Sẽ sử dụng những biện pháp can thiệp khi cần thiết
Năm 2025 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với nhiều nhiệm vụ lớn: tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 8%, đồng thời phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số; tổ chức đại hội đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng; cùng các lễ kỷ niệm lớn. Bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cho ngành ngân hàng trong năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, dù vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục quyết tâm cao, với tinh thần “tăng tốc, bứt phá” bằng các giải pháp cụ thể góp phần đạt được tăng trưởng kinh tế 8%, đồng thời kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, đối với điều hành tăng trưởng tín dụng trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định, chỉ tiêu định hướng là 16% có điều chỉnh phù hợp diễn biến thực tế. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự cố gắng, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách vĩ mô. Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bám sát các mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Thực tế, Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 42 diễn ra sáng 5/2. Đây là nội dung dự kiến sẽ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường thứ chín, diễn ra từ ngày 12-18/2/2025.
Phó Thống đốc thông tin, với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được “bơm ra” nền kinh tế trong năm nay. Và trước tiên phải bảo đảm thanh khoản và nguồn vốn cho nền kinh tế, thông qua việc huy động vốn từ các nguồn như Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Muốn vậy phải bảo đảm thanh khoản cho các ngân hàng thương mại, có chính sách lãi suất hợp lý để thu hút vốn từ người dân. Trách nhiệm điều hành chính sách tín dụng trong năm nay rất nặng nề, trong bối cảnh vẫn phải bảo đảm ổn định cân đối nền kinh tế, kiểm soát lạm phát... Tuy vậy, để đạt mục tiêu chung, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng những biện pháp can thiệp khi cần thiết.
“May đo” sản phẩm tín dụng phù hợp cho từng tệp khách hàng
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, chính sách tiền tệ năm 2025 hướng tới việc tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng năm 2025 cao hơn năm 2024 để phục vụ tăng trưởng kinh tế cao, đòi hỏi một nguồn lực vốn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tăng trưởng hai con số, nhu cầu vốn tín dụng sẽ tăng 18-20%, đồng nghĩa với dòng vốn từ ngân hàng “bơm thêm” vào nền kinh tế có thể lên tới 3,1 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, kinh tế tăng trưởng sẽ là điều kiện tiên quyết cho các ngân hàng thương mại phát triển dịch vụ ngân hàng, đi cùng với mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, đổi mới phương thức giao dịch với khách hàng để nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay bền vững. Đồng thời, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng với chi phí thấp, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng phát triển, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo lãnh đạo của một số ngân hàng thương mại quy mô lớn, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 3,4% trong quý I/2025. Tăng trưởng tín dụng cao đi đôi với nhu cầu vốn vào ngân hàng, trong khi trên thị trường vốn hiện nay có nhiều kênh cạnh tranh với vốn huy động ngân hàng. Thực tế, tăng trưởng tín dụng cao là một nhu cầu tích cực cho mỗi ngân hàng giữ vững ổn định thanh khoản, tiếp tục duy trì lãi suất cho vay ở mức nền kinh tế chấp nhận được.
Đơn cử, tại Agribank, ngân hàng đã dành hơn 210.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho vay khách hàng doanh nghiệp cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 31/12/2025.
Tương tự, tại VietinBank trong tháng đầu năm 2025, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình, duy trì đà tăng trưởng tích cực, VietinBank đã triển khai nhiều gói sản phẩm phù hợp cho từng tệp khách hàng riêng biệt. Tính đến ngày 31/1/2025, tổng dư nợ của VietinBank đã đạt xấp xỉ 33.000 tỷ đồng...
Theo Tổng giám đốc OCB Phạm Hồng Hải, ngân hàng này cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ, đây là chiến lược xuyên suốt của OCB trong các năm qua. Đồng thời, OCB hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng mở rộng như: năng lượng, logistics, bất động sản nhà ở và mở rộng tệp khách hàng...
Ông Phạm Hồng Hải cho biết: “Để đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong năm nay, OCB sẽ tiến hành tập trung rà soát điều chỉnh các sản phẩm theo hướng “may đo” phù hợp từng đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, phát triển hàng loạt sản phẩm mới mang tính đa dạng hóa sản phẩm đi kèm dịch vụ hóa hỗ trợ nhằm nâng cao tính cạnh tranh”.
Trong bối cảnh thực tế hiện nay, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng chỉ đạo của Chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống của người dân. Đối với người vay vốn nên cân nhắc lựa chọn các ngân hàng có chính sách ưu đãi, đặc biệt là các gói vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để tối ưu chi phí tài chính trong năm 2025.