Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 28 triệu điều dưỡng viên và hộ sinh, chiếm gần 50% lực lượng y tế, đóng vai trò không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe.Từ cô gái quý tộc đến nhà cải cách
Theo The Guardian, Florence Nightingale - người tiên phong trong lĩnh vực điều dưỡng vào thế kỷ 19 - đã “cách mạng hóa” các hoạt động y tế thông qua các phương pháp tiếp cận sáng tạo đối với chăm sóc sức khỏe và sự tận tụy trong cải thiện thể trạng của bệnh nhân. Việc bà sử dụng phân tích dữ liệu trong chăm sóc sức khỏe và thiết lập các tiêu chuẩn giáo dục điều dưỡng đã đặt nền móng cho nghề điều dưỡng phát triển như ngày nay. Với biệt danh “Người phụ nữ với cây đèn”, bà đã thay đổi cách thế giới nhìn nhận nghề điều dưỡng, từ một “công việc thấp kém” thành một “nghề nghiệp cao quý”, đòi hỏi kiến thức khoa học và lòng nhân ái.
Florence Nightingale sinh ngày 12/5/1820 tại Florence (Italy) trong một gia đình quý tộc Anh giàu có. Cha bà, William Edward Nightingale, là một điền chủ sở hữu tài sản lớn, còn mẹ, Frances, xuất thân từ dòng dõi thương gia. Florence được giáo dục gia đình (tại nhà) với chương trình học nghiêm ngặt, bao gồm các môn toán học, triết học và nhiều ngôn ngữ khác nhau như Pháp, Đức, Italy, Hy Lạp, latin. Tuy nhiên, từ nhỏ, bà đã thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc với những người nghèo khổ và bệnh tật, thường chăm sóc nông dân ốm yếu gần trang trại của gia đình. Những năm tháng hình thành nhân cách của Florence Nightingale được đánh dấu bằng một loạt các trải nghiệm biến đổi đã định hình nên thế giới quan của bà và thúc đẩy mong muốn cải cách xã hội.
Năm 1837, ở tuổi 17, Nightingale ghi nhận trong nhật ký rằng bà nhận được “lời kêu gọi từ Chúa” tại khu vườn Embley Park, khơi dậy quyết tâm cống hiến cho việc chăm sóc người khác. Ý định theo đuổi nghề điều dưỡng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, vì thời đó nghề này bị coi là thấp kém, không phù hợp với phụ nữ quý tộc. Phụ nữ thời đó được kỳ vọng kết hôn và chăm lo gia đình, chứ không phải tham gia các công việc như chăm sóc bệnh nhân.
Bất chấp sự phản đối, Florence Nightingale kiên trì theo đuổi đam mê. Năm 1847, bà học tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức), nơi bà tiếp xúc với hệ thống chăm sóc y tế do mục sư Theodor Fliedner tổ chức. Năm 1853, bà trở về London và đảm nhận vai trò quản lý Viện Chăm sóc Nữ bệnh nhân tại phố Upper Harley, nơi bà bắt đầu cải tổ hệ thống chăm sóc bằng cách nâng cao vệ sinh và tổ chức bệnh viện hiệu quả hơn. Theo The New York Times, trong vòng hai năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo y tế uy tín tại Anh, dù phải đối mặt định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ.
Năm 1854, Chiến tranh Crimea (1853-1856) bùng nổ giữa hai lực lượng quân sự châu Âu, trong đó phe đồng minh gồm đế quốc Pháp, Anh, Ottoman và Vương quốc Sardegna chống lại đế quốc Nga. Báo chí Anh, đặc biệt là tờ The Times, đưa tin về tình trạng tồi tệ của thương binh tại bệnh viện quân y Scutari, Istanbul. Theo thống kê được bà Nightingale ghi lại lúc đó, tỷ lệ tử vong tại Scutari lên tới 42,7% vào tháng 2/1855, chủ yếu do nhiễm trùng và điều kiện vệ sinh kém. Nightingale đã dẫn đầu một nhóm 38 nữ điều dưỡng đến Scutari vào tháng 11/1854.
Tại đây, bà chứng kiến cảnh bệnh viện chật chội, thiếu thuốc men, dụng cụ mất vệ sinh, hệ thống cống rãnh tắc nghẽn. Nhóm của bà đã tiến hành tổ chức dọn dẹp bệnh viện, cải thiện vệ sinh và thiết lập hệ thống cung cấp thức ăn, thuốc men. Bà cũng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân vào ban đêm, cầm cây đèn dầu đi qua các hành lang, từ đó được binh lính gọi là “Người phụ nữ với cây đèn”. Nhờ các cải cách của bà, tỷ lệ tử vong tại Scutari giảm xuống còn 2% vào tháng 6/1855. Những nỗ lực này không chỉ cứu sống hàng nghìn binh sĩ mà còn nâng cao hình ảnh của nghề điều dưỡng trong mắt người dân.
