Những biến động lịch sử
Richard III của Vương triều Plantagenet sinh năm 1452, làm vua nước Anh từ năm 1483. Ông chết trong trận đánh Bosworth Field vào năm 1485. Trận Bosworth Field là trận đánh áp chót trong cuộc nội chiến giữa nhà Lancaster và Nhà York nổ ra trên khắp nước Anh vào nửa cuối của thế kỷ 15. Diễn ra ngày 22/8/1485 tại miền trung nước Anh và chiến thắng đã đến với Lancaster. Theo Primal Space, cái chết của Vua Richard III là bước ngoặt lịch sử lớn, kết thúc hơn 20 năm nội chiến tại Anh, khép lại cuộc Chiến tranh Hoa Hồng đồng thời đặt dấu chấm hết cho thời kỳ Trung cổ tại nước Anh.
Thi hài của Vua Richard III sau đó được an táng bởi kẻ chiến thắng Henry Tudor, người sau này trở thành Vua Henry VII. Tuy nhiên theo thời gian, thi hài của “vua gù” đã bị thất lạc. Vị trí chôn cất thật sự của ông đã luôn là bí ẩn lớn suốt hơn 500 năm. Nguyên nhân của sự mất tích ấy liên quan tới quá trình chôn cất ông hồi năm 1485. Sau khi tử trận ở Bosworth Field, thi hài ông được đưa tới thị trấn gần đó để thị chúng, trước khi được đưa vào tu viện Grey Friars (Leicester) và an táng theo nghi lễ sơ sài. Những kẻ chiến thắng đắp một ngôi mộ bằng đá cho vị vua xấu số.
Tuy nhiên, thi hài Vua Richard III không ở đó được lâu. Năm 1536, con trai Henry VII là Henry VIII tiến hành chiến dịch phá bỏ các nhà thờ Công giáo trên toàn nước Anh. Trong vòng 5 năm, toàn bộ nhà thờ Công giáo tại Anh phải đóng cửa, nhiều nhà thờ bị phá hủy, trong đó có Grey Friars.
Mảnh đất Grey Friars từng tồn tại được Robert Herrick, Thị trưởng thành phố Leicester mua lại và xây nên một dinh thự vào năm 1612. Nhiều nguồn sử liệu khẳng định Herrick biết rõ vị trí mộ Vua Richard III và đã dựng một tấm bia tưởng niệm tại vị trí này. Tấm bia có hàng chữ “Nơi đây an nghỉ thi hài Richard III, một thời là vua nước Anh”. Tấm bia này được nhìn thấy vào năm 1612 nhưng tới năm 1844 thì biến mất.
Trong khi đó, một nguồn sử liệu quan trọng khác nói điều ngược lại. Trong cuốn “Lịch sử nước Anh” (1611), nhà sử học John Speed viết về thời khắc nhà thờ Grey Friars bị phá dỡ hồi năm 1536. Ông kể rằng, đám đông dân chúng giận dữ đã đào mộ Vua Richard III, mang khỏi nhà thờ và ném xuống chân cầu Bow ở gần đó. Giả thuyết này được tin cậy và xuất hiện trong rất nhiều tài liệu lịch sử sau này, đến mức người ta còn dựng hẳn một tấm bia ở cầu Bow để ghi nhớ nơi chôn vị vua nhà Plantagenet.
Khoảng năm 1862-1863, người ta tìm được thi thể một người đàn ông trong trầm tích dưới cây cầu. Nhiều người tin rằng họ đã tìm được thi hài Richard III. Nhưng các kiểm tra sau đấy xác nhận thi hài kia thuộc về một người đàn ông ngoài 20 tuổi, trong khi Vua Richard III qua đời năm 33 tuổi. Giả thuyết của nhà sử học John Speed sau này bị chứng minh là sai lầm khi người ta phát hiện nhiều sai sót trong phương pháp nghiên cứu của ông, điển hình là việc nhà sử học này đã vẽ sai vị trí nhà thờ Grey Friars trong bản đồ.
Manh mối rõ ràng nhất liên quan tới vị vua mất tích vẫn nằm ở mảnh đất ban đầu của nhà thờ Grey Friars. Trải qua biến động thời gian, dinh thự của Robert Herrick đã không còn tồn tại. Mảnh đất của ông đổi chủ nhiều lần, bị chia nhỏ, thay đổi mục đích sử dụng. Khoảng năm 1944, nơi từng là khu vườn của Herrick đã được sử dụng làm bãi đỗ xe cho nhân viên Hội đồng thành phố Leicester. Nền móng ban đầu của nhà thờ Grey Friars bị chôn vùi dưới nhiều lớp đất đá.
Đến lúc này phải nói tới vai trò của Hội Richard III. Đây là một nhóm các nhà sử học nghiệp dư, có mối quan tâm đặc biệt tới Vua Richard III. Hội ra đời năm 1924, được sáng lập bởi bác sĩ Samuel Saxon Barton. Huy hiệu của hội là sự kết hợp giữa huy hiệu Vua Richard III và biểu tượng của nhà York trong cuộc Chiến tranh Hoa Hồng. Mục đích của họ là nghiên cứu, trả lại danh tiếng, đồng thời xa hơn là tìm kiếm thi hài Vua Richard III.
