Mật nghị Hồng y

Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Tòa thánh Vatican sẽ sớm tổ chức “Mật nghị Hồng y”, tức cuộc họp kín giữa các Hồng y, để tìm ra Giáo hoàng kế tiếp, người lãnh đạo tối cao thứ 267 của Giáo hội Công giáo La Mã.
0:00 / 0:00
0:00
Các Hồng y bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới. Ảnh: AP
Các Hồng y bỏ phiếu bầu Giáo hoàng mới. Ảnh: AP

Công trạng với Giáo hội Công giáo

Giáo hoàng là Giám mục thành Rome và là người đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn thế giới. Giáo hoàng cũng đồng thời là nguyên thủ quốc gia Vatican, một nước độc lập nằm trong lòng Italy. Theo tín ngưỡng Công giáo, Giáo hoàng là người đại diện của Chúa Jesus, lãnh đạo tối cao của tôn giáo có hơn 1,3 tỷ tín đồ trên toàn cầu. Cuộc bầu chọn Giáo hoàng (Mật nghị Hồng y) vì thế là sự kiện có ảnh hưởng rất lớn tới thế giới.

Khi một Giáo hoàng qua đời (hoặc từ chức), Giáo hội Công giáo sẽ bước vào thời kỳ “sede vacante” (ghế trống), nghĩa là giai đoạn không có người lãnh đạo. Một Hồng y với quyền lực hạn chế sẽ tạm thời đứng đầu Vatican trong thời gian này. “Sede vacante” thường kéo dài trong vài tuần, từ lúc tổ chức tang lễ cho Giáo hoàng quá cố tới khi bầu xong Giáo hoàng mới. Cuộc bầu chọn này được gọi là “Papal conclave” (Mật nghị Hồng y). “Conclave” có nguồn gốc từ hai tiếng latin là con (cùng nhau) và clavis (chìa khóa), mô tả cuộc họp kín giữa các Hồng y để bầu chọn Giáo hoàng mới.

Việc bầu chọn Giáo hoàng đã diễn ra trong gần 2.000 năm qua dưới nhiều hình thức khác nhau, ban đầu bằng cách tung hô của giáo sĩ và người dân, rồi dần dần hoàn thiện và thực hiện theo các quy chuẩn phức tạp của Hồng y Đoàn. Tổ chức này chính thức được giao nhiệm vụ bầu chọn Giáo hoàng từ năm 1059. Quy trình này sau đó tiếp tục hoàn thiện như hiện nay.

Mật nghị Hồng y tổ chức tại Nhà nguyện Sistine, hội trường nổi tiếng của Vatican. Các Hồng y họp trong nhà nguyện và nghỉ đêm tại khách sạn Casa Santa Marta trong khuôn viên Vatican. Họ không được ra ngoài, không được giao tiếp với thế giới theo mọi hình thức như điện thoại, internet hay báo chí. Việc quay phim hay chụp ảnh cũng bị cấm tuyệt đối. Điều này nhằm tránh mọi sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào quá trình bầu chọn.

Cuộc họp quy tụ các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới và sẽ kéo dài tới khi một Giáo hoàng mới được bầu. Chỉ những Hồng y dưới 80 tuổi (Hồng y cử tri) mới được phép tham gia mật nghị và được bỏ phiếu. Các Hồng y lớn tuổi được tham gia họp chuẩn bị, nhưng không được bầu chọn.

Theo News Sky, Giáo hội Công giáo hiện có 252 Hồng y trên toàn cầu, trong đó có 135 Hồng y cử tri; 53 người tới từ châu Âu, 23 từ châu Á, 20 từ Bắc Mỹ, 17 từ Nam Mỹ, 18 từ châu Phi và 4 người khác của châu Đại dương. Quốc gia có nhiều Hồng y nhất là Italy (17), Mỹ (10 người) và Brazil (7 người).

Về lý thuyết, bất kỳ đàn ông Công giáo nào đã rửa tội đều có thể được bầu làm Giáo hoàng. Tuy nhiên trên thực tế, Hồng y Đoàn có truyền thống chọn một trong những thành viên của mình làm Giáo hoàng. Giáo hoàng Urban VI là nhân vật hiếm hoi không thuộc Hồng y Đoàn được bầu chọn vào năm 1378.

Không tồn tại một bộ tiêu chuẩn cố định cho vị trí Giáo hoàng. Tuy nhiên, hầu hết ứng cử viên đều phải có công trạng với quá trình phát triển Giáo hội, hiểu biết sâu sắc về thần học, kỹ năng quản lý hành chính và năng lực xử lý các vấn đề nội bộ cũng như toàn cầu. Một yếu tố rất quan trọng khác nhưng ít được công khai nhắc tới là quan hệ với các Hồng y đồng nghiệp. Tất cả đều sẽ được đưa ra bàn thảo, xem xét tại Mật nghị Hồng y. Các Hồng y có xu hướng tìm kiếm một Giáo hoàng sở hữu năng lực đoàn kết tín đồ, duy trì được tính liên tục của Giáo hội Công giáo La Mã trên toàn cầu.

