KHẲNG ĐỊNH NĂNG LỰC ĐÓN SIÊU TÀU
Trong những tháng đầu năm 2025, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải liên tục đón nhận tin vui trong việc tiếp nhận những tàu hàng cỡ lớn trên thế giới cập cảng làm hàng. Theo đó, vào ngày 22/3, Cảng Gemalink chính thức đón TEU thứ 5 triệu, đánh dấu cột mốc quan trọng sau hơn 4 năm hoạt động và thiết lập kỷ lục mới trong ngành khai thác cảng Việt Nam.
Đây là thành tựu khẳng định vị thế vượt trội của cảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, Gemalink là điểm đến tin cậy của các hãng tàu thuộc top 10 thế giới, kết nối nhiều tuyến dịch vụ chiến lược từ Á, Âu, Mỹ đến nội Á. Cảng đang vận hành 10 tuyến dịch vụ, bao gồm 4 tuyến đi Mỹ, 2 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến ghé châu Phi và 3 tuyến nội Á. Sự kết nối này giúp thúc đẩy dòng chảy thương mại xuyên lục địa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải biển phát triển mạnh mẽ.
Trước đó, ngày 13/3, Cảng quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) vừa chính thức ghi nhận mốc lịch sử với sản lượng thông qua 20 triệu TEU sau hơn 14 năm hoạt động. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng khi cảng tiếp nhận thành công tàu mẹ ONE FRUITION, thuộc tuyến dịch vụ MS2, kết nối Việt Nam với Hoa Kỳ. Cũng trong ngày 13/3, tàu OOCL Bauhinia của hãng tàu COSCO/OOCL thuộc tuyến dịch vụ PVCS, tải trọng 166.000 tấn lần đầu cập cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải (TCTT); là cột mốc đánh dấu khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất từ trước đến nay của TCTT nói riêng và toàn hệ thống cảng nước sâu của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nói chung.
Thượng tá Vũ Hồng Hùng, Giám đốc cảng TCIT cho biết, sự kiện đón tàu 166.000 tấn cho thấy khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về kích thước tàu và nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giúp TCTT kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu, từ châu Á đến 5 châu lục. Đồng thời, việc tiếp nhận tàu OOCL Bauhinia là minh chứng rõ nét về năng lực khai thác vượt trội của cảng, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng với các hãng tàu lớn.
Theo báo cáo từ Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, trong quý I/2025, sản lượng hàng hóa qua cảng biển cả nước đạt gần 207 triệu tấn, tăng 4% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội, dẫn đầu cả nước về sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển. Với khối lượng hàng hóa qua cảng biển 3 tháng ước đạt hơn 21 triệu tấn, Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ giữ vững vị trí quan trọng trong ngành logistics, mà còn là điểm sáng trong sự phục hồi mạnh mẽ của ngành cảng biển Việt Nam.
TĂNG KHẢ NĂNG KẾT NỐI
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, thời gian qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, hệ thống hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đã được quan tâm đầu tư theo hướng liên kết các tỉnh trong vùng và đã có những bước phát triển quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu (chiều dài 19,5 km, tổng mức đầu tư 7.811 tỷ đồng) được khởi công ngày 18/6/2023, khi hoàn thành sẽ kết nối với mạng lưới đường cao tốc, đường quốc lộ quốc gia, thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị, du lịch, logistics. Để phát huy tối đa hiệu quả kết nối vùng, tỉnh đã sử dụng ngân sách để triển khai đầu tư 3 tuyến giao thông (chiều dài 16,4 km, tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng) kết nối đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu với các địa phương ven biển; thúc đẩy phát triển du lịch, đô thị.
Dự án Cầu Phước An với chiều dài 4,7 km, tổng mức đầu tư 4.879 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trong năm 2027 để kết nối hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, với phía nam Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam Bộ; thúc đẩy thông thương giữa vùng Đông Nam Bộ-Tây Nam Bộ, mở rộng phát triển công nghiệp, logistics, cảng biển. Để kết nối với cầu Phước An, tỉnh sử dụng ngân sách đầu tư tuyến đường ven biển ĐT994 với chiều dài 70 km, tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ các địa phương trong vùng để triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, gắn cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành, đi qua 5 tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An; hình thành hành lang kinh tế, khu mậu dịch tự do logistics, công nghiệp, cảng; kết nối hệ thống giao thông quốc gia, mở rộng không gian phát triển với các tỉnh trong và ngoài vùng. Hiện tại, đã đầu tư các tuyến kết nối hệ thống cảng với tuyến đường vành đai 4, tổng mức đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 3.200 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 4.400 tỷ đồng).
Ngày 18/2, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và DP World - tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đã ký biên bản ghi nhớ (MOU); đặt nền tảng hợp tác để DP World hỗ trợ nghiên cứu và phát triển Đề án “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ”; đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi DP World trở thành nhà tư vấn chiến lược cho khu thương mại tự do đầu tiên tại vùng Đông Nam Bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, cùng với phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa cụm cảng Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh, logistics xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Cái Mép-Thị Vải đang nhận được nhiều động lực mới để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế quan trọng. Một trong những yếu tố thúc đẩy là việc hình thành khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, việc thí điểm cơ chế “cảng mở” tại Cái Mép-Thị Vải cũng được Chính phủ đồng ý, giúp cụm cảng này có thêm trợ lực phát triển mạnh mẽ thời gian tới.