Trong quá trình nghiên cứu, họ tìm được tấm bản đồ khu vực hồi năm 1741, xác định được dinh thự của Robert Herrick và khu vườn chung quanh. Chồng các bản đồ mới hơn lên nhau, họ tiếp tục xác định được khu nhà nào mới, khu nhà nào cũ, biết được chúng xây từ bao giờ, đồng thời định vị rõ những khu đất trống vẫn tồn tại từ đó tới nay.
Bước ngoặt của cuộc tìm kiếm
Năm 2004, bà Philippa Langley - một thành viên của Hội Richard III - đến khảo sát khu vực này. Bà đã tham quan hết các bãi đậu xe và nhà cửa tại đây. Đến một ngày, Langley bước vào bãi đậu xe và cảm nhận một “linh cảm đặc biệt, như thể từ trong sâu thẳm của bà biết rằng thi thể Vua Richard III đang nằm tại đây”. Năm 2005, bà tiếp tục trở lại bãi đậu xe này và nhìn thấy một chữ R nằm trên mặt đất. Chữ R ở bãi đậu xe là viết tắt của từ tiếng Anh “Reserved”, nghĩa là đã có xe đặt chỗ. Tuy nhiên, chữ cái ấy khiến Langley gợi liên tưởng mạnh mẽ tới Vua Richard III. Kể lại sau này với The Guardian, Langley bảo “nó đã cho tôi biết mọi điều tôi cần”.
Tuy nhiên, phải mất bảy năm, Langley và các cộng sự mới xin được giấy phép và có kinh phí tiến hành khai quật. Ngày 25/8/2012, đúng 527 năm sau ngày mất của nhà vua, cuộc tìm kiếm bắt đầu. Dự án ban đầu dự kiến thực hiện trong hai tuần, song chỉ sau 6 giờ đồng hồ tìm kiếm, họ đã tìm thấy một bộ xương chỉ cách vị trí chữ R của Langley vài mét. Thi thể này có những tổn thương nghiêm trọng ở phần hộp sọ và cột sống cong vẹo đặc biệt, phù hợp với miêu tả trong sử sách về Vua Richard III, người vẫn được gọi là “vua gù” khi có một bên vai cao hơn vai còn lại. Đây là hai dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đã tìm thấy thi hài vị vua mất tích.
Để thật sự chứng minh được đây là Vua Richard III, nhóm nghiên cứu vẫn cần những bằng chứng rõ ràng hơn. Họ đã lấy mẫu ADN từ xương của Vua Richard III và cố gắng xem nó có trùng khớp với ADN các hậu duệ của ông hay không. Đây tiếp tục là một hành trình khó khăn vì đã hơn 500 năm trôi qua kể từ thời vương triều Plantagenet và loại ADN xác định huyết thống này chỉ được truyền qua người mẹ.
Các nhà khoa học đã thông qua chị gái Anne của Vua Richard III. Họ xác định được 16 thế hệ hậu duệ, tới người phụ nữ cuối cùng là Joy Brown. Bà Brown đã mất năm 2008 nhưng con trai bà là Michael Ibsen vẫn còn sống. Để bảo đảm hơn, nhóm nghiên cứu xác định thêm một nhánh hậu duệ nữa và tìm được bà Wendy Duldig (sinh năm 1961). Kiểm tra sau đó xác định Michael Ibsen và Wendy Duldig có quan hệ huyết thống với nhau.
Trong lúc bận rộn với việc xác định huyết thống, họ cũng cố gắng tính tuổi chính xác của thi hài dưới bãi đậu xe bằng phương pháp định tuổi carbon-14. Tính toán cho thấy hai điều: Tuổi của bộ xương già hơn Vua Richard III vài chục năm và người đã mất có chế độ ăn giàu hải sản lúc còn sống. Hai điều này hóa ra lại hợp lý bởi vào thế kỷ 15, chỉ người giàu có mới có chế độ ăn nhiều hải sản. Chế độ ăn ấy cũng thường xuyên dẫn tới sai lệch trong phép tính tuổi bằng carbon-14.
Cùng thời điểm ấy, họ nhận tin xét nghiệm ADN của Michael Ibsen và thi hài dưới bãi đậu xe là hoàn toàn trùng khớp. Vậy là không còn nghi ngờ gì nữa, vị vua mất tích Richard III đã được tìm thấy.
Sau khi công bố nghiên cứu của mình với thế giới, nhiệm vụ cuối cùng của nhóm nghiên cứu là tìm nơi yên nghỉ nghìn thu cho Vua Richard III. Nhiều địa điểm đã được xem xét, Hoàng gia Anh đã được hỏi ý kiến, thậm chí đã có những tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vào năm 2015 là giữ thi hài Vua Richard III ở lại nhà thờ thành phố Leicester. Một phòng trưng bày riêng về ông cũng được xây dựng tại đây. Vậy là sau 530 năm, vị vua mất tích cuối cùng đã được yên nghỉ.