Nạn buôn lậu động vật hoang dã ở Mỹ latin

Cơ quan chức năng Mexico cuối tháng 3 vừa qua đã thu giữ hơn 300 cá thể rùa quý hiếm trong khoang chứa hành lý của một chiếc xe khách cỡ lớn. Vụ việc này tiếp tục cho thấy tình trạng buôn lậu động vật hoang dã ở khu vực này vẫn vô cùng nhức nhối.
0:00 / 0:00
0:00
Da báo đốm được bày bán công khai tại một khu chợ. Ảnh: AP
Da báo đốm được bày bán công khai tại một khu chợ. Ảnh: AP

Vụ buôn lậu lớn nhất trong 5 năm

Người phát ngôn của Văn phòng Công tố Liên bang về bảo vệ môi trường (Profepa) cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện 320 cá thể rùa được cất giấu kín trong khoang hành lý của chiếc xe chở khách 45 chỗ sau khi phương tiện này bị yêu cầu dừng đỗ tại trạm kiểm soát liên ngành. Tại thời điểm bị bắt giữ, lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan việc vận chuyển số rùa trên. Profepa sau đó đã đưa số rùa về trạm cứu hộ động vật hoang dã gần nhất để tiến hành thủ tục tiếp nhận và nuôi giữ. Thông tin ban đầu cho biết, toàn bộ 320 cá thể rùa trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Theo Profepa, số rùa bị thu giữ thuộc loài Trachemys venusta, hay còn gọi là rùa công Meso-America, nổi bật với lớp mai mầu xanh lá, cam, vàng và các hoa văn giống mắt chim công. Đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái, loài rùa nước ngọt bán cạn này giúp duy trì cân bằng thảm thực vật và động vật thủy sinh nhỏ. Chúng sinh sống chủ yếu ở các con sông chảy chậm, ao hồ và đầm lầy, phân bố tại các khu vực ẩm ướt ở khu vực miền nam Mexico.

Tuy nhiên, do tình trạng phá hủy môi trường sống, ô nhiễm và buôn bán trái phép, số lượng rùa công đang suy giảm tại một số khu vực. Dù không bị xếp vào danh sách loài nguy cấp trên toàn cầu, tại Mexico, Trachemys venusta được liệt vào nhóm “cần được bảo vệ đặc biệt” do bị khai thác quá mức.

Ông Mariana Boy Tamborrell, Giám đốc Profepa cho biết, thời gian qua, nằm trong khuôn khổ chiến dịch quốc gia về đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã, cùng sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát địa phương, Profepa đã liên tục kiểm tra các phương tiện giao thông có dấu hiệu khả nghi di chuyển trên đường cao tốc nối giữa Thủ đô Mexico City và bang Puebla – tuyến đường “nóng” về tình trạng vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Nhờ đó, cảnh sát đã phát hiện vụ buôn lậu nói trên.

Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chiến dịch ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép thông qua hoạt động kiểm tra ngẫu nhiên các phương tiện giao thông có dấu hiệu khả nghi.

Trước vụ việc nói trên, hồi tháng 8/2024, Profepa cũng đã phát hiện một vụ buôn lậu 200 con rùa hoang dã tại sân bay quốc tế Thủ đô Mexico City (AICM). Nếu trót lọt, số rùa này sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến một số quốc gia trong khu vực để bán cho khách hàng nuôi với mục đích làm cảnh.

Nạn buôn lậu động vật hoang dã ở Mỹ latin ảnh 1

Nhiều cá thể rùa quý hiếm được giấu trong một chiếc vali của tội phạm. Ảnh: 123RF

Cuộc chiến cam go

Theo AP, Mỹ latin là khu vực đa dạng sinh học nhất thế giới. Đây là nơi sinh sống của khoảng 40% các loài động thực vật trên hành tinh. Với điều kiện này, nhiều quốc gia trong khu vực trở thành trung tâm buôn bán động vật hoang dã, phần lớn được chuyển lậu đến Tây Ban Nha trước khi phân tán sang Mỹ, Canada, Hà Lan, Pháp, Bỉ, thậm chí xa hơn là các nước tại châu Á.

Trong những năm gần đây, đặc biệt thời điểm bùng phát dịch Covid-19, hàng loạt các vụ buôn lậu động vật hoang dã với số lượng động vật lớn đã bị cảnh sát phát hiện. Ngày 21/8/2020, khi yêu cầu một chiếc xe bán tải dừng lại để kiểm tra việc phòng dịch Covid-19 trên một cao tốc ở bang Minas Gerais, lực lượng chức năng Brazil đã phát hiện 40 hộp các-tông chất kín trong xe. Sau khi kiểm tra, cảnh sát tìm thấy tổng cộng tới 800 con vẹt thuộc nhiều chủng loại trong 40 chiếc hộp này. Theo thiếu tá Joaquin Manao, đội trưởng đội tuần tra, trong số 800 con vẹt được tìm thấy, có những con có thể bán được 5.000 USD nếu mang đến Mỹ hoặc châu Âu. Lái xe sau đó khai báo, một người không rõ danh tính đã nhờ anh ta chở giúp đến thành phố cảng Salvador với giá 1.000 USD.

