Tình trạng pháp lý của tài sản để thi hành án thường khá phức tạp đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục đổi mới, cập nhật phù hợp với thực tiễn, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong tình hình mới.
Từ khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội ban hành và đi vào cuộc sống, đã có những chuyển biến tích cực, tạo hành lang pháp lý quan trọng, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần xử lý nợ xấu và khơi thông nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, trước những thay đổi của đời sống, môi trường kinh doanh, công tác thi hành án, nhất là trong các vụ án kinh tế lớn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, trong một vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, cơ quan chức năng phải kê biên, xử lý các tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất, cổ phiếu có giá trị rất lớn, trong khi đó, tình trạng pháp lý của các tài sản này thường khá phức tạp, nhiều trường hợp chưa được xác định rõ, đến giai đoạn thi hành án phát sinh nhiều vấn đề pháp lý...
Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những năm qua, cơ quan thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh phải xử lý rất nhiều tài sản đặc biệt có giá trị lớn liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng. Tài sản do cơ quan thi hành án dân sự đưa ra đấu giá là loại tài sản đặc thù, nhiều phức tạp. Khi xem xét hồ sơ giấy tờ, đòi hỏi các tổ chức đấu giá phải có sự đánh giá chính xác tính pháp lý. Tuy nhiên, công tác này vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Có thể kể đến như: rủi ro về pháp lý tài sản đấu giá khi cơ quan thi hành án không thu giữ được giấy tờ bản chính về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản dẫn đến khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận cho người trúng đấu giá. Tiếp theo là rủi ro trong việc bàn giao tài sản cho người mua khi có thể không giao được tài sản, giao tài sản chậm so với dự kiến do sự chống đối của người phải thi hành án, phải thực hiện biện pháp cưỡng chế hoặc có văn bản tạm dừng giao tài sản của cơ quan có thẩm quyền sau khi tài sản đã được đấu giá thành công.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Văn Hoan, Giám đốc Công ty Luật Lê Văn, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xử lý bất động sản thuộc diện thi hành án trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường gặp khá nhiều vướng mắc pháp lý đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình thu hồi tài sản, quyền lợi của các bên liên quan. Trong đó, một số vướng mắc thường gặp như: Tài sản là bất động sản bị kê biên nhưng đang tranh chấp quyền sở hữu, bị thế chấp hoặc có nghĩa vụ tài chính chưa được xử lý; tài sản chưa hoàn tất thủ tục pháp lý (sổ đỏ, quyền sử dụng đất) dẫn đến khó khăn khi đưa vào đấu giá; việc định giá bất động sản có thể chưa phản ánh đúng giá trị thực tế, khiến quá trình đấu giá gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án chưa có cơ chế linh hoạt để điều chỉnh giá khởi điểm dựa trên biến động thị trường. Ngoài ra, tâm lý e ngại của nhà đầu tư, việc thiếu cơ chế giám sát độc lập... cũng tác động rất lớn đến hiệu quả thi hành án các tài sản liên quan.
Từ những vướng mắc, khó khăn trong thi hành án xảy ra trong thực tiễn, Tiến sĩ, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng cần có đề xuất, xem xét, tạo cơ chế thống nhất đối với công tác xử lý tài sản đang hình thành dang dở, chưa hoàn thiện pháp lý nhằm thu hồi tối đa các tài sản tham nhũng. Đối với các vụ án phức tạp, có tài sản kê biên lớn cần thành lập hội đồng định giá tài sản thi hành án để tập trung các công cụ pháp lý, sự phối hợp đồng bộ của các bên, đồng thời có cơ chế tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý và thủ tục. Luật sư Phan Trung Hoài cũng cho rằng, đối với các loại tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu…, cần có quy định bắt buộc về cơ chế thẩm định giá đối với các tài sản này để tránh trường hợp công ty định giá không định giá nhóm tài sản này dù trên thực tế các tài sản rất có giá trị.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết 68, Nhà nước đảm bảo tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp hạn chế hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế bảo đảm nguyên tắc “ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước”. Theo các chuyên gia, luật sư, Nghị quyết số 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, bảo đảm sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Để bảo đảm được điều đó, các chế tài, quy định của pháp luật cần được nghiên cứu điều chỉnh, thiết kế chặt chẽ, khoa học và sát với thực tế hơn nữa.