Nối lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370

Malaysia xác nhận họ đã tái khởi động cuộc tìm kiếm máy bay Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370. Chiếc phi cơ mất tích chở theo 239 người, biến mất vào ngày 8/3/2014 hiện vẫn là bí ẩn lớn nhất lịch sử ngành hàng không thế giới. Một cuộc tìm kiếm máy bay quy mô lớn do Australia dẫn đầu kéo dài 3 năm đã được tiến hành trước khi bị đình chỉ vào tháng 1/2017.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu tìm kiếm của Ocean Infinity. Ảnh: AP
Tàu tìm kiếm của Ocean Infinity. Ảnh: AP

Biến mất sau 39 phút cất cánh

MH370 là chuyến bay theo lịch trình của Malaysia Airlines từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Máy bay có 2 phi công, 10 tiếp viên và 227 hành khách. Theo Independent, 39 phút sau khi cất cánh, máy bay biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu. Trước khi mất liên lạc, phi công có gửi về thông điệp cuối cùng: “Chúc ngủ ngon, Malaysia 370”. Vài phút sau, bộ phát tín hiệu trên máy bay, vốn có vai trò định vị, cũng bị tắt đi.

Radar quân sự ghi nhận MH370 đã quay lại, bay vào vùng biển Andaman (phía tây Malaysia, giáp vịnh Bengal) trước khi biến mất hoàn toàn. Dữ liệu vệ tinh cho thấy máy bay có thể tiếp tục bay trong nhiều giờ đến khi hết nhiên liệu hoàn toàn. Nó có thể rơi ở biển Andaman hoặc một vùng xa xôi hơn ở nam Ấn Độ Dương.

Đã có rất nhiều giả thuyết về những gì diễn ra trên MH370 như không tặc, hết oxy trong máy bay hay hành động có chủ đích của phi công. Nhà chức trách không nhận được cuộc gọi cấp cứu, không có yêu cầu đòi tiền chuộc, không ghi nhận hiện tượng thời tiết xấu hay vấn đề kỹ thuật đáng kể nào. Không có manh mối đặc biệt nào ngoại trừ việc Chính phủ Malaysia xác nhận có người cố tình cắt đứt liên lạc giữa MH370 với mặt đất.

Danh sách hành khách và phi hành đoàn lập tức được điều tra. Hầu hết người trên máy bay mang quốc tịch Trung Quốc, một số khác đến từ Mỹ, Indonesia, Pháp, Nga... Các nhà điều tra đã lưu ý đặc biệt vài nhóm đối tượng: Hai thanh niên Iran sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp để tìm cuộc sống mới tại châu Âu, 20 nhân viên Công ty công nghệ Freescale Semiconductor (Mỹ), một diễn viên đóng thế cho Lý Liên Kiệt, một cặp đôi Malaysia có tuần trăng mật bị trì hoãn từ lâu... Đời tư, sự nghiệp của từng nhân vật trong số này được nghiên cứu tỉ mỉ. Tuy nhiên, vẫn không có bằng chứng cho thấy họ đã can thiệp vào chuyến bay.

Những manh mối ban đầu

Hàng chục tàu và máy bay từ nhiều quốc gia đã được huy động cho cuộc tìm kiếm, ban đầu là trên vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia, kế đó lan sang biển Andaman và Ấn Độ Dương. Australia, Malaysia và Trung Quốc là ba nước giữ vai trò chính trong cuộc tìm kiếm máy bay mất tích lớn và tốn kém nhất lịch sử. Các bên liên quan đã nỗ lực suốt 3 năm trên một khu vực rộng khoảng 120.000 km2, tiêu tốn khoảng 200 triệu USD. Họ đã sử dụng máy bay, trực thăng, các loại tàu, tàu ngầm, robot... Rất nhiều trong số đó được trang bị radar, hệ thống thu phát tín hiệu... hiện đại song chiếc máy bay vẫn “bặt vô âm tín”.

Các tàu đã tìm thấy tín hiệu siêu âm được cho là phát ra từ hộp đen máy bay. Họ cũng thấy được một xác tàu buôn bị đắm của thế kỷ 19 nhưng tung tích MH370 vẫn chưa phát hiện ra. Tới tháng 7/2015, một mảnh vỡ của MH370 được tìm thấy ở đảo Reunion (tây nam Ấn Độ Dương, gần Madagascar). Đảo Reunion cách Kuala Lumpur hơn 5.000 km. Sự kiện này là bằng chứng xác thực đầu tiên cho thấy MH370 đã kết thúc hành trình của mình ở Ấn Độ Dương. Khẳng định này càng xác đáng hơn khi một số mảnh vỡ khác dạt vào bờ biển đông châu Phi.

Một báo cáo dài 495 trang về MH370 được công bố vào tháng 7/2018 cho thấy, chiếc Boeing 777 đã được điều khiển một cách cố ý chệch ra khỏi lộ trình ban đầu. Dù vậy, các nhà điều tra không xác định được ai phải chịu trách nhiệm sau cùng.

