Sống lại thời hoa lửa hào hùng

Để kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm 2025, nhiều cuộc triển lãm về ký họa kháng chiến đã diễn ra tại thành phố mang tên Bác. Thông qua những cuộc triển lãm, trưng bày đầy ấn tượng, công chúng một lần nữa cảm nhận giá trị độc đáo của các tác phẩm được hình thành trong khói lửa chiến tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham quan triển lãm “Kể chuyện sau ngày thống nhất” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MẠNH HẢO)
Các đại biểu tham quan triển lãm “Kể chuyện sau ngày thống nhất” tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MẠNH HẢO)

Cuộc trưng bày “Kể chuyện sau ngày thống nhất” do Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua đã mang đến nhiều cảm xúc cho công chúng. Trưng bày giới thiệu 102 tranh, tượng, ký họa được sắp xếp theo các chủ đề: Ký họa chiến trường, Hồi ức bão lửa, Những khoảng lặng, Góc nhìn hôm nay.

Cuộc trưng bày như những câu chuyện không cần lời kể, nhưng vẫn hiện diện trong tâm trí mỗi người. Có những ký ức không được ghi lại trong trang sách, nhưng lại biểu hiện rõ nét qua đường cọ, sắc màu và hình khối; đó chính là sức mạnh của nghệ thuật, nơi nội tâm, suy tư và câu chuyện của người nghệ sĩ được chuyển tải tinh tế.

“Kể chuyện sau ngày thống nhất” không đơn thuần là một sự kiện nghệ thuật mà còn là hành trình kể lại câu chuyện của thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã mang theo hình ảnh, ý niệm về cuộc kháng chiến trên chặng đường sáng tạo. Họ là những họa sĩ từng công tác, chiến đấu tại Phòng hội họa Giải phóng miền nam (B11), được thành lập năm 1963, là đơn vị lãnh đạo, quản lý, đào tạo ngành mỹ thuật cho cả miền nam từ 1963 đến 1975. Trưng bày lần này không chỉ giới thiệu những bức ký họa kháng chiến; tại đây công chúng còn có dịp giao lưu, gặp gỡ một số họa sĩ đã đi qua chiến tranh cùng với những tác phẩm của mình như những minh chứng chân thật của lịch sử.

Họa sĩ Quách Phong chia sẻ, trong quá trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam không thể không nhắc đến giai đoạn chiến tranh. Chính thời kỳ cách mạng kháng chiến (1945-1975) đã hình thành và phát triển một thể loại nghệ thuật “rất riêng của Việt Nam”, với tên gọi “tranh ký họa”. Theo họa sĩ Quách Phong, nếu mang so sánh ký họa kháng chiến với những tác phẩm bằng chất liệu khác của thời nay, ký họa không đẹp, không trau chuốt bằng... Tuy nhiên, nếu xét về ý thức sáng tạo, về cảm xúc, hay về tư duy, kỹ năng thể hiện của người nghệ sĩ, về tính “độc lập” của tác phẩm, đặc biệt về tiêu chí hàng đầu “cần phục vụ ngay” thì sẽ thấy được giá trị của ký họa.

Họa sĩ Hồng Xuân, đã ngoài 80 tuổi, nhưng với bà, ký ức về những năm tháng làm họa sĩ-chiến sĩ trong chiến tranh vẫn chưa bao giờ phai mờ. Với bà, giá trị của ký họa kháng chiến chính là những người họa sĩ đã vẽ bằng cả mạng sống của mình, ghi lại những khoảnh khắc, những hình ảnh mà sau này không ai có thể tìm lại được. Những họa sĩ B11 với cây bút, cọ vẽ đã ghi lại cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, trong đó có nhiều tranh để lại dấu ấn khó quên. “Đó là những tài sản vô giá. Một trăm năm sau các họa sĩ có thể vẽ lại cuộc chiến đấu hào hùng này, nhưng những tác phẩm ký họa có được nhờ sự hy sinh, sự quyết tâm vượt qua bom đạn ác liệt thì mãi mãi không có nữa vì lịch sử đã sang trang...” - họa sĩ Hồng Xuân xúc động nói.

Diễn ra trước cuộc trưng bày “Kể chuyện sau ngày thống nhất”, triển lãm tranh “Hành trình Huỳnh Phương Đông” tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã cho công chúng chiêm ngưỡng những tác phẩm nổi tiếng nhất của cố họa sĩ, đặc biệt là những bức ký họa. Dấu ấn về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc không chỉ được khắc ghi trong sách sử mà còn được lưu giữ qua những họa phẩm giàu cảm xúc. Những ký họa ám mùi khói súng, lấm bụi hành quân gắn với những trận đánh đã in sâu vào lịch sử như trận cầu Chữ Y, trận giải phóng Lộc Ninh, trận La Ngà, trận Ấp Bắc,… một lần nữa gợi nên nhiều cảm xúc cho người thưởng lãm. Cuộc triển lãm lần này được xem là có quy mô lớn nhất về ông từ trước đến nay.

Bà Nguyễn Thị Thiên, 69 tuổi, chia sẻ niềm xúc động khi xem những tác phẩm ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông. “Có đến xem mới thấy họa sĩ Huỳnh Phương Đông là người lao động miệt mài, không ngơi nghỉ. Đi đến đâu, ông cũng có tác phẩm ký họa, ghi lại những dấu ấn lịch sử” - bà Nguyễn Thị Thiên bộc bạch. Niềm xúc động lớn nhất của bà khi xem triển lãm “Hành trình Huỳnh Phương Đông” chính là những ký họa chân dung đồng đội của ông, vì “khi nhìn những chân dung ấy, tôi thấy rất nhiều gương mặt không còn nữa”.

Theo họa sĩ Hồng Xuân, điều lớn nhất mà anh em họa sĩ ở Phòng hội họa Giải phóng miền nam trước đây có được đến giờ chính là tình đồng đội gắn kết. “Hiện chúng tôi vẫn liên lạc, hỏi thăm nhau, động viên nhau sáng tác”, họa sĩ Hồng Xuân cho hay. Họa sĩ Phan Hữu Thiện, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng chia sẻ: “Thông qua những cuộc trưng bày, triển lãm tranh ký họa, chúng tôi xem đó là dịp để tưởng nhớ đến những họa sĩ đàn anh của Phòng hội họa Giải phóng miền nam đã vẽ và chiến đấu vì hòa bình, độc lập cho dân tộc”.

Những tác phẩm ký họa được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố sẽ góp phần mang lại những bài học nhiều giá trị cho thế hệ trẻ về khát vọng hướng đến cái đẹp, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào, đồng chí.