Mật nghị Hồng y ảnh 1

Quang cảnh trong Nhà nguyện Sistine. Ảnh: GETTYIMAGES

Quy trình bầu chọn

Ngày đầu tiên của Mật nghị Hồng y sẽ có một cuộc bỏ phiếu. Những ngày sau, các Hồng y sẽ bỏ phiếu 2 phiên một ngày cho tới khi có một ứng viên đạt được hai phần ba số phiếu bầu. Tất cả đều phải tuyên thệ giữ bí mật về cuộc bỏ phiếu, người vi phạm gần như chắc chắn sẽ bị khai trừ khỏi hội nghị.

Mật nghị Hồng y dài nhất đã diễn ra trong 3 năm, từ năm 1268 tới 1271. Một số hội nghị khác chỉ kéo dài vài ngày. Mật nghị bầu Giáo hoàng John Paul năm 1978 diễn ra trong chưa đầy 3 ngày. Giáo hoàng Francis vừa tạ thế được bầu trong khoảng 2 ngày hồi năm 2013.

Khói đen và khói trắng là cách Vatican thông báo với thế giới về kết quả của các cuộc bầu chọn. Sau mỗi lần bầu, nếu kết quả chưa ngã ngũ, mật nghị sẽ bỏ các phiếu bầu và bảng kiểm phiếu vào lò và đốt cùng một chất phụ gia tạo khói đen. Khói bốc lên từ Nhà nguyện Sistine sẽ thông báo cho thế giới biết rằng cuộc bầu chọn Giáo hoàng chưa có kết quả. Ngược lại, cột khói trắng sẽ thông báo Vatican đã tìm được tân Giáo hoàng.

Từ hàng nghìn năm qua, những người Công giáo đã duy trì truyền thống tụ tập và chờ đợi cột khói bốc lên tại Quảng trường Thánh Peter. Nếu chưa đạt được kết quả trong

3 ngày đầu, Mật nghị Hồng y sẽ tạm nghỉ một ngày để cầu nguyện và thảo luận. Sau đó, các cuộc bỏ phiếu lại tiếp tục. Khi một Hồng y nhận được đủ hai phần ba số phiếu, Mật nghị Hồng y sẽ hỏi ông có sẵn sàng chấp nhận vị trí này và muốn sử dụng tên gọi nào dưới tư cách tân Giáo hoàng.

Tân Giáo hoàng sau đó sẽ mặc lễ phục mới, vốn được những người thợ thủ công chuẩn bị sẵn theo các cỡ lớn, vừa và nhỏ, ngồi trên ngai trong Nhà nguyện Sistine. Các Hồng y khác sẽ xếp hàng, tỏ lòng tôn kính và tuyên thệ tuân theo thủ lĩnh tối cao của Giáo hội Công giáo.

Sau đó, một Hồng y sẽ bước ra ban công, nhìn ra quảng trường trung tâm Vatican và tuyên bố câu tiếng latin kinh điển “Annuntio vobis gaudium magnum. Habemus Papam” (tạm dịch là “Tôi xin thông báo một niềm vui lớn. Chúng ta đã có một tân Giáo hoàng). Tên và danh xưng của Giáo hoàng mới cũng sẽ được tiết lộ với công chúng. Tiếp theo, Giáo hoàng mới sẽ lần đầu xuất hiện trên ban công để chào và ban phước lành cho đám đông tại Quảng trường Thánh Peter. Buổi lễ đăng quang chính thức của tân Giáo hoàng sẽ được tổ chức vài ngày sau đó.

Tranh cãi và thách thức

Cũng giống như mọi cuộc bầu cử khác, Mật nghị Hồng y vẫn có những vấn đề riêng và chịu một số chỉ trích. Nhiều người tin rằng tính bảo mật quá cao của hội nghị tạo ra những lo ngại về khả năng “chính trị hóa” Giáo hội. Số khác cho rằng quy trình này khiến hội nghị không phản ánh được mối quan tâm chung của giáo dân toàn cầu. Số khác nữa đặt câu hỏi về độ tuổi của các Hồng y và việc thiếu các tiếng nói trẻ trung hơn trong mật nghị.

Dù vậy, quy trình hiện tại của Mật nghị Hồng y vẫn được duy trì ổn định trong nhiều thập kỷ qua, cho thấy đây vẫn là hình thức bầu chọn phù hợp nhất tính đến thời điểm hiện tại. Các Giáo hoàng gần đây cũng đều chứng minh được năng lực, cho thấy họ xứng đáng với vị trí của mình. Kết quả của Mật nghị Hồng y sắp tới có ra sao, tân Giáo hoàng cũng sẽ đối mặt nhiều vấn đề đương đại của tôn giáo này.

Theo The Conversation, tính thống nhất, tầm nhìn chung của Công giáo toàn cầu là vấn đề lớn đầu tiên mà Giáo hoàng phải đối mặt trong một thế giới có nhiều thay đổi phức tạp. Các khó khăn khác là sự suy giảm số lượng giáo sĩ, đòi hỏi vai trò cao hơn cho phụ nữ trong giáo hội hay những bê bối lạm dụng tình dục trong nhà thờ Công giáo bị phát giác ở nhiều quốc gia. Nhiều Hồng y cũng đã lên tiếng, đòi hỏi Giáo hội Công giáo La Mã quan tâm nhiều hơn tới nghèo đói và bất công, biến đổi khí hậu và môi trường, đồng thời phải tìm cách sử dụng hiệu quả hơn các phương tiện truyền thông trong thời đại công nghệ cao. Đó sẽ là những thách thức lớn với riêng tân Giáo hoàng và với Giáo hội Công giáo nói chung.