Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 – 12-2017)

Chiến công thầm lặng của những “pháo thủ sao vuông”

12 ngày đêm rực lửa cuối năm 1972 ở Hà Nội sẽ mãi mãi được lưu dấu trong lịch sử dân tộc, song hành cả niềm vinh quang, tự hào về sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, cùng những hy sinh mất mát to lớn của quân và dân Thủ đô. Trong chiến thắng ấy, cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực, có phần đóng góp không nhỏ của các đội tự vệ trong nhiều nhà máy, đơn vị.

Xác một chiếc máy bay F111 bị bắn rơi. Ảnh: NGỌC QUÁN (TTXVN)
Xác một chiếc máy bay F111 bị bắn rơi. Ảnh: NGỌC QUÁN (TTXVN)

Kỳ 1: Ký ức rực lửa

Ngày khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò cuối tháng 11-2017 đầy xúc động. Ký ức được nhắc nhớ, hào hùng. Các nhân chứng, những con người bình dị hôm nay đã là ông, là bà nhìn lại mình trong các bức ảnh của 45 năm về trước với niềm rưng rưng khôn tả. Nhiều vị khách nước ngoài ấn tượng trước hình ảnh người phụ nữ khuôn mặt phúc hậu, đầu đội khăn tang hiên ngang bên mâm pháo. Một nhân chứng thốt lên: “Đó là bà Phạm Thị Viễn, bà ấy là nữ tự vệ, vừa dự ở đây về”.

Đôi mắt sáng rực của bà Viễn trong tấm ảnh thôi thúc tôi tìm đến nhà bà ở cuối con ngõ sâu hút trên phố Mai Động. 5 năm trước, cũng ở ngôi nhà này, bà đã tiếp tôi cùng nhóm sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội với những hồi ức sáng rõ. Nay trở lại, bà dường như không già đi. Khoảng ký ức năm xưa đầy tự hào và đẫm nước mắt về những ngày B52 rải bom xuống Hà Nội vẫn chưa bao giờ vơi trong bà. Ngắm lại bức ảnh chụp bà ở bên mâm pháo, giọng bà chùng xuống: “Vậy là đã 45 năm rồi!”. Bà Viễn sinh năm 1951, công nhân thợ nguội Nhà máy Cơ khí Mai Ðộng. Năm 1967, giặc điên cuồng leo thang bắn phá miền bắc. Trong một lần máy bay địch đánh phá, rải bom xuống khu vực Hoàng Mai, mẹ bà trúng bom, mất. Bản thân bà Viễn cũng bị thương ở cổ. “Nhà máy được tập trung cao độ lực lượng tự vệ để chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tôi đã nộp đơn xin vào Đội tự vệ của Nhà máy Cơ khí Mai Động. Còn tấm ảnh này là do nhà nhiếp ảnh Văn Bảo chụp, trong ngày nhà thơ Tố Hữu đến gặp tôi. Nhưng cũng phải đến 30 năm sau, ông Bảo mới gặp được tôi để tặng”, bà Viễn kể lại.

Từ ngày 18-12-1972, khi đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm xuống Thủ đô, bà lại bị mất người cha và bốn người họ hàng khác. Đau thương chồng chất như càng làm sắc thêm lòng căm thù trong lòng bà. Nén nỗi đau, bà Phạm Thị Viễn đội khăn tang cùng các anh, chị em trong Đội tự vệ tham gia trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm. Hỏa lực của Trung đội súng cao xạ của Nhà máy Cơ khí Mai Động là hai khẩu 14,5 mm với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu phía nam thành phố trước sự tiến công của các máy bay chiến thuật của địch. Lực lượng nòng cốt gồm khẩu đội trưởng Thái Văn Quang, các chiến sĩ Phạm Thị Viễn, Đỗ Thị Dần, Ngô Thị Hiếu, Đặng Văn Sinh và Nguyễn Văn Trung. Nhớ rõ không khí của ngày ấy, ông Nguyễn Văn Trung kể: “Khoảng 17 giờ ngày 22-12, chúng tôi di chuyển đến trận địa Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng, tập kết cùng hai khẩu của Nhà máy Gỗ Hà Nội và một của Nhà máy Cơ khí Lương Yên, tạo thành “Liên đội tự vệ súng máy cao xạ 14,5 mm khu phố H.K”. Tại vị trí này, tầm bao quát rất rộng, nhìn thẳng sang vòm cầu Long Biên, pháo ta có thể đón lõng máy bay tiêm kích của địch đến từ hướng dãy Tam Đảo”.

Giọng như nghẹn lại, ông Trung kể tiếp: Khoảng 20 giờ 30 phút có báo động, máy bay địch cách Hà Nội 80 km, tất cả vào vị trí chiến đấu. Khi tốp máy bay xuất hiện mỗi lúc càng gần, sát mặt nước sông Hồng. Nghe lệnh, chúng tôi đồng loạt nổ súng. Liên đội tự vệ súng máy cao xạ 14,5 mm khu phố H.K đã bắn hạ máy bay F111.

Có một câu chuyện thật cảm động của bà Phạm Thị Viễn, Đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động. Đó là bà vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu. Sau mấy ngày bắn rơi F111, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo. Nhìn thấy cô pháo thủ trẻ đầu trắng khăn tang đang ngồi bên mâm pháo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu liền hỏi thăm hoàn cảnh. Câu chuyện của bà Viễn khiến nhà thơ Tố Hữu hết sức xúc động. Ông ân cần thăm hỏi, động viên. Sau một thời gian, có người mang tặng bà bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ ấy có bốn câu mà bà nhớ mãi: “...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.

