Công nghiệp ô-tô Đức trong vòng xoáy khủng hoảng

Ngành công nghiệp ô-tô Đức được mệnh danh là “xương sống” của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, với nhiều thương hiệu như Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz nổi tiếng toàn cầu. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt cuộc khủng hoảng toàn diện, đe dọa vị thế dẫn đầu khi doanh thu sụt giảm, việc làm biến mất và áp lực chuyển đổi công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân lắp ráp trong một dây chuyền sản xuất ô-tô ở Đức. Ảnh: SHUTTER STOCK
Công nhân lắp ráp trong một dây chuyền sản xuất ô-tô ở Đức. Ảnh: SHUTTER STOCK

Đứng trước ngã rẽ sống còn

Theo Automotive News, từng là biểu tượng của sức mạnh kỹ thuật, sự sáng tạo và chất lượng vượt trội, song ngành công nghiệp ô-tô Đức đã trải qua một năm 2024 đầy khó khăn với những con số đáng báo động. Phân tích của Công ty tư vấn tài chính Ernst & Young (EY) chi nhánh Tây Âu, công bố ngày 6/3 cho thấy, doanh thu toàn ngành giảm 5% so năm 2023 (khoảng 578 tỷ USD), xuống còn 536 tỷ euro. “Đây không chỉ là một cú trượt dốc tài chính mà còn phản ánh sự suy yếu của một ngành từng đóng góp tới 5% GDP quốc gia”, báo cáo cho hay. Sự sụt giảm này không phải là tạm thời mà là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng sâu rộng, lan tỏa từ các nhà sản xuất lớn đến chuỗi cung ứng phụ tùng.

Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp ô-tô Đức cũng không nằm ngoài vòng xoáy suy thoái. Tính trung bình cả năm 2024, số lượng việc làm trong ngành giảm 0,9%, tương đương gần 19.000 vị trí bị cắt bỏ. Đáng lo ngại hơn, vào cuối năm 2024, con số này tăng vọt lên 2,4% so cùng kỳ năm trước, cho thấy tốc độ sa thải ngày càng gia tăng. Các hãng lớn như Volkswagen đã công bố kế hoạch đóng cửa ba nhà máy tại Đức, trong khi Bosch, ZF Friedrichshafen và Continental lần lượt cắt giảm hàng nghìn lao động. Ông Stefan Bratzel, Giám đốc Trung tâm Quản lý ô-tô (CAM) tại Đức, nhận định: “Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc tái cấu trúc chưa từng có”.

Các nhà cung cấp phụ tùng ô-tô, được xem là huyết mạch của ngành, cũng đang chịu tổn thất nặng nề. Báo cáo của EY ghi nhận doanh thu của khu vực này giảm 8% trong năm 2024, gấp đôi mức giảm của các nhà sản xuất ô-tô. Số lượng nhân viên trong lĩnh vực này cũng giảm 2,4%, trong khi mức giảm ở các hãng lắp ráp là 0,1%. Điều này cho thấy áp lực không chỉ tập trung ở một phần trong chuỗi giá trị mà lan rộng khắp hệ sinh thái sản xuất. Nhiều nhà cung cấp nhỏ đang đứng trước nguy cơ phá sản, trong khi các công ty lớn buộc phải cắt giảm chi phí để tồn tại. Ông Peter Fubb, chuyên gia cấp cao tại EY Tây Âu, cảnh báo: “Nếu các nhà cung cấp sụp đổ, cả ngành sẽ lung lay”.

Theo Reuters, dự báo cho năm 2025 càng thêm u ám. Các doanh nghiệp đang lên kế hoạch cắt giảm mạnh chi phí, kéo theo làn sóng sa thải lớn hơn. EY nhận định rằng, con số 19.000 việc làm mất đi trong năm 2024 chỉ là khởi đầu của một giai đoạn tinh gọn không thể tránh khỏi. Hơn nữa, áp lực từ những chính sách thuế quan mới của Mỹ đến chi phí sản xuất cao tại Đức, khiến nhiều hãng cân nhắc di dời nhà máy sang Mỹ hoặc các thị trường chi phí thấp hơn. Nếu xu hướng này tiếp diễn, ngành ô-tô Đức không chỉ mất việc làm mà còn có nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Nguyên nhân khủng hoảng

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng của ngành ô-tô Đức không phải là kết quả của một yếu tố đơn lẻ mà là sự cộng hưởng của nhiều thách thức chồng chéo. Nhu cầu tiêu dùng yếu đi là một cú sốc, do thị trường châu Âu vốn là “sân nhà” của các hãng xe Đức đang suy giảm do kinh tế đình trệ và lạm phát kéo dài. Người tiêu dùng ngần ngại mua xe mới, đặc biệt là xe điện, vốn đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn và phụ thuộc cơ sở hạ tầng sạc còn thiếu thốn.

Ông Ferdinand Dudenhoffer, nhà kinh tế học tại Trường đại học Duisburg-Essen, nhận xét: “Khách hàng không còn sẵn sàng chi tiêu như trước. Chi phí sản xuất cao cũng là một gánh nặng không thể phủ nhận. Đức nổi tiếng với lực lượng lao động lành nghề, nhưng điều này đi kèm với mức lương và phúc lợi vượt trội”. Theo Hiệp hội Công nghiệp ô-tô Đức (VDA), chi phí lao động trung bình trong ngành ô-tô nước này năm 2023 là 62 euro/giờ, cao gấp đôi so 29 euro/giờ ở Tây Ban Nha và gấp ba lần mức 20 euro/giờ ở Bồ Đào Nha. Khi giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Ukraine, các nhà máy Đức càng mất lợi thế cạnh tranh. Ông Hildegard Müller, Chủ tịch VDA, thừa nhận: “Chúng tôi đang trả giá cho sự phụ thuộc vào năng lượng rẻ từ Nga”.

