Tự do, số phận và những giấc mơ
Lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19 tại Mỹ, “Golden Liberty” là một vở nhạc kịch đầy kịch tính với những màn đấu súng, truy đuổi nghẹt thở cùng câu chuyện tình yêu giữa những mưu mô và hiểm nguy. Ngôi sao của đoàn kịch Moon, cô An Hozuki, đảm nhận vai chính Jesse Sander - một tên cướp hoàn lương vô tình bị cuốn vào âm mưu cướp tàu.
Sự thành công của “Golden Liberty” không chỉ nằm ở cốt truyện hấp dẫn mà còn đến từ khả năng nhập vai xuất sắc của An Hozuki. Cô vừa chinh phục khán giả bằng diễn xuất nội tâm sâu sắc vừa hóa thân hoàn hảo vào một nhân vật nam. Giọng nói trầm ấm, phong thái mạnh mẽ của cô khiến khán giả quên đi thực tế rằng, tất cả các diễn viên trên sân khấu đều là phụ nữ. Anh Andrew Lee, một du học sinh người Mỹ, chia sẻ đầy phấn khích: “Tôi có cảm giác họ mang cả miền Tây nước Mỹ xưa cũ lên sân khấu vậy. Nếu không ai nói với tôi rằng, đây là một đoàn kịch toàn nữ, tôi sẽ không thể nhận ra Jesse không phải là một diễn viên nam”.
Nếu “Golden Liberty” là một vở nhạc kịch với những tình tiết gay cấn, thì “Phoenix Rising” lại là một “bữa tiệc” màu sắc, âm nhạc và vũ điệu. Lấy cảm hứng từ hình tượng phượng hoàng tái sinh, vở diễn này đưa khán giả vào một thế giới đầy mộng mị, nơi ánh trăng dẫn lối cho những cuộc phiêu lưu kỳ ảo. Người dẫn dắt câu chuyện lần này vẫn là An Hozuki, trong vai phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn và chu du qua nhiều vùng đất để mang đến hạnh phúc cho con người. Đề cập tới 7 chủ đề khác nhau, đó là “ước mơ, tình yêu, phiêu lưu, hy vọng, trăng, gió và bay cao”, vở kịch “Phoenix Rising” là chuyến hành trình cảm xúc, đưa khán giả qua từng tầng lớp nghệ thuật đặc trưng của sân khấu Takarazuka.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của đêm diễn chính là khi các nghệ sĩ và nhân viên nhà hát chia nhau đi vào khu vực khán giả và nhảy cùng họ. Đây là một trải nghiệm đặc biệt hiếm có, khiến cả khán phòng như hòa làm một với sân khấu. Anh Usuvaliev Mirat, một du học sinh từ Kyrgyzstan, không giấu nổi sự xúc động: “Tôi không thể tin vào mắt mình, các màn biểu diễn quá ấn tượng, đặc biệt là nhân vật chính trong vở kịch. Từ diễn xuất, vũ đạo cho đến khả năng hát bằng nhiều thứ tiếng, tất cả đều hoàn hảo đến khó tin”.
Di sản nghệ thuật hơn một thế kỷ
Sự kiện này cũng là dịp để khán giả chiêm ngưỡng di sản văn hóa mà sân khấu Takarazuka Revue đã gìn giữ suốt hơn một thế kỷ. Loại hình sân khấu này ra đời năm 1914 do “cha đẻ” tuyến đường sắt Hankyu, ông Kobayashi Ichizō khởi xướng. Takarazuka Revue ra đời từ một ý tưởng táo bạo, đó là biến một bể bơi trong nhà thành sân khấu nhạc kịch. Từ một đoàn kịch chỉ có 17 cô gái trẻ, Takarazuka đã phát triển thành một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản. Điểm đặc biệt của Takarazuka không chỉ nằm ở việc tất cả các diễn viên đều là nữ, mà còn ở phong cách trình diễn hoàn toàn khác biệt. Ba nguyên tắc cốt lõi là “khiêm nhường, công bằng, duyên dáng” được coi là kim chỉ nam cho nghệ thuật biểu diễn và chuẩn mực đạo đức mà mỗi diễn viên phải tuân theo.
Với hơn một thế kỷ phát triển, đoàn kịch toàn nữ này đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa giải trí Nhật Bản, thu hút hàng triệu khán giả mỗi năm. Điều gì đã làm nên sức hút của Takarazuka? Đó chính là sự kết hợp giữa những vở diễn lộng lẫy, tài năng biểu diễn xuất sắc và một hệ thống đào tạo khắt khe chưa từng có. Trường âm nhạc Takarazuka là “cánh cửa” duy nhất dẫn đến thế giới của loại hình sân khấu này. Tọa lạc tại thành phố Takarazuka thuộc tỉnh Hyōgo, ngôi trường này đã trở thành “giấc mơ” của hàng nghìn cô gái trẻ khao khát được khoác lên mình những bộ trang phục lộng lẫy và tỏa sáng trên sân khấu. Tuy nhiên, con đường trở thành một phần của thế giới nghệ thuật này không hề dễ dàng.
