Đồng thuận từ lòng dân
Làm sao giúp dân thoát đói, nghèo là trăn trở lớn của lãnh đạo và người dân thành phố. Cố Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị lúc đó Võ Trần Chí đã nói: Cả Thành ủy hằng ngày phải tìm cách lo cho nhân dân thành phố thoát nghèo, có được cái ăn, cái mặc, thoát dốt, đói sau ngày đất nước thống nhất. Đây là quyết tâm lớn của từng Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh đó, một chương trình hết sức ý nghĩa đã ra đời sau Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 5 (1991-1995), đó là Chương trình “xóa đói, giảm nghèo”. Bắt nguồn từ đầu năm 1992, Đảng bộ huyện Củ Chi là nơi thí điểm tạo phong trào đầy ý nghĩa
này. Sau đó, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa chương trình thành một phong trào vận động thật sâu rộng được các quận, huyện hưởng ứng.
Khi bắt tay vào thực hiện chương trình, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo thành phố do ông Phạm Văn Thanh, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Quận ủy Thủ Đức về trực tiếp thay mặt Thành ủy chỉ đạo. Từ đó tất cả các quận, huyện đều thành lập Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo quận, huyện do một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện làm trưởng ban. Ở cấp xã, phường, thị trấn, thành phố cũng chỉ đạo thành lập Ban xóa đói, giảm nghèo xã, phường, thị trấn do một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm trưởng ban.
Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, Chương trình “xóa đói, giảm nghèo” nhận được sự đóng góp của hàng triệu người dân, chung tay vì người nghèo. Từ khi chuyển sang giai đoạn 2 (năm 2010), chương trình vận hành theo cơ chế xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội cùng làm. Đây là cơ sở quan trọng để giữ vững, phát huy phong trào quần chúng, chăm lo đến tận tay bà con nghèo để giúp họ quyết vươn lên làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Điều đáng quan tâm là có nhiều cách vận động của từng quận, huyện ủy, từng xã, phường, thị trấn đến các hộ nghèo, cận nghèo như trợ vốn, hỗ trợ phương tiện làm ăn, trợ cấp vay ưu đãi để xuất khẩu lao động đi nước ngoài... Sự nghiệp chăm lo cho người nghèo là chương trình của nhân dân, đi từ lòng dân cho nên yếu tố tự nguyện, tự giác là hàng đầu nhằm xóa được đói, giảm được nghèo, cả xã hội đều có trách nhiệm chăm lo cho người nghèo.
Bám sát từng tiêu chí
Chương trình “xóa đói, giảm nghèo” được thành phố thực hiện liên tục qua nhiều giai đoạn. Về giai đoạn “Xóa hộ nghèo tăng hộ khá” rồi “Giảm nghèo bền vững”, từ những năm đầu giai đoạn 2020-2025, thành phố còn có khoảng 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,29% trên tổng hộ dân. Đây cũng là giai đoạn thành phố bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thực hiện nhiều giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế, đến cuối năm 2022 thành phố đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo chung cả nước, hoàn thành mục tiêu quan trọng trước thời hạn.
Đáng chú ý, đến cuối năm 2023 chỉ còn 8.293 hộ nghèo theo mức chuẩn nghèo của thành phố, chiếm tỷ lệ 0,33% tổng số hộ dân và hoàn thành sớm hai năm chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 là “Đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố”.
Hiện, thành phố có 14 địa phương hoàn thành kết quả phúc tra không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025. Giữa tháng 4 vừa qua, thêm 8 quận, huyện còn lại hoàn thành công tác phúc tra; góp phần hoàn thành mục tiêu “không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2021-2025” chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, thành phố cũng đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện người có công với cách mạng, kể từ năm 2022.
Tại những địa bàn khó khăn nhất như huyện Cần Giờ, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nghèo trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Như hộ anh Võ Thanh Sơn ở xã đảo Thạnh An, nhờ nguồn vốn tiếp sức từ chương trình “Xóa hộ nghèo tăng hộ khá”, gia đình anh đã đầu tư nuôi cá bớp, hiện có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/vụ giúp thay đổi hẳn cuộc sống từ hộ cận nghèo trước đây.
Từ kết quả to lớn mà Chương trình “xóa đói, giảm nghèo” và “Chương trình giảm nghèo bền vững” của Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được, nhiều nhà hoạt động xã hội quốc tế và của Liên hợp quốc khi đến thành phố đã công nhận về hiệu quả cao của công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại thành phố hơn 33 năm qua.
Chương trình khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố góp phần quan trọng vào thành tựu chung cả nước trong cuộc vận động để giúp hộ nghèo, người nghèo vươn lên, làm theo mong muốn của Bác Hồ trước lúc đi xa ■