Theo Bloomberg, áp lực chuyển đổi sang xe điện (EV) là một nguyên nhân cốt lõi khác. Các hãng Đức đã đầu tư hàng tỷ euro vào EV để đáp ứng mục tiêu khí thải của EU vào năm 2025, nhưng kết quả lại đáng thất vọng. Doanh số xe điện không đạt kỳ vọng do giá thành cao, thời gian sạc lâu và tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Volkswagen, từng đặt mục tiêu thách thức Tesla của Mỹ, giờ phải đối mặt nguy cơ bị phạt hàng tỷ euro nếu không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Ông Herbert Diess, cựu CEO Volkswagen, tiết lộ trên Automotive News: “Chúng tôi đang chi quá nhiều mà chưa thấy lợi nhuận”. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh từ những nền kinh tế khác đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với xe điện giá rẻ và công nghệ tiên tiến.

Những sai lầm chiến lược trong quá khứ cũng góp phần đẩy ngành chế tạo xe hơi vào ngõ cụt. Nhiều hãng Đức chậm chạp trong việc chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang công nghệ mới như phần mềm ô-tô và lái tự động. Ông Eric Felber, nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, bình luận: “Chúng tôi đã ngủ quên trên đỉnh cao. Sự tự mãn đã khiến Đức tụt hậu so Tesla và các hãng xe khác trong cuộc đua đổi mới. Áp lực địa-chính trị, đặc biệt từ chính sách thuế quan khắt khe của Mỹ thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, càng làm tình hình thêm phức tạp, buộc các hãng phải cân nhắc lại chiến lược toàn cầu”.

Tìm lối thoát cho ngành ô-tô

Trước những thách thức chưa từng có, ngành ô-tô Đức đang đứng trước ngã rẽ sống còn, cần hành động quyết liệt để lấy lại đà tăng trưởng. Báo cáo của EY khuyến nghị các doanh nghiệp tập trung vào năng lực cốt lõi và sản xuất hiệu quả hơn, tránh lặp lại những khoản đầu tư sai lầm trong quá khứ. Nhưng để vực dậy ngành này, cần một chiến lược toàn diện hơn, kết hợp giữa nỗ lực nội tại và hỗ trợ từ chính phủ.

Các hãng cần bắt kịp thị hiếu khách hàng bằng cách đa dạng hóa sản phẩm. Theo ông Stefan Bratzel, thay vì chỉ tập trung vào xe điện cao cấp, họ nên phát triển các mẫu EV giá rẻ và xe hybrid để đáp ứng nhu cầu thực tế. “Chúng ta phải tạo ra những chiếc xe mà người dân có thể mua được. Volkswagen đang đi đúng hướng với kế hoạch ra mắt dòng xe có giá dưới 25.000 euro vào năm 2026, nhưng quá trình này cần được đẩy nhanh để cạnh tranh các đối thủ”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Ola Kallenius của Mercedes-Benz chỉ ra: “Nếu không có năng lượng rẻ, chúng tôi không thể thắng. Cải thiện hiệu quả sản xuất là yếu tố cốt lõi. Các doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ sản xuất thông minh, như tự động hóa và trí tuệ nhân tạo để giảm chi phí mà không hy sinh chất lượng. Chính phủ Đức cũng cần hỗ trợ bằng cách giảm thuế cho ngành ô-tô và đầu tư vào năng lượng tái tạo để hạ giá điện, giúp các nhà máy cạnh tranh hơn”.

Báo cáo của Bloomberg Intelligence cũng nhấn mạnh chính sách hỗ trợ là cách nhanh nhất để kích cầu. “Hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp là chìa khóa để thúc đẩy chuyển đổi xe điện. Đức cần xây dựng mạng lưới trạm sạc rộng khắp và khôi phục các khoản trợ cấp mua xe điện đã bị cắt bỏ vào năm 2023. Ngoài ra, các hãng cần rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm, học hỏi sự linh hoạt của các đối thủ để đưa xe mới ra thị trường nhanh hơn”, báo cáo chỉ ra.

Để tránh mất việc làm trong nước, Đức cần giữ chân các doanh nghiệp bằng cách biến mình thành trung tâm công nghệ ô-tô tương lai. Ông Hildegard Müller, Chủ tịch VDA đưa ra nhận định: “Chúng tôi không chỉ cần sản xuất xe mà phải dẫn đầu về công nghệ. Đầu tư vào nghiên cứu phần mềm, pin và lái tự động sẽ giúp ngành lấy lại lợi thế”. Nếu thành công, các hãng Đức có thể biến khủng hoảng thành cơ hội, không chỉ bảo vệ 780.000 việc làm hiện tại mà còn tạo ra những vị trí mới trong lĩnh vực công nghệ cao.

Trong quá trình phát triển hàng trăm năm qua, đây không phải là lần đầu ngành công nghiệp ô-tô Đức đối mặt khó khăn. Nhưng khác với quá khứ, lần này công nghệ là chìa khóa thiết yếu, khiến những “gã khổng lồ” đã già cỗi phải nỗ lực thay đổi triệt để và nhanh chóng. “Nếu hành động đúng lúc, từ năm 2025, Đức có thể viết lại câu chuyện của mình, biến khủng hoảng thành bệ phóng để tái khẳng định vị thế trên bản đồ ô-tô toàn cầu. Còn nếu chần chừ, nguy cơ tụt hậu là điều không thể tránh khỏi”, EY chỉ ra.