Theo chia sẻ của chị Yamada Kiyoko, một nhân viên của trường, mỗi năm có hơn 2.000 ứng viên nộp đơn, nhưng chỉ khoảng 30 người được chọn. Với tỷ lệ chấp nhận chưa đến 2%, đây được xem là một trong những kỳ thi tuyển sinh khắt khe nhất trong ngành nghệ thuật Nhật Bản. Các ứng viên ngoài việc đáp ứng điều kiện về độ tuổi (15-18), còn phải sở hữu ngoại hình thanh lịch và những tố chất nghệ thuật đặc biệt như khả năng ca hát, vũ đạo và diễn xuất. Sau khi vượt qua kỳ tuyển sinh, học viên sẽ bước vào hành trình đào tạo kéo dài 2 năm đầy thử thách. Năm đầu tiên, họ tập trung rèn luyện các kỹ năng nền tảng như ballet, thanh nhạc, diễn xuất, phong thái sân khấu và nghi thức trong một môi trường kỷ luật nghiêm khắc. Bước sang năm thứ hai, những học viên xuất sắc sẽ được phân vào hai nhóm chuyên biệt, đó là “Otokoyaku” đảm nhận vai nam và “Musumeyaku” đảm nhận vai nữ. Từ đây, họ bắt đầu hành trình rèn luyện chuyên sâu để hoàn thiện bản thân theo định hướng vai diễn mà họ sẽ gắn bó trên sân khấu chuyên nghiệp.
Chị Kiyoko tiết lộ: “Các Otokoyaku phải luyện giọng trầm, cách đi đứng mạnh mẽ, trong khi Musumeyaku phải rèn luyện chất giọng cao và phong thái dịu dàng. Ngôn ngữ và cách biểu đạt của họ cũng phải phù hợp với vai diễn, thậm chí sử dụng những từ ngữ thiên kiến giới tính mà người Nhật bình thường không dùng trong đời sống hằng ngày”. Môi trường này nghiêm khắc đến mức từng động tác, lời nói của học viên đều được giám sát chặt chẽ. Một số người ví von rằng, học tại Trường âm nhạc Takarazuka chẳng khác nào bước vào “trường quân đội của nghệ thuật”.
Sau khi tốt nghiệp và chính thức gia nhập Takarazuka Revue, các diễn viên được phân vai theo 2 tuyến chính. Những người đảm nhận Otokoyaku sẽ thể hiện hình mẫu lý tưởng của nam giới trên sân khấu và thường thu hút được lượng người hâm mộ đông đảo. Trong khi đó, những người đảm nhiệm Musumeyaku sẽ hóa thân thành các nhân vật nữ dịu dàng, lãng mạn, đóng vai trò hỗ trợ cho các otokoyaku trong các vở diễn. Mặc dù mỗi đoàn kịch của Takarazuka có hơn 80 thành viên, chỉ có một số ít diễn viên xuất sắc được chọn làm Otokoyaku và Musumeyaku hàng đầu. Hai vị trí then chốt này sẽ đảm nhận vai chính trong tất cả các vở diễn của đoàn, dù là tại Nhà hát lớn Takarazuka hay Nhà hát Tokyo Takarazuka.
Vì những đêm diễn không thể quên
Một trong những quy định gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất của Takarazuka là việc cấm các diễn viên hẹn hò hoặc kết hôn trong thời gian còn hoạt động nghệ thuật. Quy định này được đặt ra nhằm duy trì hình tượng hoàn hảo của các nghệ sĩ trong mắt công chúng, đặc biệt là những khán giả nữ - những người luôn mong muốn các Otokoyaku giữ được vẻ đẹp lý tưởng của mình. “Tôi vẫn nhớ những ngày tháng còn là học viên ở Trường âm nhạc Takarazuka. Chúng tôi dậy từ sáng sớm, bắt đầu bằng việc dọn dẹp vệ sinh sau đó tập vũ đạo, thanh nhạc và diễn xuất đến tối muộn. Có những hôm giọng tôi khàn đặc, chân tôi rã rời, nhưng không ai phàn nàn dù chỉ một câu”, một thành viên giấu tên của đoàn kịch đã chia sẻ về hành trình của mình.
Khi chính thức bước lên sân khấu, áp lực còn lớn hơn. Các diễn viên đảm nhận vai trò Otokoyaku phải luyện giọng trầm hơn mức tự nhiên, học cách cử chỉ mạnh mẽ như một người đàn ông. Mỗi vai diễn là một thử thách, bởi họ luôn phải vượt qua cái bóng của tiền bối và mang đến một hình ảnh hoàn hảo nhất. Ngoài ra, điều khó khăn nhất không phải là luyện tập mà là những hy sinh cá nhân. Những diễn viên của đoàn không thể có một cuộc sống bình thường. Không hẹn hò, không kết hôn, không công khai đời tư. Mọi thứ đều phải đặt dưới ánh đèn sân khấu. “Nhưng khi nghe tiếng vỗ tay của khán giả, tôi biết rằng tất cả nỗ lực đều xứng đáng. Tôi đã sống vì nghệ thuật, vì Takarazuka”, một thành viên của đoàn kịch chia sẻ.
Sự kết hợp giữa cốt truyện lôi cuốn, âm nhạc và màn trình diễn hoành tráng, những đêm diễn tại Nhà hát lớn Takarazuka không chỉ là một chương trình nghệ thuật mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ với bất kỳ ai từng đặt chân đến đây. Giá vé dao động từ 3.500 đến 12.500 yen có thể không rẻ, nhưng hoàn toàn xứng đáng cho những ai yêu thích nghệ thuật sân khấu. Nhìn lại toàn bộ chương trình, dư âm không dừng lại ở những giai điệu du dương hay những bước nhảy điêu luyện, mà chính là cảm giác được cuốn vào một thế giới khác, nơi những giấc mơ được thắp sáng dưới ánh đèn sân khấu. Đó có lẽ cũng là sức hút lớn nhất của Takarazuka, như một câu chuyện“cổ tích” vẫn tiếp tục tồn tại qua hơn một thế kỷ.