Trong lúc những nỗ lực tìm kiếm chưa mang lại hiệu quả, hàng nghìn thân nhân của hành khách trên máy bay vẫn túc trực tại Kuala Lumpur suốt thời gian dài. Truyền thông thế giới cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho cuộc tìm kiếm. Tháng 1/2017, sau 3 năm nỗ lực và chờ đợi trong mỏi mệt, cuộc tìm kiếm tạm khép lại.

Khó khăn lớn nhất của cuộc tìm kiếm MH370 là không ai biết chính xác phải tìm ở đâu. Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba thế giới, khoảng cách từ điểm máy bay mất liên lạc tới khu vực có dấu vết (đảo Reunion) là quá xa, phạm vi tìm kiếm là quá rộng. Thời tiết đại dương diễn biến phức tạp, độ sâu trung bình của khu vực là 4 km tạo nên quá nhiều khó khăn cho việc tìm kiếm.

Nối lại cuộc tìm kiếm máy bay MH370 ảnh 1

Một mảnh vỡ của MH370 được tìm thấy. Ảnh: AL JAZEERA

Những nỗ lực mới

Chính phủ Malaysia sau này tuyên bố chỉ tái khởi động tìm kiếm nếu có bằng chứng mới thật sự đáng tin cậy. Tháng 1/2018, họ cho phép Công ty thám hiểm hàng hải Ocean Infinity (Mỹ) tiếp quản cuộc tìm kiếm theo một hợp đồng “không tìm thấy, không mất phí”. Các chi tiết giữa Malaysia và công ty này về giá trị hợp đồng, thời gian, địa điểm tìm kiếm… vẫn đang được hoàn thiện. Dù vậy, Malaysia hoan nghênh sự chủ động của Ocean Infinity trong việc triển khai tàu để bắt đầu tìm kiếm.

Nỗ lực lần này dựa trên nghiên cứu về đường trôi dạt của các mảnh vỡ máy bay, tập trung vào các vùng biển phía bắc của cuộc tìm kiếm lần trước. Nỗ lực này kết thúc vào tháng 5/2018 khi thời tiết bắt đầu hạn chế hiệu quả của cuộc tìm kiếm. Từ đó tới nay, các chiến dịch tìm kiếm chính thức không được triển khai thêm. Tuy nhiên, Chính phủ Malaysia và người thân các nạn nhân chưa từng bỏ cuộc. Nhiều lần trong các năm qua, Malaysia đã nói về khả năng tái khởi động dự án, theo CBS News.

Tháng 12 năm ngoái, hơn 10 năm sau thảm họa, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia, ông Anthony Loke, xác nhận họ vừa đạt được một thỏa thuận trị giá 70 triệu USD, thời hạn 18 tháng với đối tác quen thuộc Ocean Infinity. Cuộc tìm kiếm vẫn theo nguyên tắc cũ “không tìm thấy, không mất phí”. Đến tháng 2 năm nay, dự án chính thức bắt đầu. “Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng khi cuộc tìm kiếm được tiếp tục sau một thời gian dài gián đoạn”, Grace Nathan (36 tuổi, người Malaysia) chia sẻ với hãng tin Pháp AFP. Nathan đã mất mẹ trên chuyến bay MH370.

Cuộc tìm kiếm lần này hướng tới một khu vực rộng khoảng 15.000 km2 ở nam Ấn Độ Dương dựa trên thông tin và phân tích dữ liệu mới nhất của Ocean Infinity. “Họ đã kết hợp các dữ liệu và tự tin rằng khu vực tìm kiếm này là đáng tin cậy. Họ thuyết phục chúng tôi rằng, hành trình mới đã sẵn sàng”.

Malaysia cho biết, họ đánh giá cao sự chủ động của Ocean Infinity trong những chiến dịch trước và cả lần này. Tàu của công ty này cũng đã tiến vào nam Ấn Độ Dương từ vài tuần nay. Hai bên tin rằng, khoảng thời gian lý tưởng cho hoạt động tìm kiếm là từ tháng 2 tới tháng 4. Ngay lúc này, cuộc tìm kiếm đang được tiếp tục.

Ở một khía cạnh khác, rất nhiều điều đã thay đổi sau thảm kịch MH370. Nhiều nước có nạn nhân trên máy bay gây áp lực, buộc Malaysia phải cung cấp đầy đủ thông tin. Gia đình các nạn nhân yêu cầu giải đáp nhiều thắc mắc, thậm chí tổ chức tuần hành.

Malaysia Airlines đối diện cuộc khủng hoảng lớn trong thời gian dài. Hãng này nói riêng và giới hàng không nói chung tiếp tục phải cải tiến an toàn bay, đặc biệt đầu tư cho hoạt động giám sát hành trình. Bắt đầu từ năm 2025, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) bắt buộc máy bay thương mại đời mới phải mang một thiết bị phát sóng, cập nhật vị trí theo từng phút. Thiết bị này được kích hoạt tự động và không thể bị tắt thủ công. Không ai muốn thảm kịch MH370 lặp lại một lần nữa.