“Dở khóc” chuyện phạt nguội

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Võ Nguyễn Tuấn Anh (Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh)

Cuối năm vừa qua, do cần gấp một khoản tiền lớn, tôi đã bán chiếc xe của mình cho một người bạn. Tuy nhiên, do quen biết đã lâu và vì một số lý do bất khả kháng, hai bên chưa thể hoàn tất các thủ tục sang tên đổi chủ. Thời gian gần đây, qua ứng dụng VNeTraffic, tôi bất ngờ nhận được một số thông báo về việc chiếc xe đã bán vi phạm luật giao thông và bị phạt nguội. Liên lạc với người bạn, tôi tiếp tục được biết anh này đã “sang tay” chiếc xe cho một người khác chứ không sử dụng. “Cực chẳng đã”, tôi đành phải tìm đến chủ mới chiếc xe để hoàn tất các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, người này liên tục viện lý do bận bịu để trì hoãn ký giấy sang tên và rút biển số, khiến tôi ngày nào cũng thấp thỏm không yên.

Trường hợp của chị họ tôi còn oái oăm hơn. Giữa năm 2024, khi mua một chiếc ô-tô cũ, chị tôi và chủ xe đã tra cứu kỹ nhưng không phát hiện lỗi phạt nguội nào “đính kèm”. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, khi đi làm thủ tục rút hồ sơ, chị mới phát hiện một số lỗi chưa được xử lý. Lúc này, giao dịch đã hoàn tất, tiền mua xe cũng đã đưa chủ cũ đầy đủ, chị tôi đành phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để tự xử lý các lỗi vi phạm “không biết ở đâu ra”.

“Phạt nguội” là hình thức thông báo vi phạm luật giao thông đường bộ văn minh và hiện đại, tạo thuận lợi cho cả cơ quan chức năng và người có hành vi vi phạm. Nhưng vì một số lý do, hiện đang phát sinh không ít tình huống “dở khóc dở cười”, nhất là trong các tình huống mua bán phương tiện đã qua sử dụng. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến cả bên mua và bên bán, nhất là đối với một bộ phận người kinh doanh dịch vụ mua bán ô-tô cũ, cá biệt có thể dẫn đến khiếu nại, kiện tụng. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, rà soát hệ thống “luồng lạch” xử lý công nghệ thông tin, tránh cho người dân những phiền hà không đáng có.