Chiến công thầm lặng của những “pháo thủ sao vuông” ảnh 1

Bà Phạm Thị Viễn bên bức ảnh chụp mình 45 năm trước.

Lần theo những tư liệu được lưu giữ, tôi tìm về phường Giang Biên (quận Long Biên), gặp gỡ bốn nữ tự vệ năm xưa làm nhiệm vụ quan sát máy bay, đếm bom. Bà Nguyễn Thị Tý và Nguyễn Thị Bắc dẫn tôi ra đài quan sát (nay chỉ còn chân lô cốt mà thực dân Pháp xây từ thời 1948 khi chiếm đóng quê hương Giang Biên). Bà Tý chỉ ra phía bãi bồi sông Đuống bát ngát xanh, mầu xanh phủ lên cả những hố bom vẫn còn sâu hoắm, một hố bom chỉ cách đài quan sát, chỗ bà đang đứng hơn chục mét. Nắm tay tôi, bà Tý bồi hồi: “Năm 1968, tôi làm phát thanh viên ở Đài phát thanh Giang Biên, cũng năm đó thành lập đài quan sát, thì tôi làm kiêm tổ trưởng gồm bốn nữ tự vệ. Chúng tôi có nhiệm vụ quan sát, đếm số bom máy bay thả xuống để kịp thời báo cho Huyện đội và các đơn vị”.

Tiếp lời, bà Bắc thêm: “Gọi là đài quan sát, chứ thật ra chỉ là cái chòi hàn sắt trên nóc lô cốt. Trên chòi có một máy điện thoại và dây nối về Huyện đội, có kẻng báo động. Khi nghe còi báo động ở Nhà hát Lớn truyền sang là chúng tôi gõ kẻng cho dân kịp thời vào hầm. Nếu hỏng điện thoại thì cử người đạp xe đạp đi báo. Bốn chị em phân công trực chiến 24/24 giờ. Những ngày cuối tháng 12-1972, Mỹ ném bom xuống nhiều nơi, trong đó có Yên Viên, cầu Đuống, Đông Anh... Bom đánh sát khiến chòi chao đảo. Bà Tý nhanh lắm! Bà nảy ra sáng kiến, nói cả bốn người lấy khăn quàng cổ buộc người vào ba chân chòi, để không bị hất rơi, tiếp tục nhiệm vụ”.

Vùng cầu Đuống, cầu Long Biên chính là “cổ họng” của con đường huyết mạch từ Lạng Sơn và Thái Nguyên về Hà Nội. Địch quyết phá, ta quyết giữ. Đã có nhiều người phải thốt lên: “Đài quan sát nhỏ như một cái chấm nằm trong vùng trọng điểm đã trụ được giữa bom đạn hủy diệt, quả là một điều kỳ lạ! Đó là biểu tượng của tinh thần quả cảm của người dân Thủ đô”.

Nhà báo Đỗ Quảng (nguyên phóng viên Báo Nhân Dân), người có mặt trực tiếp phản ánh không khí chiến đấu của lực lượng tự vệ trong Chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, hồi tưởng: “Cả Hà Nội đã được chia ô, khoanh góc, chia nhau đặt bệ phóng tên lửa và pháo tầm cao. Những pháo thủ sao vuông, khoác áo thợ đã có một chuỗi ngày học bắn với tốc độ kỷ lục. Họ luyện tập đam mê như học tiện trục máy và nặn khuôn đúc trong những ngày ở nhà máy. Qua một đợt huấn luyện, cán bộ cấp trên xuống kiểm tra, nhìn các động tác lao đạn, bắt tầm bay, tầm bắn của họ với cặp mắt chuyên gia khe khắt nhất cũng đều phải hài lòng. Chuẩn bị như thế làm sao mà không phát huy hết sức mạnh”.

Những người tự vệ, pháo thủ sao vuông của Thủ đô ngày đó nay đã cao tuổi, không ít người đã về với tổ tiên, nhưng ký ức về tình yêu Thủ đô dưới mưa bom bão đạn chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí họ. Bà Phạm Thị Quý, thành viên Đội tự vệ làng Ngọc Hà kể lại, đó là một cuộc chiến anh dũng của quân và dân Hà Nội, những người đã “lỳ bom”, cùng bám trụ để bảo vệ thành phố.

Bà Nguyễn Thị Yến Phương, hiện sống ở khu dân cư số 7, phường Yên Phụ (Tây Hồ) vẫn nhớ như in những hình ảnh rùng rợn khi bom trút xuống Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, phố Quán Thánh... Mùi khói bom, chết chóc tỏa ra từ mọi ngõ ngách của thành phố. Bà Phương chia sẻ rằng, lòng căm thù đã tạo nên sức mạnh từ chính những người chân yếu tay mềm. Đội tự vệ Yên Phụ ngày đó đa phần là phụ nữ nhưng không hề nao núng trước hiểm nguy, họ hăng hái tiếp đạn, cứu sập, phối hợp với lực lượng tự vệ của Nhà máy đá hoa An Dương làm nhiệm vụ ở khu vực Hồ Tây và kề khu vực Hoàn Kiếm. Nhiều con phố chỉ còn là đống gạch vụn, nhưng những đội cứu sập vẫn kiên trì, kỹ lưỡng tìm kiếm. Bà đặc biệt ấn tượng về ngày 25-12 các đội tự vệ phối hợp Đội tự vệ và cứu sập Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội cứu được một nhóm 17 người mắc kẹt ở một khu nhà trên phố Quán Thánh.

(Còn nữa)