Sau chiến tranh, bà trở về Anh (1856) như một nữ anh hùng, nhưng sức khỏe suy yếu do mắc bệnh brucellosis. Dù nằm liệt giường phần lớn thời gian, bà tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ. Năm 1860, xuất bản cuốn “Notes on Nursing: What It Is, and What It Is Not”, tài liệu nền tảng về lý thuyết điều dưỡng, nhấn mạnh vai trò của môi trường sạch, không khí trong lành và sự chăm sóc tận tâm trong phục hồi sức khỏe bệnh nhân. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau; trở thành giáo trình chính tại các trường điều dưỡng.
Nightingale qua đời ngày 13/8/1910 tại London ở tuổi 90, nhưng những đóng góp của bà trong ngành điều dưỡng vẫn còn mãi. Bà từ chối được tổ chức đám tang cấp quốc gia, nhưng ảnh hưởng của bà vẫn được ghi nhận qua Huân chương Florence Nightingale, được Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế thành lập năm 1912 để vinh danh các điều dưỡng xuất sắc.
Vai trò của ngành điều dưỡng
Trước thời Nightingale, việc điều dưỡng thường do các nữ tu hoặc những người không qua đào tạo thực hiện, mang tính chất từ thiện hơn là chuyên môn. Năm 1860, bà thành lập Trường Điều dưỡng Nightingale tại Bệnh viện St.Thomas, London, đặt nền móng cho hệ thống đào tạo điều dưỡng khoa học đầu tiên. Trường này không chỉ đào tạo điều dưỡng Anh mà còn truyền cảm hứng cho các chương trình tương tự tại Mỹ, Canada và Australia.
Đến năm 1900, hơn 100 trường điều dưỡng đã được thành lập trên toàn cầu, phần lớn dựa trên mô hình của Nightingale. Cuốn “Notes on Nursing: What It Is, and What It Is Not” của bà nhấn mạnh lý thuyết môi trường, cho rằng các yếu tố như vệ sinh, ánh sáng và không khí trong lành là “yếu tố then chốt” để chữa lành bệnh nhân. Lý thuyết này vẫn ảnh hưởng đến thực hành điều dưỡng hiện đại, đặc biệt trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Di sản của bà Nightingale được củng cố qua các cuộc chiến tranh sau này. Trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865), Chính phủ Mỹ tham khảo ý kiến của Nightingale để tổ chức bệnh viện dã chiến. Các cải cách của bà về vệ sinh và quản lý y tế đã giúp giảm tỷ lệ tử vong ở các bệnh viện quân y Mỹ từ 30% xuống dưới 10%. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và hai, nhân viên điều dưỡng trở thành lực lượng chủ chốt, với hàng chục nghìn nữ điều dưỡng phục vụ tại các mặt trận. Gần đây, vai trò của điều dưỡng được thể hiện rõ trong đại dịch Covid-19 (từ đầu năm 2020). Theo WHO, điều dưỡng chiếm 59% lực lượng y tế tham gia chống dịch, chăm sóc hơn 600 triệu ca nhiễm trên toàn cầu từ năm 2020 đến 2023. Báo cáo của ICN năm 2023 cho hay, 1.500 điều dưỡng đã thiệt mạng do Covid-19, minh chứng cho sự hy sinh của họ.
Năm 1965, ICN chính thức chọn ngày 12/5 là Ngày Quốc tế Điều dưỡng để tưởng nhớ Nightingale. Năm 2020, WHO chỉ định là Năm Quốc tế Điều dưỡng và Hộ sinh, kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Nightingale, đồng thời kêu gọi đầu tư vào lực lượng điều dưỡng. Báo cáo của WHO năm 2023 ước tính thế giới cần thêm 9 triệu điều dưỡng và hộ sinh vào năm 2030 để đạt mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Ngày Quốc tế Điều dưỡng không chỉ tôn vinh Nightingale mà còn ghi nhận vai trò của điều dưỡng trong các lĩnh vực như chăm sóc cộng đồng, giáo dục sức khỏe và nghiên cứu y học.
Mặc dù đạt nhiều tiến bộ, nghề điều dưỡng toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức. Thiếu hụt điều dưỡng là vấn đề nghiêm trọng, với 5,9 triệu vị trí trống trên toàn cầu vào năm 2023, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp. Ngoài ra, nhân viên điều dưỡng thường phải làm việc trong điều kiện áp lực cao, với mức lương không tương xứng. Báo cáo của ICN năm 2024 cho thấy, 20% điều dưỡng tại các nước phát triển như Anh và Mỹ có ý định rời nghề do kiệt sức. Tuy nhiên, tương lai của nghề điều dưỡng cũng đầy triển vọng. Các sáng kiến như chiến dịch “Nursing Now” (2018-2020) của WHO và ICN đã nâng cao vị thế của điều dưỡng, thúc đẩy đào tạo và lãnh đạo trong ngành.