất nước Việt Nam từ xưa đến nay.
Với chiều dài 70 m, chiều rộng 20 m, cụm tác phẩm “Hồn thiêng Đất Việt” sử dụng hình ảnh hoa sen Việt Nam bao bọc hình ảnh con rồng thời Lý từ bên trong bay ra. Cùng với đó, bối cảnh phố cổ Hội An với hình tượng cá chép trông trăng được tạo nên từ dãy nhà cổ, chùa Cầu, bến thuyền. Tất cả cùng tỏa sáng khi đèn được thắp lên. Xuyên qua lớp giấy dừa nước, từng sợi xơ dừa li ti hiện ra trên nền ánh sáng lung linh.
“Trong cuộc thi, chúng tôi sử dụng hình ảnh con rồng thời Lý và cá chép với tâm nguyện cầu cho “Quốc thái dân an”, đời sống ngày càng thịnh vượng, ấm no. Con rồng bay lên mang theo khát vọng vươn cao của người Việt Nam. Quan trọng nhất là chứng minh được chất liệu giấy từ thân cây dừa nước ở Hội An đủ điều kiện để phủ lên bề mặt đèn lồng. Xin cảm ơn món quà từ mẹ thiên nhiên đã ban cho quê hương Hội An để chúng tôi có được kết quả như ngày hôm nay”, anh Võ Đình Hoàng cho hay.
Khi tham gia Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025, nhóm của anh Hoàng đã có cơ hội tiếp xúc gần gũi với các đội bạn. Trong đó, Nhật Bản và Trung Quốc là những đội có cách xử lý ánh sáng rất thú vị, bắt mắt. Quan sát quá trình làm việc cùng kinh nghiệm chế tác đèn lồng của các đội, anh Hoàng cho rằng bản thân người thợ Việt Nam nói chung và bản thân anh nói riêng cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Tác phẩm “Đôi cánh tương lai” (Wings of Future) do nghệ nhân ShuiXiu Gong (nghệ danh Coco) của Trung Quốc thực hiện đoạt Giải khuyến khích. Trong đó, ShuiXiu Gong đã kết hợp công nghệ vũ trụ hiện đại với giá trị của truyền thống phương Đông, tất cả thể hiện dấu ấn công nghệ đi đầu trong cuộc sống của Trung Quốc. Anh Hoàng xem đây chính là bài học kinh nghiệm quý giá. Người thợ thủ công không chỉ mãi loay hoay quanh nét cổ xưa mà cần thể hiện ý chí đi xa và dài hơi.
Theo đó, định hướng sản xuất đèn lồng theo dạng cá nhân hóa, độc nhất đang được Dé Lantana triển khai. Với tệp khách hàng chủ yếu là các đơn vị kinh doanh nhà hàng khách sạn, câu chuyện đưa đèn lồng Dé Lantana trở thành món đồ trang trí nội thất cao cấp là điều không quá khó. Ông chủ Dé Lantana quan niệm, nghề thủ công mỹ nghệ sẽ nhọc công ở bước đầu, nhất là trong giai đoạn tạo sự khác biệt để nghề tự sống được. Từng lời nhận xét của người xem góp phần quan trọng vào việc nâng tầm giá trị tổng thể của đèn lồng.
Trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, một vài ý kiến e ngại việc cải tiến mẫu mã, thay đổi chất liệu sẽ làm mất đi tính truyền thống, anh Hoàng lại nhìn nhận: “Để bảo tồn và phát triển giá trị sản phẩm, trước hết người thợ cần thay đổi góc nhìn. Mỗi nguyên vật liệu luôn có một nét đẹp riêng của nó. Đơn giản là tấm giấy dừa nước khi chưa có hoa văn, nó vẫn như bao loại giấy khác. Khi chúng tôi tạo hình lên bề mặt giấy các chi tiết trong bộ thẻ bài hô bài chòi Quảng Nam hay các hình tượng khác, giấy dừa nước trở nên tinh tế hơn. Sau cùng, chiếc đèn lồng tiếp nhận nét duyên dáng đó”.
Phía sau câu chuyện đèn lồng Dé Lantana là một ước mơ lớn hơn của Hoàng, đó là đưa đèn lồng quê hương vươn ra thế giới. Chúng ta có nền văn hóa tốt đẹp, có sự tài hoa của đôi tay người thợ. Khi cân bằng được hai yếu tố này sẽ dễ dàng tạo nên sản phẩm hoàn hảo nhất.
Tại Lễ hội Đèn lồng quốc tế Ocean 2025 tổ chức ở khu đô thị Ocean Park (Văn Giang, Hưng Yên), tác phẩm “Hồn thiêng Đất Việt” của đội Hội An Craft đã vượt qua các đội thi khác đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và đoạt Giải nhất. Hội An Craft là tên gọi chung cho sự kết hợp giữa hai đơn vị là Vườn Giấy Việt (chuyên làm giấy từ cây dừa nước) và Dé Lantana (chuyên làm đèn lồng). Ngay sau cuộc thi, Viện Kỷ lục Việt Nam đã trao quyết định công nhận Cụm đèn lồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với chủ đề “Rạng rỡ Thăng Long” và “Sắc mầu Hội An” xác lập kỷ lục Việt Nam cho Hội An Craft.