Tiếp đó, tháng 9/2020, Hải quan Hà Lan bắt giữ 3 công dân Tây Ban Nha khi phát hiện họ vận chuyển lậu 250 loài bò sát từ Mexico trong vali hành lý. Theo hải quan Hà Lan, những loài bò sát này có giá 186.000 USD trên thị trường chợ đen. Mở rộng cuộc điều tra, nhà chức trách Tây Ban Nha sau đó tịch thu hơn 600 loài bò sát có nguy cơ tuyệt chủng, được đưa đến từ một số nước Mỹ latin và châu Phi; đồng thời triệt phá mạng lưới tội phạm rộng lớn, chuyên săn bắt động vật hoang dã, kéo dài từ Mexico đến Australia, New Zealand, Fiji, Oman và Nam Phi. Không chỉ chứa động vật hoang dã trong vali, tội phạm còn vận chuyển chúng sang châu Âu, Mỹ trong những thùng các-tông ngụy trang dưới hình thức chở rau, củ, quả.

Dù tình trạng buôn bán động vật hoang dã tại Mỹ latin vô cùng nhức nhối, song theo LHQ khu vực này lại thiếu dữ liệu, thông tin chính xác về vấn nạn này, gây khó khăn cho công tác thống kê, điều tra và bảo vệ các loài sinh vật bị buôn bán bất hợp pháp. Ông Jorge Ríos, điều phối viên Chương trình chống tội phạm buôn bán sinh vật hoang dã thuộc Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho biết, chỉ có một số quốc gia Nam Mỹ như Brazil hay Peru cung cấp dữ liệu một cách có hệ thống cho cơ quan này. Vì vậy, đến nay, UNODC vẫn gặp khó trong việc cung cấp bằng chứng thực nghiệm về các loài động thực vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất ở Mỹ latin, cũng như các điểm nóng nhất trong khu vực về tình trạng đáng báo động nói trên.

UNODC sử dụng thông tin về các vụ bắt giữ buôn lậu trên thế giới để xây dựng cơ sở dữ liệu mang tên World WISE, đến nay đã thu thập được dữ liệu của gần 180.000 trường hợp ở 149 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 1990-2019, các cơ quan chức năng đã thu giữ gần 6.000 loài, bao gồm động vật có vú, bò sát, san hô, chim và cá, đồng thời xác định các nghi phạm với tổng cộng 150 quốc tịch.

Trước tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, các quốc gia tại khu vực Mỹ latin đã có những chính sách nhằm cải thiện tình hình. Ở cấp khu vực, hồi đầu tháng 8/2021, hơn 50 đại diện đến từ các bên liên quan hàng không ở Mỹ latin và Caribe (LAC) bao gồm sân bay, hãng hàng không, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đã tập hợp để thảo luận về cách có thể phối hợp chống nạn buôn lậu động vật hoang dã. Sau cuộc thảo luận, các bên đã thống nhất các biện pháp phối hợp để truy quét tội phạm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về loại tội phạm này, buôn bán động vật hoang dã là một trong những hoạt động phạm tội có lợi nhuận cao nhất thế giới. Trung bình, các mạng lưới buôn lậu kiếm được từ 7 tỷ đến 23 tỷ USD mỗi năm. Một báo cáo của UNODC cho thấy, việc buôn lậu các loài bò sát mặc dù không thường xuyên được các quốc gia chú ý, nhưng lại là thứ bị buôn bán nhiều thứ hai trên thế giới, chiếm 28% tổng số động vật bị bắt giữ từ năm 1999 đến nay.

Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, Luật Bảo vệ động vật hoang dã vẫn còn khá “nhẹ tay”. Thí dụ, tại Costa Rica, hình phạt cao nhất dành cho loại tội phạm này chỉ là 1 đến 3 năm tù cùng số tiền phạt nhiều nhất 1.000 USD. Hình phạt này không phải là cá biệt so các quốc gia trong khu vực.

Trước tình hình hiện nay, ông Jorge Ríos kêu gọi các quốc gia tại Mỹ latin cần đẩy mạnh nghiên cứu thực địa để xác định các loài chủ yếu bị buôn bán bất hợp pháp. Một thí dụ điển hình là loài báo đốm, trong những năm gần đây nạn buôn lậu loài động vật quý hiếm này đã thu hút sự quan tâm đáng kể, nhưng vẫn khó xác định quy mô của hoạt động này do dữ liệu ít ỏi. Không chỉ vậy, giới chức các nước cũng cần nỗ lực nâng cao năng lực thực thi pháp luật để ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã và tăng cường chia sẻ thông tin về các vụ thu giữ.