Với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là đầu tàu kinh tế mà còn là “cái nôi” của sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới. Theo các chuyên gia, trong thập kỷ qua, quy mô kinh tế của thành phố tăng gấp 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp hai lần so với năm 2010. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để duy trì và phát triển giữ vững vai trò đầu tàu cũng như cực tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu trong xây dựng, nghiên cứu và triển khai thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội trên các lĩnh vực như quản lý đầu tư, tài chính, quản lý đô thị, tài nguyên-môi trường, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược cũng như thúc đẩy quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...
Trong kỷ nguyên mới, thành phố không ngừng khẳng định vị thế là “trái tim” của nền kinh tế Việt Nam. Với sự kết hợp giữa tinh thần khởi nghiệp, nỗ lực cải cách và cam kết bền vững, địa phương này đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xây dựng thành phố hiện đại, năng động, sẵn sàng đón đầu xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, thành phố cũng gặp nhiều thách thức như hạ tầng phát triển không đồng bộ, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, gia tăng dân số cơ học dẫn đến áp lực trong việc cung cấp nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học; nhất là bất cập về thể chế, cơ chế chính sách. Những vấn đề này gây cản trở không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thành phố. Do đó, thành phố cần xác định rõ những vấn đề trọng tâm, cốt lõi; đồng thời xây dựng nền tảng quản trị thông minh, nâng cao chất lượng sống, bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững. Việc giải quyết hiệu quả những thách thức này sẽ giúp thành phố không chỉ giữ vững vai trò tiên phong trong nước mà còn vươn tầm ra khu vực và thế giới, trở thành hình mẫu của một đô thị hiện đại và đáng sống.
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo các chuyên gia, quan điểm thực thi về chiến lược “đón đầu” cần được Thành phố Hồ Chí Minh quán triệt, vận dụng sáng tạo. Trong đó, chú trọng đến đào tạo và nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực trước một bước, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao. Đồng thời ưu tiên tập trung đầu tư phát triển một số công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, phân tích dữ liệu lớn… và tăng cường việc ứng dụng vào thay đổi mô hình sản xuất, thí điểm các mô hình phát triển kinh tế… Chiến lược “đón đầu” cần vận dụng linh hoạt theo tinh thần “ai nhanh hơn, sẽ thắng”. Để nâng cao sức cạnh tranh, Tiến sĩ Dư Phước Tân cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh cần quán triệt nguyên tắc tiếp cận theo “chuỗi giá trị”, bao gồm chuỗi giá trị trong doanh nghiệp và gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng hệ sinh thái tổng thể về phát triển kinh tế xanh với lộ trình phù hợp. Đặc biệt, cần lưu ý hơn về công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về phát triển xanh, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Những bất cập về thể chế, cơ chế chính sách là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến huy động các nguồn lực cho sự phát triển của thành phố. Việc giải quyết những bất cập này sẽ tạo ra bước đột phá góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc khác. Do đó, cải cách về thể chế cần được ưu tiên hàng đầu. Thành phố còn nhiều dư địa để phát triển, trong đó, dư địa lớn nhất là thể chế; việc đột phá, khai thông thể chế sẽ tạo điều kiện huy động và khai thác hiệu quả các nguồn lực còn lại. Đột phá về thể chế được xem là “đột phá của đột phá” và đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng.
Đối với nguồn nhân lực, cần có đột phá về chính sách khuyến khích chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào các dự án có vốn ngân sách. Thành phố cần sớm cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Tiến sĩ Lê Bí Bo, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao là nền tảng bảo đảm thành công trong việc thực thi các chính sách. Thành phố cần tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, tầm nhìn và kỹ năng quản lý hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển ■